Hành trình 'gieo chữ' của cô thầy vùng xuôi khi luân chuyển lên vùng cao

Được lắng nghe câu chuyện về hành trình 'gieo chữ' lên non của cô giáo nơi vùng cao Kỳ Thượng tôi mới thấu hiểu sự cống hiến, nỗ lực của họ lớn đến nhường nào.

Không ít lần lén khóc vì nhớ nhà hay khoảnh khắc buồn tủi, bất lực khi trượt ngã giữa núi rừng vắng vẻ hay có cô giáo phải mang theo con mới 6 tháng tuổi cùng đi công tác là những câu chuyện mà ít ai biết đến của giáo viên nơi vùng cao Kỳ Thượng.

Thay đổi môi trường sống và phải xa gia đình nhưng với các cô giáo nơi đây, khó khăn và thiếu thốn chính là trải nghiệm đáng quý và là nguồn động lực để họ tiếp tục kiên trì, nỗ lực mang “con chữ” đến cho những đứa trẻ đồng bào dân tộc thiểu số.

Để thấu hiểu những khó khăn của giáo viên vùng cao, tôi có cơ hội được “bám càng” cô giáo Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Thượng để được tận thấy những khó khăn của ngôi trường vùng cao này.

Xã Kỳ Thượng được biết đến là địa danh “thâm sơn, cùng cốc” của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với đa số người dân sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số.

Hành trình đến Kỳ Thượng, tính từ trung tâm thành phố Hạ Long, tôi phải vượt qua 70 cây số với những cung đường quanh co, khúc khuỷu một bên là núi một bên là vực sâu.

Đường lên Kỳ Thượng quanh co, khúc khuỷu với một bên là núi một bên là vực sâu (Ảnh: Phạm Linh)

Đường lên Kỳ Thượng quanh co, khúc khuỷu với một bên là núi một bên là vực sâu (Ảnh: Phạm Linh)

Mặc dù những năm gần đây tuyến đường lên Kỳ Thượng đã được làm mới, đường tràn qua suối nay được thay thế bằng cầu, cống và cũng không còn ổ voi, ổ gà như trước nhưng vẫn phải mất hơn 2 giờ mới đến trường.

Tới nơi, tôi có cơ hội được lắng nghe chia sẻ của các cô giáo về hành trình “gieo chữ” khi được luân chuyển từ các trường ở thành phố Hạ Long lên vùng cao Kỳ Thượng.

Viết đơn xin tình nguyện được lên trường vùng cao

Cô giáo Cao Thu Hà (sinh năm 1999), tốt nghiệp ngành Giáo dục mầm non của trường Đại học Hạ Long vào năm 2020, cô được phân công công tác tại Trường Mầm non Hà Lầm vào tháng 12/2021.

Sau một thời gian công tác, đến tháng 5/2022, cô Hà được biết đến thông tin về đợt luân chuyển giáo viên lên các xã vùng cao. Ngay khi biết thông tin này cô Hà cảm thấy có lẽ đây là cơ hội cho bản thân.

Trước đây, khi được xem những phóng sự về giáo dục vùng cao, cô Hà thấu hiểu được những đứa trẻ đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ thiếu thốn về cơm ăn, áo mặc mà cả về điều kiện học tập, chăm sóc. Cô Hà cũng thấy rất nể phục những thầy, cô giáo đã kiên trì, nỗ lực để mang “cái chữ” đến cho những đứa trẻ vùng cao.

Xuất phát từ tâm lý đó, khi biết thông tin về đợt luân chuyển, cô Hà thấy rằng bản thân mình có sức trẻ, chưa lập gia đình vậy tại sao lại không lên những vùng khó khăn để cống hiến, mang cái mới, cái hay cho trẻ em nơi đây.

Cô giáo Cao Thu Hà viết đơn tình nguyện lên công tác tại trường vùng cao (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Cao Thu Hà viết đơn tình nguyện lên công tác tại trường vùng cao (Ảnh: Phạm Linh)

Chia sẻ về những ngày gắn bó với Trường Mầm non Kỳ Thượng, cô giáo Hà cho biết: “Đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nên những ngày đầu lên trường tôi không quá bỡ ngỡ, đồng nghiệp cũng tận tình giúp đỡ để em làm quen với môi trường mới.

Nếu nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất phải kể đến tuần đầu tiên khi lên trường, hôm ấy trời mưa to, nước lũ xối đất đá xuống phủ kín sân trường Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Kỳ Thượng.

Đấy là cảnh tượng mà có lẽ tôi không bao giờ quên được, sân trường lầy lội bùn đất còn các thầy, cô thì hì hục cọ rửa bùn đất ở sân trường. Tôi cùng các cô ở trường mầm non cũng sang hỗ trợ để có thể dọn xong trước giờ xe đón về dưới Hạ Long.

Nhìn cảnh sân trường ngập bùn đất, một số cô giáo mới luân chuyển lên vừa sợ vừa lo, có cô không nén được nước mắt vì đang rất nhớ nhà mà không biết thời tiết như vậy liệu xe có lên trường đón về xuôi được hay không.

Cũng may nước rút sớm nên khoảng 4 giờ chiều, xe đưa đón giáo viên lên đến trường. Lúc trên đường về đến đoạn Khe Lương thì bị hỏng, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ xe mới sửa xong và tiếp tục hành trình.

Hôm ấy đến tận 12 giờ đêm tôi mới về đến nhà, ngay tuần đầu tiên nhận công tác mà gặp sự cố như vậy bản thân tôi cũng sợ và tủi thân. Về nhà tôi lập tức chạy ra ôm bố, mẹ khóc òa lên mà mọi người không hiểu tại sao.

Thấy nản là vậy nhưng được bố mẹ động viên và bản thân tôi cũng rất nhớ, thương những bé nhỏ ở vùng cao nên tuần mới tôi lại xách ba lô tiếp tục hành trình của mình”.

Tình yêu trẻ cùng sự chân thành của phụ huynh nơi vùng cao đã tiếp thêm động lực cho cô giáo Hà tiếp tục hành trình của mình (Ảnh: Phạm Linh)

Tình yêu trẻ cùng sự chân thành của phụ huynh nơi vùng cao đã tiếp thêm động lực cho cô giáo Hà tiếp tục hành trình của mình (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Hà chia sẻ thêm: “Dù chỉ mới lên đây được vài tháng nhưng tôi rất ấn tượng bởi tình cảm của phụ huynh và học sinh dành cho cô giáo.

Chỉ đơn giản là thi thoảng mang ít rau xanh nhà trồng đến tặng cô hay hỏi han cuộc sống hằng ngày có khó khăn gì không nhưng với tôi nó rất đáng trân quý.

Những đứa trẻ nơi đây cũng rất đáng yêu, nhìn ánh mắt lấp lánh của các con khi mỗi ngày được đến trường và gặp cô khiến tôi rất hạnh phúc!”.

Hơn 5 năm gắn bó cùng trẻ em vùng cao Kỳ Thượng

Trò chuyện cùng cô giáo Triệu Lan – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Thượng, giáo viên luân chuyển đã có hơn 5 năm gắn bó cùng ngôi trường vùng cao.

Cô giáo Triệu Lan chia sẻ: “Hơn 5 năm gắn bó với vùng cao Kỳ Thượng, đây là hành trình đong đầy những kỷ niệm có cả vui lẫn buồn nhưng đều là dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp “trồng người” của tôi.

Luân chuyển lên từ năm 2017, lúc bấy giờ trường chỉ có 6 lớp và 8 giáo viên. Không có cơ sở khang trang như bây giờ, toàn bộ lớp học đều được dựng bằng tre đan vào gỗ, lắp thêm mái tôn thành nơi học của trẻ.

Riêng điểm trường Khe Phương mới được làm đường năm 2020 chứ trước đấy không có điện, không có nước.

Tôi còn nhớ năm 2019, do trường đang xây chưa có lớp học nên phải mượn tạm nhà văn hóa để cho trẻ học và các cô ở tạm.

Bếp ăn lúc ấy chỉ bán mái tôn để làm bếp tạm nên mùa hè rất nóng. Cô nuôi còn phải mặc áo nắng, đội nón để nấu cơm.

Sau này trường được đầu tư xây mới, nhìn ngôi trường khang trang, sạch đẹp tôi và phụ huynh rất phấn khởi bởi từ nay không còn lo nắng, lo mưa nữa”.

Trường Mầm non Kỳ Thượng được đầu tư xây mới vào năm 2020 (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Mầm non Kỳ Thượng được đầu tư xây mới vào năm 2020 (Ảnh: Phạm Linh)

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô giáo Lan phải kể đến lần không may gặp tai nạn trên đường đi về: “Chúng tôi thường hay trêu nhau rằng, lên vùng cao mỗi cô đều có mấy vết sẹo về để làm kỷ niệm.

Bản thân tôi một lần không may bị ngã xe trên đường về, lúc ấy tôi vừa sợ vừa hoảng vì bị xe thì đè lên người, chân bị thương chảy máu mà không cầu cứu được ai.

Mãi đến chiều muộn mới có một cô đi qua giúp đỡ xe lên, lúc bấy giờ tôi mới vội tìm đồ để buộc vào cầm máu vết thương ở chân.

Trời hôm ấy còn mưa phùn, khoảnh khắc ấy tôi thực sự tủi thân, sợ hãi. Khi về đến nhà, người nhà phải đưa ngay sang bệnh viện để rửa, khâu vết thương.

Trải qua cảm giác tuyệt vọng, đếm từng phút để chờ người đi qua như vậy nhưng tôi chỉ nghỉ một hôm để ổn định sức khỏe rồi lại bắt đầu hành trình lên trường” cô giáo Lan kể lại.

Cô giáo Lan (đứng ngoài cùng bên trái) đã có hơn 5 năm gắn bó và cống hiến cho ngôi trường vùng cao Kỳ Thượng (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Lan (đứng ngoài cùng bên trái) đã có hơn 5 năm gắn bó và cống hiến cho ngôi trường vùng cao Kỳ Thượng (Ảnh: Phạm Linh)

Cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Thượng chia sẻ thêm về quá trình công tác của cô giáo Lan: “Cô Lan là giáo viên luân chuyển có thời gian gắn bó với nhà trường lâu nhất. Cô cũng là tấm gương sáng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và luôn nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp, nhất là các cô giáo mới luân chuyển lên.

Thời khi hết thời gian nghỉ thai sản vào đầu năm 2022, lo lắng việc đi lại không an toàn mà con thì chưa cai sữa cô Lan có thêm người bạn đồng hành đặc biệt là bé con 6 tháng tuổi.

Thời gian đầu thay đổi môi trường sống nên bé bị ốm khiến cô rất vất vả và phải nhờ mẹ chồng lên hỗ trợ. Dẫu vậy, cô chưa bao giờ phàn nàn hay than mệt mỏi mà vẫn làm tốt mọi nhiệm vụ”.

Môi trường mới, thử thách mới đã mang đến không ít khó khăn đối với những giáo viên luân chuyển từ miền xuôi lên miền núi.

Tuy nhiên, khi tôi hỏi có khi nào các cô cảm thấy quá nản và muốn bỏ về xuôi hay không, các cô đều mỉm cười chia sẻ, khó khăn không khiến chúng tôi chùn bước mà luôn nhắc nhở bản thân trong 2 năm, 5 năm này mình phải nỗ lực cống hiến để mỗi đứa trẻ đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội được chăm sóc, học tập tốt hơn và luôn hạnh phúc khi đến trường.

Phạm Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hanh-trinh-gieo-chu-cua-co-thay-vung-xuoi-khi-luan-chuyen-len-vung-cao-post232695.gd