Hành trình đưa tác phẩm đến tay bạn đọc

Việc đưa sáng tác đến tay bạn đọc là nhu cầu tất yếu của các nhà văn. Có thể khẳng định rằng, không có nhà văn nào mà không muốn tác phẩm của mình được nhiều người đọc, đồng cảm và chia sẻ.

Để đưa tác phẩm đến tay bạn đọc trong thời đại công nghệ số đòi hỏi tác giả phải có nhiều cách tiếp cận cũng như sự chuyển hướng trong quảng bá tác phẩm (Trong ảnh minh họa: Đông đảo bạn đọc tham gia các gian hàng sách tại Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng 2024).

Để đưa tác phẩm đến tay bạn đọc trong thời đại công nghệ số đòi hỏi tác giả phải có nhiều cách tiếp cận cũng như sự chuyển hướng trong quảng bá tác phẩm (Trong ảnh minh họa: Đông đảo bạn đọc tham gia các gian hàng sách tại Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng 2024).

Mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần được nhà văn tạo ra trong niềm mong muốn được đón nhận. Qua tác phẩm, nhà văn chia sẻ sự bức bách của lòng mình về cuộc sống, về xã hội, về tình yêu, về nhân tình thế thái... Cũng qua tác phẩm, người viết gởi đến cho đời những thông điệp mang tính chân - thiện - mỹ và khát vọng về những điều tốt đẹp nhất của một kiếp con người.

Khoảng 30-50 năm trước đây, các sáng tác muốn được phổ biến đến tay bạn đọc, hầu như các tác giả đều chọn con đường gởi đến tòa soạn của một tờ báo hoặc tạp chí nào đó. Ngoài việc tìm kiếm bạn đọc, những tay bút mới còn tự đánh giá năng lực ngòi bút của mình để từ đó xác định sự nỗ lực của bản thân. Nếu như một tản văn, một bài thơ, một truyện ngắn hay một chương tiểu thuyết được chọn đăng thì tác giả có được một lượng bạn đọc không nhỏ trên cả nước. Vì thời bấy giờ các phương tiện truyền thông còn hạn chế, số lượng đầu báo và tạp chí trên cả nước không nhiều. Hơn thế nữa, các phương tiện giải trí khác như truyền hình, cinema, radio... vẫn còn nhiều hạn chế, cho nên lượng người đọc dành cho báo và tạp chí rất lớn.

Thời gian đó, sách xuất bản không được tự do như bây giờ. Toàn bộ chi phí do Nhà nước bao cấp. Vì vậy, hầu như các tác phẩm được chọn lựa in đều có chất lượng cao. Sách ít, bạn đọc nhiều nên người ta chuyền tay nhau đọc. Vì vậy, tác giả nào ra sách sẽ dễ dàng có được lượng bạn đọc lớn và rất dễ trở nên nổi tiếng.

Lấy bản thân làm ví dụ. Năm 1978, khi bài thơ đầu tiên được đăng trên Báo Thiếu Niên Tiền Phong, tôi đã nhận được hàng trăm lá thư của bạn đọc học trò gần xa đồng cảm và chia sẻ, hỏi thêm về ý nghĩa và bối cảnh sáng tác ra bài thơ đó (vì bên dưới bài thơ có kèm theo địa chỉ trường tôi đang học - P.V). Đồng thời, các bạn cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ. Nhiều tháng sau khi bài thơ đăng báo, tôi vẫn còn tiếp tục nhận được một số thư viết liên quan đến bài thơ. Điều đó cho thấy, sự lan tỏa của một bài thơ và sức mạnh của báo chí thời đó như thế nào. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã trở nên hoàn toàn khác biệt.

Đến giai đoạn tác phẩm được tự do xuất bản, Nhà nước không còn bao cấp. Nhiều tác giả tự lo liệu việc xin giấy phép xuất bản và bỏ tiền ra in ấn. Rồi chuyển tác phẩm đến tay bạn đọc qua các mối quan hệ... biếu, tặng, mua ủng hộ. Một số tác giả tự tin về tác phẩm của mình nên mạnh dạn đưa sách đến gởi bán tại các Hiệu sách Nhân dân, các quầy bán sách tư nhân và Nhà sách Phương Nam hay Nhà sách Đà Nẵng... Tôi là một người "liều" trong số các tác giả mang sách đi gởi bán với tác phẩm đầu tay "Một thuở học trò" và sau này là 1-2 tác phẩm khác. Nhờ cái "sự liều" này mà thơ của tôi đã tình cờ đến với nhạc sĩ Quỳnh Hợp- Biên tập viên Âm nhạc của Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh trong một lần nhạc sĩ ghé chơi Đà Nẵng và lang thang ra hiệu sách. Nhờ vậy mà những bài thơ đầu tiên của tôi viết từ thời còn là học sinh cấp III đã được phổ nhạc (như Trong nắng sân trường; Chia tay mùa hạ) và được ca sĩ tuổi học trò là Tóc Tiên trình bày trong các chương trình ca nhạc trên truyền hình VTV, HTV, BTV... Nhờ cầu nối này, mà mấy năm sau tôi liên lạc được với nhạc sĩ Quỳnh Hợp và điều may mắn là được nhạc sĩ đề nghị hợp tác viết lời thơ cho vài chục ca khúc. Trong đó, đáng nhớ là 5 ca khúc phổ thơ tôi góp mặt trong CD nhạc có tên Ngã Ba Đồng Lộc đã phát hành đến số lượng 15.000 đĩa và năm 2008, CD "Huế và em"- gồm 10 bài thơ phổ nhạc phát hành tại Festival Huế 1.000 CD.

Qua báo in và tạp chí, nhiều bài thơ khác của tôi cũng được một số nhạc sĩ phổ nhạc. Một may mắn khác nữa là những bài nhạc phổ từ thơ tôi đã được hát bởi các giọng ca tên tuổi, ngoài Tóc Tiên có Vân Khánh, Hồ Quỳnh Hương, Hà Anh tuấn, Y Jang Tuyn, Duy Khánh Idol, Vy Oanh, Đinh Mạnh Ninh, Quang Hào, Mỹ Nương, Thanh Trà, Đàm Vĩnh Hưng .v...v...

Khi thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, Internet và báo mạng ra đời, các phương tiện giải trí ngày càng nhiều, phim ảnh ào ạt đổ lên trên mạng đã kéo một lượng rất lớn bạn đọc dán mắt vào vi tính, laptop, smartphone, ipad... Do vậy, số lượng bạn đọc sách báo giấy đã sụt giảm nghiêm trọng vì sự chuyển hướng ngoạn mục đến ngỡ ngàng này. Điều đáng lo ngại là các thế hệ mới ra đời đã mất dần thói quen đọc sách. Con người thời hiện đại ngập tràn thông tin và choáng ngợp trước đại dương thông tin, e-book, e-paper. Tuy vậy, các cư dân trên mạng vẫn có sự lựa chọn riêng cho mình.

Bước vào kỷ nguyên của kỹ thuật số, người viết buộc lòng phải chuyển hướng quảng bá tác phẩm của mình trong thế giới ảo nếu không thì đó là một sự thua thiệt, nhất là trong thời gian đầu của Internet, webblogs và tiếp theo là facebook và zalo. Trong thời đại số hóa, một cái nhấp chuột hay một cái quẹt tay là tác phẩm của mình đã có ngay dưới mắt của bạn đọc khắp nơi trên thế giới. Vấn đề chính còn lại là tác phẩm của mình viết ra có đủ sức hấp dẫn để giữ chân bạn đọc và để bạn đọc nhớ tên để tìm kiếm hay không. Ngoài ra, còn có những điều "bí mật" không thể hiểu nổi, đó là sự may mắn…

Việc đăng bài trên các trang mạng có số lượng bạn đọc lớn và thậm chí là trên các trang webblog, facebook, zalo giúp cho tác phẩm được đến với bạn đọc nhiều hơn và rộng rãi hơn... Nhờ có thế giới ảo này mà một số tác giả trong nước may mắn được chọn giới thiệu trong các tuyển tập do người Việt ở nước ngoài biên soạn hoặc các tác giả người nước ngoài biết tiếng Việt tuyển chọn dịch ra thơ, văn tiếng bản ngữ.

Xin nêu thêm một ví dụ, năm 2017 nhà văn Lê Bảo Hoàng (Luân Hoán) ở Canada biên soạn tập sách mang tính khảo cứu và Nhân Ảnh xuất bản tại Hoa Kỳ. Sách giới thiệu tóm tắt hơn 2.500 tác giả Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khoảng từ năm 1905 đến 2016 (tức là 111 năm). Riêng lĩnh vực văn học, Đà Nẵng góp mặt 23 người, có 19 hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng (4 người đã mất) và 4 người ngoài Hội (1 người đã mất).

Tất nhiên, đây không phải là tất cả, vì người biên soạn có các tiêu chí và hạn chế riêng về mặt tư liệu. Còn về phía chúng ta là sự may mắn để được bắt gặp trong biển thông tin bao la. Tuy nhiên, được góp mặt trong một công trình đồ sộ như vậy cũng là điều rất thú vị.

Mai Hữu Phước

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hanh-trinh-dua-tac-pham-den-tay-ban-doc-post299449.html