Hành trình khẳng định vị thế doanh nhân trong xã hội
Ngày Doanh nhân Việt Nam không chỉ là dịp để ghi nhận những đóng góp to lớn của giới doanh nhân mà còn là biểu tượng của sự thay đổi tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển đất nước.
Trong cuộc trò chuyện đặc biệt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), nhà báo Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chia sẻ về hành trình dài vận động và những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà báo Minh Hiền cùng tập thể Tạp chí. Từ những bước đầu gian khó cho đến sự đồng thuận cao từ các nhà lãnh đạo, Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 đã trở thành dấu ấn lịch sử, khẳng định vai trò quan trọng của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam.
* Thưa nhà báo Trần Hoàng, anh có thể chia sẻ về ý tưởng hình thành Ngày Doanh nhân Việt Nam? Quá trình đó diễn ra như thế nào, và tại sao ngày 13/10 lại được chọn để tôn vinh giới doanh nhân?
- Ý tưởng về Ngày Doanh nhân Việt Nam không phải tự nhiên có, mà xuất phát từ nhu cầu tôn vinh và ghi nhận những đóng góp to lớn của doanh nhân cho nền kinh tế và sự phát triển đất nước. Đặc biệt, sau khi đất nước mở cửa kinh tế vào năm 1986, giới doanh nhân đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư, góp phần xây dựng một nền kinh tế thị trường năng động.
Tuy nhiên, để có được một ngày tôn vinh chính thức, phải kể đến vai trò quan trọng của cố nhà báo Nguyễn Minh Hiền - người đã có đóng góp to lớn trong việc vận động và đề xuất về Ngày Doanh nhân Việt Nam. Là Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn lúc bấy giờ, chị Minh Hiền đã đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nhân và các cấp lãnh đạo. Chính chị là người đầu tiên đề xuất và vận động cho sự công nhận một ngày đặc biệt để tôn vinh doanh nhân, qua đó kêu gọi sự ủng hộ từ các tầng lớp khác trong xã hội.
* Sau gần 40 năm đổi mới và 20 năm ngày doanh nhân Việt Nam, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ như thế nào?
- Kể từ sau đổi mới năm 1986, chúng ta đã chứng kiến một giai đoạn phát triển chưa từng có của nền kinh tế Việt Nam, và điều đó không thể thiếu vai trò của giới doanh nhân. Từ sau khi thực hiện chính sách mở cửa được áp dụng, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu dịch chuyển sang cơ chế thị trường, doanh nhân đã dần khẳng định vai trò của mình.
Đặc biệt, trong 20 năm gần đây cộng đồng doanh nhân đã thực sự chứng minh được giá trị và tầm quan trọng của mình. Các doanh nhân không chỉ tham gia vào lĩnh vực sản xuất, thương mại, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nền kinh tế Việt Nam với thị trường quốc tế. Họ đã xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh hiện đại, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, đồng thời cũng đóng góp đáng kể vào GDP và kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong quá khứ, tầng lớp doanh nhân bị xã hội xem nhẹ do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, nơi mà các ngành nghề về kinh doanh không được coi trọng. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển và đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 và nay là Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, được ban hành, đã làm thay đổi nhìn nhận của xã hội đối với giới doanh nhân. Ngày Doanh nhân Việt Nam, không chỉ để tôn vinh những đóng góp của họ mà còn là dịp để mọi người ghi nhận và biết ơn những nỗ lực mà họ đã cống hiến cho đất nước.
* Anh vừa nhắc đến việc giới doanh nhân Việt Nam từng bị xã hội đánh giá thấp. Anh có thể nói rõ hơn về những đặc điểm văn hóa và lịch sử đã ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển của tầng lớp doanh nhân tại Việt Nam không?
- Việt Nam có một lịch sử rất đặc thù, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo trong suốt một thời gian dài. Theo quan điểm Nho giáo, nghề buôn bán không được coi trọng bằng các nghề liên quan đến tri thức, đặc biệt là làm quan. Cha mẹ thường chỉ mong con cái học hành để trở thành quan hoặc giáo viên, chứ không khuyến khích việc kinh doanh. Điều này đã hạn chế sự phát triển của tầng lớp doanh nhân.
Sự khác biệt lớn nhất ở Việt Nam so với nhiều nước phương Tây là trong văn hóa Nho giáo, việc thương mại và kinh doanh thường bị xem là thấp kém hơn so với những người làm trong các ngành nghề học thuật. Điều này đã hạn chế sự phát triển của tầng lớp doanh nhân. Chính vì vậy, trước đổi mới, rất ít người dám dấn thân vào con đường kinh doanh, và các doanh nghiệp tư nhân hầu như không có cơ hội phát triển.
Đến đầu thứ kỷ 20, trong phong trào Duy Tân của một số chỉ sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Lương Văn Can… đã khởi xướng và nhấn mạnh việc cải cách giáo dục và khuyến khích tinh thần thực nghiệp, tức là thúc đẩy người dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh, thương mại và sản xuất. Điều này giúp tạo ra một phong trào thực nghiệp từ Bắc và Nam, hình thành nhiều thương hội, hình thành tầng lớp doanh nhân mới với tư duy yêu nước, mong muốn dùng kinh doanh để xây dựng và phát triển đất nước.
* Công ty Liên Thành là một trong những biểu tượng cho sự khởi đầu của doanh nhân tư nhân Việt Nam. Anh có thể thông tin thêm về vai trò của công ty này và mối liên hệ với quá trình xây dựng Ngày Doanh nhân Việt Nam?
- Hưởng ứng phong trào Duy Tân và phát triển kinh tế tư nhân, Công ty Liên Thành được thành lập vào ngày 5/3/1906 bởi những nhà yêu nước ở Bình Thuận là công ty tư nhân đầu tiên của người Việt. Công ty Liên Thành không chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh, mà còn đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục, trong đó có việc xây dựng và duy trì Trường Dục Thanh - nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy học. Liên Thành đã trở thành một biểu tượng cho sự phát triển của tầng lớp doanh nhân yêu nước trong bối cảnh Việt Nam đang bị đô hộ.
Năm 2004, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề xuất chọn ngày 5/3 - ngày thành lập Công ty Liên Thành là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, khi hồ sơ chuyển ra Hà Nội và qua tham vấn của các nhà sử học, Thủ tướng quyết định chọn ngày 13/10 là Ngày Doanh Nhân Việt Nam. Đây là ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức thư đến giới công thương Việt Nam năm 1945. Bức thư này mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, không chỉ vì Bác đã khẳng định vai trò của doanh nhân trong sự phát triển đất nước, mà còn vì nó thể hiện tinh thần đoàn kết giữa Chính phủ, nhân dân và giới doanh nhân trong việc xây dựng một nền kinh tế vững mạnh.
* Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945 được coi là tư tưởng đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò của doanh nhân. Theo anh, bức thư này có ý nghĩa gì đối với giới doanh nhân hiện nay?
- Bức thư ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thông điệp lịch sử vô cùng quan trọng. Trong bức thư, Bác đã khẳng định rõ ràng rằng sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc dân gắn liền với sự thịnh vượng của giới công thương. Điều này cho thấy, từ rất sớm, Bác đã nhận ra vai trò trọng yếu của doanh nhân trong việc xây dựng một nền kinh tế độc lập và bền vững.
Điểm đặc biệt trong bức thư này chính là cam kết mạnh mẽ của Bác về việc Chính phủ và nhân dân sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ giới doanh nhân trong công cuộc kiến thiết đất nước. Bác không chỉ nhấn mạnh vai trò của doanh nhân mà còn kêu gọi sự đoàn kết, hợp tác giữa Chính phủ và doanh nhân, với mục tiêu chung là phát triển kinh tế quốc gia. Bức thư này, với hơn 200 từ, không chỉ là một lời động viên mà còn là một kim chỉ nam cho giới doanh nhân trong mọi thời kỳ.
Ngay cả trong bối cảnh hiện nay, bức thư này vẫn giữ nguyên giá trị. Nó nhắc nhở chúng ta về sự quan trọng của tinh thần trách nhiệm xã hội, của việc xây dựng một nền kinh tế vững chắc để góp phần phát triển quốc gia. Bức thư là một minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn xa của Bác Hồ về vai trò của doanh nhân trong sự phát triển của đất nước.
* Nhìn về tương lai, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn có những dự định gì để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và tôn vinh giới doanh nhân tại Việt Nam?
- Hướng đến 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam và 50 năm giải phóng thành phố thống nhất đất nước, tháng 3 vừa qua, Tạp chí đã mở diễn đàn lấy ý kiến về một công trình vinh danh doanh nhân Việt Nam đặt tại TP.HCM và đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận. Hiện nay chúng tôi đang làm báo cáo đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét quyết định xây dựng một biểu tượng vinh danh đội ngũ doanh nhân tại một công viên công cộng. Biểu tượng này không nhằm tôn vinh một cá nhân doanh nhân cụ thể nào, mà là một hình tượng tổng thể đại diện cho sự đóng góp của toàn bộ giới doanh nhân, không phân biệt trong nước hay quốc tế. Địa điểm có thể tại quận 1 hoặc huyện Củ Chi, quê hương của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, người ký quyết định lây ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng, việc xây dựng một biểu tượng vinh danh đội ngũ doanh nhân sẽ giúp tạo nên một điểm nhấn văn hóa, nhắc nhở mọi người về vai trò, trách nhiệm của doanh nhân trong sự phát triển của thành phố và đất nước trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm xã hội của giới doanh nhân, mà còn tạo ra sự kết nối giữa doanh nhân và xã hội. Ngoài ra, việc tôn vinh không chỉ các doanh nhân trong nước, mà cả các doanh nhân quốc tế đang đầu tư và đóng góp cho Việt Nam, cũng là một cách để khẳng định sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.
* Cảm ơn anh về những chia sẻ trên!