Hành trình khám phá 9 cửa sông ĐBSCL: Cung Hầu – Cổ Chiên – Hàm Luông – Ba Lai (Kỳ 2)

Sau hành trình khám cửa Trần Đề, cửa Ba Thắc và cửa Định An, trong ngày thứ hai của chuyến đi, tác giả tiếp tục 'chinh phục' cửa Cung Hầu, cửa Cổ Chiên, cửa Hàm Luông và cửa Ba Lai trên địa phận tỉnh Trà Vinh và Bến Tre.

Cửa Cung Hầu

Trên đất Trà Vinh, tác giả chạy dọc theo kênh Quan Chánh Bố qua Duyên Hải, Long Hữu và Mỹ Long để tới phà Thủ Trước, nhìn phía xa xa trên dòng sông Cổ Chiên là cửa Cung Hầu.

Cửa Cung Hầu nhìn từ bến phà Thủ Trước trên sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Cửa Cung Hầu nhìn từ bến phà Thủ Trước trên sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Cửa Cung Hầu nằm trên sông Cổ Chiên, thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh, gần đó dân cư thưa thớt. Cũng như các sông rạch chảy trên đất miền Tây, trên sông đều xuất hiện các mảnh đất cù lao nổi lên giữa sông, lớn nhỏ tùy thổ nhưỡng. Phà Thủ Trước sẽ đưa du khách qua bến Long Hòa đi ngang cồn Bần mọc đầy cây cối xanh tươi.

Cửa Cổ Chiên

Từ cù lao Long Hòa, chạy tầm 10km lên hướng Bắc sẽ đến cửa Cổ Chiên, thuộc địa phận tỉnh Bến Tre. Biết tác giả muốn qua Bến Tre, nhưng lại không hiểu mục đích đang đi tìm 9 cửa sông Đồng bằng sông Cửu Long nên người soát vé phà hướng dẫn tác giả đi đến huyện Thạnh Phú.

Cửa Cổ Chiên thấp thoáng phía xa xa phía cuối chân trời. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Cửa Cổ Chiên thấp thoáng phía xa xa phía cuối chân trời. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Tuy nhiên, tác giả lại “lạc” đến bến Thuận An – Bến Trại, cách rất xa bến phà mà tác giả đang định qua theo Google maps là phà An Quy – Bến Chổi, nơi nhìn cửa Cổ Chiên rõ nhất. Do đó, tại bến Thuận An – Bến Trại cửa sông Cổ Chiên chỉ được nhìn thấy thấp thoáng đâu đó ở phía chân trời.

Cửa Hàm Luông

Bến Tre là một tỉnh được hình thành từ 3 cù lao lớn cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh. Trên đất cù lao Minh, để đến bến An Điền – An Hòa Tây để thấy được cửa Hàm Luông.

Cửa Hàm Luông rộng lớn trong gió trời lộng lộng trên sông Hàm Luông. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Cửa Hàm Luông rộng lớn trong gió trời lộng lộng trên sông Hàm Luông. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Cửa Hàm Luông nằm giữa hai huyện Thạnh Phú và Ba Tri, có lưu lượng nước dồi dào góp phần tạo nên sự trù phú cho “xứ dừa”. Từ xa có thể nhìn thấy những cánh quạt gió trắng phau khổng lồ in hằn lên bầu trời của nhà máy điện gió số 5 của xã Thạnh Hải.

Cửa Ba Lai

16:00 giờ, nắng vẫn còn chói chang xuyên qua những tán dừa, tác đã đặt chân lên huyện Ba Tri, từ đó chạy xe thẳng ra ven biển Cồn Nhàn, một bãi tắm nổi tiếng của tỉnh Bến Tre, nơi có thể khám phá được một cửa sông mới – cửa Ba Lai.

Cửa Ba Lai. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Cửa Ba Lai. Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Đi theo con đường mòn ven biển, tác giả xin phép chủ nhà gần đó rồi leo lên bờ đê và nhìn thấy cửa Ba Lai vô cùng gần trước tầm mắt, nhấp nhô trên sóng là những con thuyền đang trở về bến đậu dưới cánh quạt phong điện của nhà máy điện gió Bến Tre.

Trần Hoàng Vân Hùng

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/hanh-trinh-kham-pha-9-cua-song-dbscl-cung-hau-co-chien-ham-luong-ba-lai-ky-2/