Hành trình giữ nghề nơi 'xứ mây'
Được mệnh danh là xứ sở của mây tre, làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã lưu truyền, phát triển rộng rãi nghề mây tre đan. Bằng tình yêu nghề và đôi bàn tay sáng tạo, những nghệ nhân của làng không chỉ nối tiếp mạch nguồn nghệ thuật truyền thống mà còn 'thổi' làn gió mới, đưa sản phẩm vươn ra khắp thị trường quốc tế.
Sáng tạo đa dạng các sản phẩm
Theo dòng lịch sử, làng Phú Vinh với tên gọi ban đầu là làng Phú Hoa Trang (tức trời phú cho dân có bàn tay lụa), người dân nơi đây có bàn tay khóe léo, giỏi đan lát. Người dân Phú Vinh đã gắn bó với nghề truyền thống cha ông truyền lại và ngày càng có nhiều sáng tạo để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Bằng tài hoa và tâm huyết, các nghệ nhân làng Phú Vinh đã sáng tạo ra những sản phẩm mây tre đan đẹp mắt và tinh xảo. Bên cạnh việc làm nghề, mỗi nghệ nhân trong làng bằng những cách khác nhau luôn cố gắng lưu giữ và truyền đi niềm đam mê đan lát để Phú Vinh sống mãi sức sống của làng nghề.
Mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Trước đây sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đến nay, các nghệ nhân trong làng đã mang đến sức sống mới cho làng nghề bằng việc sáng tạo được hàng trăm mẫu sản phẩm mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây… cho đến đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh phong cảnh, chân dung, hoành phi, câu đối, bàn ghế... Tất cả sản phẩm qua trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang nét đặc trưng riêng biệt.
Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh có mẫu mã đẹp, tính ứng dụng cao và phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Các cơ sở sản xuất tại đây vẫn luôn trau dồi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân trong và ngoài nước qua các cuộc hội thảo về mây tre đan để sản phẩm ngày càng sáng tạo, hiện đại và hoàn thiện được những điểm yếu, từ đó đưa nghề truyền thống mây tre đan đến với các thị trường khó tính. Cùng với những sự khởi sắc mới đó, nghề mây tre đan đã tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho một lượng lớn lao động trong vùng.
Bà Nguyễn Thị Hiên (người gắn bó hơn 30 năm với công việc đan lát) cho hay: “Từ nhỏ chúng tôi đã tiếp xúc với những sợi mây, được ông bà, cha mẹ chỉ dạy cho cách đan lát, cứ vậy nghề đan theo tôi đến tới bây giờ, đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình”.
Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường đặc biệt là nhu cầu của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp làng nghề của Phú Vinh đã bắt đầu hướng đến sản xuất những dòng sản phẩm chuyên biệt. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề đã vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hóa có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hóa xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội Mây tre đan chia sẻ: “Mặc dù sản phẩm của làng là mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhưng hiện nay, các hộ làm nghề đã áp dụng công nghệ vào khá nhiều công đoạn, do đó tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh. Nhờ đó mà các sản phẩm của “xứ mây” Phú Vinh đã được thị trường quốc tế đón nhận”.
Thổi hồn vào những bức tranh đan mây
Được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo, được chăm chút bằng trái tim yêu nghề say nghề, mỗi sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đều mang trên mình dấu ấn của cá nhân người nghệ nhân, dấu ấn của quê hương và cả hơi thở của thời đại.
Không chỉ giới hạn trong những vật dụng hay đồ trang trí, các nghệ nhân ở làng còn có thể miêu tả thành công thần thái của con người qua những bức chân dung bằng mây. Đó cũng là sản phẩm tiêu biểu làm nên thương hiệu “người đan tranh lãnh tụ” của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.
Sáng tác bằng tâm huyết, lòng say nghề và “đôi bàn tay lụa”, những bức chân dung do ông Trung tạo ra được khách hàng gần xa đánh giá cao. Ông Trung cũng đan chân dung rất nhiều lãnh tụ và các nhà lãnh đạo cấp cao khác theo yêu cầu làm quà của các đơn vị ngoại giao, các cơ quan, tổ chức hay cá nhân, hoặc đơn giản chỉ là đan tranh để tham gia triển lãm giới thiệu về làng nghề của mình. Hàng trăm bức chân dung bằng mây tre đan ấy đã tạo nên thương hiệu riêng của người nghệ nhân làng Phú Vinh.
“Việc vuốt mây đan tranh chưa bao giờ là công việc dễ. Dùng sợi mây, nan tre, để đan tranh đã khó, nhưng còn khó hơn nhiều, khi dùng nó để tả chân dung một con người. Chau chuốt từng sợi mây, sợi tre mảnh mai, sử dụng kết hợp với lối đan mới tạo nên được một tác phẩm. Không những vậy, chỉ với 2 màu đen, trắng, nghệ nhân đan mây phải nghiên cứu, tính toán, đan làm sao cho toát lên cái hồn của nhân vật”, nghệ nhân Trung chia sẻ.
Trăn trở truyền nghề và nỗi lo nghề bị mai một, năm 2007, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã thành lập Trung tâm dạy nghề với mong muốn truyền lửa tình yêu đan lát và truyền dạy cách làm nghề cho thế hệ trẻ. Từ khi thành lập đến nay trung tâm đã đào tạo miễn phí cho vài nghìn lao động ở Hà Nội và các địa phương khác, trong đó có rất nhiều người khuyết tật… Hàng năm, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, dạy nghề được tổ chức tại các tỉnh, thành trên cả nước. Với ông đó là cách để quảng bá, giới thiệu nghề đến nhiều hơn với người dân trong cả nước.
Bên cạnh đó, chính quyền và người dân nơi đây cũng đã thúc đẩy du lịch làng nghề nhằm góp phần giữ lửa nghề cho làng. Phú Vinh đã xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm mây tre đan, mở cửa đón tiếp khi có đoàn tham quan và sơ đồ hóa các điểm tham quan du lịch trên địa bàn để phục vụ du khách. Đồng thời các nghệ nhân thường xuyên tham gia chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch để giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh có mẫu mã đẹp, tính ứng dụng cao và phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Các cơ sở sản xuất tại đây vẫn luôn trau dồi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân trong và ngoài nước qua các cuộc hội thảo về mây tre đan để sản phẩm ngày càng sáng tạo, hiện đại và hoàn thiện được những điểm yếu, từ đó đưa nghề truyền thống mây tre đan đến với các thị trường khó tính. Cùng với những sự khởi sắc mới đó, nghề mây tre đan đã tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho một lượng lớn lao động trong vùng.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hanh-trinh-giu-nghe-noi-xu-may-162713.html