Hành trình hồi sinh những dòng kênh - Bài 1: Sống lay lắt ven những dòng kênh đen
TPHCM có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo nên gần 100 tuyến đường thủy nội địa. Hệ thống tài nguyên ven sông, giao thông thủy thuận lợi là yếu tố quan trọng đưa thành phố trở thành đầu tàu kinh tế suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số nhanh (hiện khoảng 13 triệu dân), chính quyền TPHCM đang đau đầu giải quyết các vấn đề về ô nhiễm kênh rạch và vấn đề định cư cho người dân sống ở các 'khu ổ chuột' hình thành tự phát ven và trên kênh rạch…
Những năm qua, chính quyền TPHCM có nhiều nỗ lực cải tạo những dòng kênh đen, vừa tạo mỹ quan và phát triển du lịch. Nhưng do nguồn kinh phí phải phân bổ dàn trải, nhiều dự án đã bị bỏ ngỏ.
Sống chung với ô nhiễm
Khoảng 20h ngày 1/4, người dân ở kênh Tàu Hủ, quận 8 (TPHCM) bàng hoàng về vụ cháy rụi nhiều ngôi nhà ở khu vực này. Bà Võ Thị Hoa (67 tuổi) sống cùng gia đình tại căn nhà tạm bợ ven kênh Tàu Hũ (quận 8) chỉ rộng chừng 10m2, mặt trước là con hẻm nhỏ, mặt sau chống tạm bợ bằng kèo cột cặp bờ kênh. Bà Hoa cho biết: Hai bà cháu đang ngủ thì ngửi thấy mùi khét nồng nặc, chạy quanh nhà kiểm tra thì phát hiện khói khắp nơi. Tiếp theo là tiếng hô hoán, la hét lớn của người dân xung quanh khiến hai bà cháu chỉ biết bỏ của chạy ra khỏi nhà để thoát thân.
Bà Hoa cũng như hàng chục hộ dân sinh sống ven kênh Tàu Hủ chỉ biết đứng nhìn tài sản bốc cháy mà không thể làm gì được. Đám cháy sau đó được khống chế, rất may không có thiệt hại về người tuy nhiên hậu quả của vụ cháy đã khiến nhiều người trắng tay.
Vụ hỏa hoạn ở kênh Tàu Hủ một lần nữa gióng lên hồi chuông về những đe dọa chực chờ không chỉ tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh đối với những người dân sinh sống tạm bợ ở các dòng kênh trên địa bàn TPHCM mà hỏa hoạn cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ở những dòng kênh đen khác trên địa bàn TPHCM, chúng tôi chứng kiến không ít những hoàn cảnh sống lay lắt với bầu không khí ô nhiễm. Gia đình bà Minh Trang (ở phường Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân) đã hơn 20 năm nay bị kẹp ở giữa bởi 2 kênh/rạch ô nhiễm nhất khu vực. Một kênh đang trong kế hoạch chỉnh trang, trong đó phần đất dự án lấn vào gần hết diện tích căn nhà của gia đình bà. Con rạch còn lại nằm phía mặt trước căn nhà, là một đoạn của kênh 19/5 dài chừng hơn 1km. Con rạch này dù đã được cải tạo mấy năm gần đây, nhưng thường xuyên tái ô nhiễm, ùn ứ rác thải và bốc mùi hôi thối.
Dẫn chúng tôi đi xem phần không gian bên trong ngôi nhà đã xập xệ, xuống cấp, bà Trang cho biết, chính quyền, khu phố nhiều lần vận động người dân, nhiều người đã nhận đền bù và di dời nhưng dự án thi công chậm quá, chưa biết đến khi nào mới hoàn thành. “Người ta mới tới đo vẽ lại nhà tôi, mà thông báo là tháo dỡ hết, nhà chỉ còn vài mét vuông. Nguyện vọng chúng tôi mong muốn sớm được hỗ trợ thỏa đáng để di dời có nơi an cư” - bà Trang nói.
Một trường hợp khác ở rạch Xuyên Tâm (đoạn qua khu vực Cầu Bông nối giữa quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp), gia đình bà Cao Thị Thắm (58 tuổi) gắn bó với dòng kênh này từ nhỏ, chứng kiến dòng kênh đổi màu theo thời gian. “Lúc trước, nước ở con rạch này sạch lắm, nhưng giờ ô nhiễm khiến màu nước đen kịt, mùa mưa thì cống nghẹt ùn ứ rác, mùa nắng thì mùi hôi hắt lên nồng nặc, người dân nơi đây chịu cảnh ô nhiễm đã mấy chục năm qua…” - bà Thắm nói và cho biết, hơn 20 năm trước người dân ở khu vực này khấp khởi vì thành phố có chủ trương cải tạo rạch Xuyên Tâm, nhưng qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi vẫn chưa thấy làm. Cực chẳng đã, người dân vẫn phải lay lắt sống chung với ô nhiễm để chờ được di dời đến nơi ở mới.
Mòn mỏi chờ dự án
Ông Phạm Thanh Hùng (63 tuổi), quê ở Hậu Giang, trú phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cho biết, ông cùng gia đình từ miền Tây lên đây mưu sinh gắn liền với ven rạch Cầu Sa đã được 13 năm. Những lúc thảnh thơi bà con trong xóm đều muốn có được một không gian cây xanh để hít thở không khí, thế nhưng chờ nhiều năm vẫn chưa thấy. “Tôi nghe ngóng thành phố đang làm kênh Tham Lương - Bến Cát, hàng ngày đi ngoài đường lớn thấy công nhân tấp nập, cảm thấy khấp khởi vui mừng. Mong sao kênh lớn sớm chỉnh trang, lúc đó con rạch nước đen của khu Cầu Sa cũng sẽ được cải tạo, bà con có chỗ tập thể dục, tản bộ mỗi buổi sáng hay khi chiều về, đời sống nhân dân ở đây cũng sẽ khởi sắc lên” - ông Hùng bày tỏ và hướng mắt về phía dự án đang thi công dang dở.
Ngược lại với tâm trạng của những hộ dân tại các kênh rạch đang được chỉnh trang, cải tạo ở quận Bình Tân và quận 12, nhiều hộ dân sống ven kênh Xuyên Tâm ở quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp vẫn đang phải thấp thỏm chờ đợi nhận bồi thường, hỗ trợ của thành phố để về nơi ở mới.
Anh Nguyễn Thanh Phương (38 tuổi, quê ở Bình Định, trú quận Bình Thạnh) cho biết, hồi mới vào TPHCM học đại học, để giảm chi phí hàng tháng anh tìm đến dãy trọ dọc kênh Xuyên Tâm để ở bởi giá thuê rẻ, nhiều năm qua anh Phương cũng như người dân ở đây cứ mong mỏi chờ ngày con rạch được cải tạo để tận hưởng không khí trong lành mà lâu quá.
“Lúc trước nghe đâu đến năm 2023 sẽ hoàn thành một đoạn của dự án, nhưng sau lại nghe thành phố lùi tới năm 2025 khởi công và dự kiến hoàn thành tháng 4/2028. Thiệt lòng, lúc đầu cũng hy vọng sớm nhìn thấy ngày rạch Xuyên Tâm hoàn thành cải tạo cảnh quan nhưng càng đợi càng mòn mỏi…” - anh Phương tâm tư.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều người dân lạc quan, hỗ trợ chính quyền nhiệt tình để thực hiện dự án với mong muốn sớm có được điều kiện sống tốt hơn. Như gia đình ông Đỗ Tuấn Mỹ, trú phường 5, quận Gò Vấp là một trong các hộ dân sống v en rạch Xuyên Tâm sớm đồng thuận bồi thường, bàn giao đất để triển khai dự án. “Tất cả người dân sống ven kênh rạch chúng tôi đều mong muốn việc giải phóng mặt bằng và đơn giá tính toán phù hợp để sớm tạo được sự đồng thuận của tất cả hộ dân ở khu vực này. Chúng tôi tin rằng khi dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ngập, cải thiện môi trường và hạ tầng của các khu dân cư ven kênh rạch, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân nơi đây…” - ông Mỹ bày tỏ.
(Còn nữa)