Hành trình kỳ diệu cho em
132 bé ở Hải Dương đã được Chương trình 'Trái tim cho em' hỗ trợ phẫu thuật tim. Đây là món quà tiếp sức ý nghĩa với các bé và gia đình.
>>> Hành trình kỳ diệu cho em
Sinh ra với khiếm khuyết của cơ thể khiến hàng trăm em bé Hải Dương phải đối diện nguy cơ về sức khỏe, thậm chí nguy kịch đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Nhưng hành trình kỳ diệu đã đến với các em.
"Lá chưa lành"
“Nhìn con bây giờ khỏe mạnh, thoải mái nô đùa cùng chúng bạn là tôi quên đi những mệt mỏi, quên đi những tháng ngày gần như trắng đêm trông con ốm, quên đi cả sự lo lắng, hoảng sợ sau hơn 3 giờ đồng hồ khi con nằm trên bàn mổ”, chị Lương Thị Bích Ngọc, mẹ của bé Nguyễn Diệu Anh chia sẻ.
Một ngày se lạnh khi trời chuyển gió mùa đông bắc đầu tháng 4 này, chúng tôi tìm đến nhà chị Ngọc ở xã Thượng Quận (Kinh Môn). 7 năm trước, chị lập gia đình cùng anh Nguyễn Đức Quân và chuyển về sống cùng nhà chồng trong một căn nhà nhỏ. Dù đã được cải tạo để vợ chồng chị có không gian riêng, nhưng căn nhà rộng chừng 40 m2 ấy vẫn toát lên vẻ nghèo nàn.
Cũng năm ấy, anh chị sinh con đầu lòng. Chưa kịp vui mừng thì anh chị đón nhận tin con bị bệnh tan máu bẩm sinh. Hoàn cảnh quá khó khăn, lại phải đi làm để lo tiền thuốc thang nên anh chị phải gửi con nhờ chị gái chăm sóc. Vì sợ sinh con thứ hai cũng bị khiếm khuyết nên anh chị đã chần chừ. Gia đình động viên mãi nên tháng 7.2021, bé Diệu Anh chào đời. Nhưng rồi biến cố lại một lần nữa ập đến.
“Mẹ lo lắng quá, sao nhìn Diệu Anh khác lắm, không hề tăng cân hay phát triển như những em bé bình thường khác”, lời của bà nội cháu Diệu Anh khi thấy cháu mình đã đầy tháng nhưng cân nặng chẳng tăng lên là bao. Họa vô đơn chí khi đúng lúc ấy, cả nhà chị Ngọc mắc Covid-19. Phải đến khi Diệu Anh hơn 2 tháng tuổi, chị Ngọc mới đưa con đi khám ở bệnh viện nhi tại Hải Phòng. “Khi bác sĩ kết luận lâm sàng nghi Diệu Anh bị bệnh tim vì nhịp thở không đều, tôi như chết lặng. Vừa thương con, vừa lo lắng đến việc chữa trị cho con. Vợ chồng tôi đã khóc rất nhiều”, chị Ngọc chia sẻ.
Rời Hải Phòng, anh chị đưa Diệu Anh đến Bệnh viện E (Hà Nội) để khám và được bác sĩ kết luận cháu bị thông liên thất, một dị tật tim bẩm sinh thường gặp ở trẻ. Cũng thời điểm ấy, công ty không có việc nên anh Quân phải nghỉ. Để có tiền chữa trị, thuốc thang cho con, anh đã chấp nhận xa gia đình vào Nam làm việc. “Con yếu lắm nên cũng chẳng mấy khi ngủ đủ giấc, mà càng khóc nhịp tim càng tăng, càng khiến con mệt”, chị Ngọc nói. Sau gần 10 tháng ròng rã thuốc thang để ổn định tim, Diệu Anh chỉ nặng chừng hơn 6 kg, còi cọc hơn nhiều so với các bạn cùng độ tuổi.
Khi Diệu Anh gần 11 tháng tuổi, chị Ngọc đã đến gặp bác sĩ tại Bệnh viện E. “Nghe bác sĩ nói ca phẫu thuật có thể tiêu tốn gần 90 triệu đồng, tôi như chết lặng. Với gia đình tôi, đó là một khoản tiền quá lớn. Nhiều tiền thế thì lấy đâu ra để phẫu thuật cho con đây?!”, chị Ngọc ngậm ngùi kể lại.
Đây cũng là lời chia sẻ trong câu chuyện giữa anh Đoàn Văn Tính ở thôn Hoàng Tường, xã Tân Trào (Thanh Miện) với chúng tôi. Tháng 6.2018, 2 năm sau khi anh lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Thùy, bé Đoàn Bảo Trâm chào đời. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi bé Bảo Trâm tròn 1 tháng tuổi, anh Tính, chị Thùy đã đưa bé lên Bệnh viện E để khám vì thấy con thường xuyên đau ốm và xuất hiện nhiều biểu hiện lạ. Bác sĩ tại đây kết luận Bảo Trâm bị thông liên thất.
“Dù là đàn ông nhưng tôi đã khóc nhiều đêm liền vì thương con. Tôi không hiểu biết nhiều nhưng tôi biết rằng dị tật tim sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con gần như suốt đời, dù được chữa trị thì con tôi cũng khó có thể khỏe mạnh như các bạn bình thường khác”, anh Tính chia sẻ.
Do sức đề kháng yếu nên Bảo Trâm phải điều trị bằng các loại thuốc lợi tiểu, ổn định huyết áp ròng rã hơn 20 tháng mới có thể phẫu thuật. Cuối tháng 3.2020, anh Tính đến Bệnh viện E để gặp bác sĩ, hỏi về chi phí phẫu thuật và nhiều vấn đề hậu phẫu. “Khi nghe đến số tiền khoảng 100 triệu đồng chi phí cho cuộc phẫu thuật, tôi chỉ biết thở dài. Tôi làm thợ nhôm kính, mỗi tháng chỉ thu nhập vài triệu đồng ít ỏi, vợ tôi ở nhà chăm con, không có thu nhập. Vợ chồng tôi trang trải cuộc sống gia đình đã đủ chật vật, lấy đâu ra số tiền lớn nhường ấy”, anh Tính kể.
Nhưng rồi để cứu chữa cho con, vợ chồng anh Tính, chị Thùy hay anh Quân, chị Ngọc đã vay mượn tất cả những người có thể vay để gom đủ số tiền phẫu thuật cho con.
Hành trình mới
Để chuẩn bị cho “trận đánh đầu tiên và có thể là lớn nhất cuộc đời”, bé Bảo Trâm được bố mẹ đưa đến Bệnh viện E. “Tôi không còn nhớ chính xác thời gian bắt đầu và kết thúc của ca mổ, chỉ nhớ khi bác sĩ thông báo ca mổ thành công, cả gia đình tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Vậy là một nửa chặng đường gian nan nhất đã qua, một nửa còn lại tùy thuộc vào quá trình hồi sức của con”, anh Tính nhớ lại.
3 tiếng cũng là khoảng thời gian ca phẫu thuật của bé Diệu Anh. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của Diệu Anh và Bảo Trâm đều tiến triển tốt. Hai bé được rời phòng hồi sức khoảng 3 ngày sau đó.
So với Diệu Anh và Bảo Trâm, “trận đánh” của bé Nguyễn Ngọc Đức Hương nhiều phần phức tạp hơn. Đức Hương là con gái thứ hai của chị Nguyễn Thị Ngọc Yến và anh Nguyễn Mạnh Hùng ở phường Hoàng Tiến (Chí Linh).
Do hiếm muộn nên sau 10 năm kể từ ngày cưới, chị Yến, anh Hùng mới có con thông qua biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm, anh trai bé Đức Hương sinh năm 2018, 3 năm sau bé Đức Hương chào đời. “Vợ chồng tôi phát hiện Đức Hương bị bệnh tim khi bé còn trong bụng mẹ. Thời điểm siêu âm khi ấy, bác sĩ thông báo Đức Hương bị tứ chứng Fallot (một cách dễ hiểu là bệnh tim bẩm sinh) tương đối phức tạp”, chị Yến nói.
Ngay sau khi chào đời tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội, các bác sĩ phải chuyển bé Đức Hương đến Bệnh viện Tim Hà Nội vì nồng độ ô-xy trong máu hạ thấp. Khi được 3 tháng tuổi, chị Yến, anh Hùng đưa Đức Hương đến Bệnh viện E và được bác sĩ tại đây khuyên nên phẫu thuật trước khi bé được 6 tháng tuổi để bảo toàn động mạch phổi.
“Mặc dù Đức Hương tăng cân rất ít nhưng thể trạng vẫn bảo đảm thực hiện ca mổ. Vì thế, tháng 5.2022, vợ chồng tôi đã đưa con nhập Bệnh viện E, sẵn sàng cùng con vá lành trái tim”, chị Yến chia sẻ.
Nhiều em bé được thực hiện ca mổ tim bằng phương pháp ít xâm lấn qua đường dọc giữa nách. Nhưng với Đức Hương, cô bé chưa đầy 6 tháng tuổi này thì khác, bé phải mổ xương ức. Cũng vì thế ca phẫu thuật phức tạp hơn rất nhiều lần, bởi chỉ một sơ suất nhỏ, hệ thống dây thần kinh có thể bị chạm, ảnh hưởng trực tiếp tới trí óc, thậm chí có thể khiến em phải sống thực vật. “Trước ca mổ, ánh mắt Đức Hương như muốn nói rằng con sẽ khỏe mạnh để sớm được về với bố mẹ. 8 giờ sáng hôm ấy, các bác sĩ đẩy con vào phòng mổ. Hơn 6 tiếng chờ đợi với chúng tôi dài đằng đẵng. Vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa, vừa thương con vừa mong con đủ may mắn”, chị Yến xúc động.
Và rồi may mắn đã đến, như Diệu Anh, Bảo Trâm, ca phẫu thuật của Đức Hương đã thành công. Sau hơn 1 tuần nằm ở phòng hồi sức và gần 2 tuần theo dõi tại bệnh viện, Đức Hương đã được về nhà.
Không chỉ may mắn khi ca phẫu thuật của các bé thành công, một tin vui khác cũng đến với gia đình các em. Khi đến bệnh viện để thực hiện những thủ tục cuối cùng cho ca phẫu thuật, gia đình các em được giới thiệu về chương trình mổ tim nhân đạo “Trái tim cho em”. Đây là chương trình dành cho những trẻ em nghèo không may mắc bệnh tim bẩm sinh do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel và Quỹ Tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) sáng lập và phối hợp thực hiện từ năm 2008 trên toàn quốc.
Nhờ chương trình, toàn bộ chi phí những ca phẫu thuật nói trên đã được hỗ trợ. Qua đó giúp các gia đình vơi bớt gánh nặng tài chính, có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe cho các bé. Diệu Anh, Bảo Trâm, Đức Hương là 3 trong tổng số 132 bé trong toàn tỉnh đã được chương trình hỗ trợ từ năm 2008 đến nay. Chương trình này vẫn sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Sẽ còn thêm những Đức Hương, Bảo Trâm, Diệu Anh, những cuộc hành trình hồi sinh diệu kỳ của sự sống.
Từ năm 2008-2022, Viettel Hải Dương đã phối hợp cùng Quỹ Tấm lòng Việt triển khai chương trình mổ tim nhân đạo “Trái tim cho em” đối với 132 trẻ em, tổng kinh phí đã hỗ trợ gần 4,1 tỷ đồng.
Các bước thực hiện hồ sơ tham gia chương trình:
Bước 1: Người dân đến cửa hàng Viettel nơi đang sinh sống để đăng ký và nhận hồ sơ xin hỗ trợ từ chương trình.
Bước 2: Cán bộ Viettel địa phương sẽ tới nhà làm thủ tục xác minh gia cảnh và hướng dẫn gia đình chuẩn bị những giấy tờ cần thiết, gồm: đơn xin trợ giúp chữa bệnh tim có xác nhận của chính quyền địa phương; phiếu điều tra gia cảnh; bản sao giấy báo chi phí phẫu thuật; bản sao giấy siêu âm tim; bản sao thẻ bảo hiểm y tế; sổ hộ nghèo/cận nghèo (nếu có) hoặc đơn xác nhận gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ chính quyền địa phương; hồ sơ bệnh án.
Bước 3: Người dân mang đầy đủ những giấy tờ trên ra cửa hàng Viettel để nộp lại. Sau đó chờ thông báo từ chương trình sau 5-7 ngày qua điện thoại.
HÀ KIÊN
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/viec-tu-te/video-hanh-trinh-ky-dieu-cho-em-231717