Hành trình đến Mỹ làm giám đốc của cô gái Việt
'Nhiều người hỏi sao học ở Việt Nam vẫn nhận được công việc tại nước ngoài. Mình nghĩ không nên tự giới hạn bản thân, ở đâu cũng có thể học vì thế giới phẳng rồi', Thanh Thảo nói.
Trong buổi tối không vướng bận công việc ở thành phố San Francisco, Mỹ, Thanh Thảo (sinh năm 1986, TP.HCM) dành thời gian trò chuyện với Zing sau khi tự vào bếp nấu nồi canh rau má.
“Mình mê món Việt lắm. Mua được mớ rau là mừng mừng, tủi tủi vì nhớ hương vị quê nhà”, cô nói.
Thảo sang xứ sở cờ hoa từ tháng 4/2019, sau khi phỏng vấn thành công và nhận được lời mời làm việc cho Cambly - công ty có trụ sở ở San Francisco, phát triển ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến với gia sư bản xứ. Cô hiện đảm nhận vị trí giám đốc quốc gia cho thị trường Việt Nam.
Trước đó, Thảo tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng 7 năm, công ty phần mềm của nước ngoài hơn 3 năm và trung tâm tiếng Anh ở TP.HCM.
“Cứ thử đi!”
Tốt nghiệp đại học năm 2008, với vốn tiếng Anh tốt, Thảo dễ dàng kiếm được công việc trong ngân hàng nước ngoài tại TP.HCM. Trong 7 năm, cô chuyển qua 3 ngân hàng khác nhau.
Cho đến một ngày nhận thấy bản thân không còn niềm đam mê với những con số, Thảo quyết định nghỉ việc để đi du lịch.
“Mọi người thường có nỗi sợ nghỉ rồi không tìm được việc mới nên chần chừ. Tính mình khá liều, khi muốn là nghỉ việc vài tháng để du lịch một mình cho khuây khỏa. Mình từng sang Amsterdam (Hà Lan), Ấn Độ ở nhiều tháng để tìm hiểu về bản thân, thứ mình thật sự mong muốn trước khi lựa chọn công việc mới”, cô nói.
Với Thảo, có nhiều điều nên làm khi còn trẻ như đi du lịch, gặp gỡ bạn bè mới. Bởi vậy, cô cho rằng nghỉ việc để đi chơi là hình thức đầu tư cho bản thân, giúp đầu óc rộng mở, suy tính cho tương mà không vướng bận điều gì.
Thời điểm bỏ việc ngân hàng, Thảo sang Hà Lan, cố gắng trò chuyện với nhiều người để tham khảo ý tưởng về công việc mới. Về TP.HCM trong sự buồn chán vì chưa tìm được hướng đi, cô được bạn hỏi có muốn làm cho công ty nước ngoài chuyên phân phối phần mềm quản lý không.
Ban đầu, Thảo từ chối. Nhưng lo nghỉ lâu tiêu hết tiền tiết kiệm, cộng thêm lời động viên “Cứ thử đi!” từ bạn bè, cô tìm hiểu về lĩnh vực mới và thấy thú vị.
“Với mình, công việc này như mở ra chân trời mới, không còn là ngành nghề truyền thống nữa. Mình thích vì có cơ hội gặp nhiều bác, anh, chị rất giỏi về công nghệ. Mỗi tuần, mình bay ít nhất 2-3 chuyến ra Hà Nội, sang Singapore, Campuchia và các quốc gia trong khu vực châu Á. Càng đi nhiều, mình càng thấy có công nghệ mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, Thảo nói.
Gắn bó 3 năm, Thảo có ý định đi du học nên chuyển qua làm quản lý dự án và tư vấn chiến lược cho chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh. Tại đây, cô chợt nghĩ “vì sao mọi người cứ phải lên trung tâm học ngoại ngữ”.
“Mình muốn chuyển sang mô hình hybrid, nghĩa là kết hợp giữa việc học ở trung tâm và học online bất cứ khi nào. Nhưng công ty mình khi đó rất khó triển khai vì không phải là công ty công nghệ. Mình chỉ đành ấp ủ khát khao ấy”, Thảo nói.
Hành trình đến Mỹ
Khi Thảo cứ liên tục nhắc về ý tưởng của mình, một người bạn giới thiệu cho cô công ty Cambly ở Mỹ đang muốn mở rộng thị trường.
Doanh nghiệp này có thứ Thảo đang tìm kiếm: phát triển ứng dụng học tiếng Anh 1-1 online, kết nối người học và gia sư bản xứ Anh-Anh, Anh-Mỹ dựa theo nhu cầu.
Thảo chủ động tiếp cận, trình bày ý tưởng về nhu cầu học tiếng Anh ở Việt Nam, cũng như đưa góp ý phát triển ở thị trường này.
Phía Cambly dành cho cô 6 buổi phỏng vấn từ xa trong vòng 2 tuần.
“Họ hỏi làm việc chung được không, mình nhận lời. Tuy nhiên, mình phải sang Mỹ làm việc trực tiếp để có thể tương tác nhanh với đội kỹ sư phần mềm, phát triển sản phẩm và các giám đốc phụ trách các nước khác”, Thảo nói.
Thảo cho hay đó là môi trường rất năng động, bộ máy tinh gọn, phản ứng rất nhanh với nhu cầu của thị trường. Đa số đồng nghiệp của cô đều từng làm việc cho các công ty công nghệ lớn.
Trước khi Thảo gia nhập Cambly, ứng dụng của công ty đã có học viên ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi cô vào làm, app mới phát triển có định hướng ở thị trường này.
Sau gần 2 năm, Thảo có nhóm hỗ trợ ở TP.HCM. Vì dịch Covid-19, cô chưa thể về nước làm việc với họ.
“Nhiều người hỏi tại sao học ở Việt Nam mà vẫn nhận được công việc tại nước ngoài, mình nghĩ không nên tự giới hạn bản thân, kiến thức trang bị ở đâu cũng như nhau vì thế giới phẳng rồi. Các bạn đi du học được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới nhưng không có nghĩa là ở Việt Nam họ không có những cơ hội đó. Dù ở đâu, ai cũng có thể tự học, trang bị thứ bản thân cần và mạnh dạn apply công ty nước ngoài”, Thảo nói.
Với Thảo, cánh cửa lúc nào cũng rộng mở. Không ai biết cơ hội sẽ đến với mình khi nào, nên cứ chuẩn bị sẵn sàng thì có thể chớp lấy dễ dàng hơn.
Chia sẻ về kinh nghiệm học ngoại ngữ, Thảo cho biết từ nhỏ cô đã đọc rất nhiều sách từ tiếng Việt đến tiếng Anh. Tuy nhiên, cô chưa thể nói tốt.
Kể từ khi đi du lịch nước ngoài, đặt mình vào hoàn cảnh bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Anh, Thảo trở nên dạn dĩ hơn. Gặp gỡ nhiều người ngoại quốc khiến cô phải vận dụng hết vốn từ mình học được và nói ngày càng tự nhiên hơn.
Bên cạnh đó, Thảo cũng có hứng thú với việc kết bạn và trò chuyện với mọi người từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các bạn trẻ. “Họ gieo cho mình rất nhiều ý tưởng hay. Từ đó, mình có hứng thú học hơn”, cô nói.
Ngoài ra, Thảo mê xem các kênh Discovery, Planet Earth, series How I Met Your Mother, Friends để học cách người bản xứ giao tiếp.
Cái Tết khó quên
Thảo hiện sống ở San Francisco - thành phố chỉ có khoảng 1 triệu dân, thuộc khu The Bay Area tập trung hết các “ông lớn công nghệ” ở Mỹ.
Với một người mê xê dịch, từng đặt chân tới 32 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ, việc phải chôn chân ở nhà nhiều tháng vì dịch Covid-19 khiến Thảo có phần buồn chán. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy may mắn khi sống ở khu toàn dân công nghệ, trí thức cao.
“San Francisco là một trong những thành phố đầu tiên ở Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm năm 2020, từ khoảng 22h tới 6h sáng hôm sau. Ở đây, tốc độ lây nhiễm virus không nhanh, mọi người lịch sự, giữ khoảng cách an toàn. Các nhà hàng vẫn mở kèm theo quy định đeo khẩu trang, giãn cách xã hội”, Thảo kể.
Công việc của Thảo thường bắt đầu từ 10h cho tới 18h, hiện đã chuyển sang “work from home” để tránh dịch. Buổi sáng, cô thường dậy sớm đi dạo công viên, ra biển, chạy bộ, tập yoga.
“Trước khi có dịch, mình thường có ‘happy hours’ sau giờ làm như đi uống, nghe concert, xem hài, tụ tập bạn bè. Giờ vì dịch, mình chủ yếu dành thời gian ở một mình, tự nấu ăn, cố gắng đọc sách mỗi ngày, tập đàn, tập vẽ, xem phim. Mình cũng thường đi dạo quanh khu đang ở vì khung cảnh đẹp”, Thảo nói.
Với Thảo, cuộc sống hiện tại khá thoải mái, miễn là cẩn thận để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.
Tự nhận là người rất thuần Việt, mê đồ ăn quê hương, đặc biệt thích Tết Nguyên đán, năm nay, Thảo đón Tết một mình vì không có chuyến bay từ Mỹ về nước.
“Gia đình lo mình buồn, gửi cho áo dài, bánh chưng, đủ loại mứt, hạt dưa, đôi giày hãng Việt để con gái ăn Tết. Mình cũng tự đi siêu thị mua đồ về bày mâm ngũ quả cúng 30 Tết, rồi kho thịt, làm thịt đông, giò kho măng. Dù cố gắng làm đơn giản, mình vẫn thấy công đoạn chuẩn bị cho Tết quá nhiều, đúng là chỉ có các bà mẹ Việt Nam mới cân được”, Thảo vui vẻ nói.
Với Thảo, một năm qua có nhiều khó khăn, không chuyến bay về Việt Nam nhưng đã xuất hiện vaccine, cô hy vọng tình hình sẽ sớm ổn.
Hiện tại, Thảo chưa thể nói cụ thể về dự định về nước làm việc. Cô cho rằng cơ hội ở bất cứ đâu, chỉ cần bản thân chủ động, biết nắm bắt thì sống tại nơi nào cũng không quan trọng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-den-my-lam-giam-doc-cua-co-gai-viet-post1186921.html