Hành trình mới của SHB: Chuyển mình và bứt phá
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang hội tụ đầy đủ các yếu tố 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để chuyển mình và bứt phá. 'Chàng trai 28 tuổi cường tráng' SHB với năng lực tài chính vững mạnh, tràn đầy khát khao và ý chí quyết tâm dẫn đầu, đầy tiềm năng và dư địa tăng trưởng lớn; đang minh chứng cho việc 'nói được làm được' thông qua hàng loạt sự kiện đáng chú ý, đặc biệt tác động tích cực tới thị trường và giới đầu tư thời gian qua cũng như giai đoạn tiếp theo.
Chuyển mình với loạt kế hoạch ấn tượng
Ngay sau đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2021, hàng loạt kế hoạch đáng chú ý được SHB hiện thực hóa, như khẳng định vững chắc lời cam kết sẽ gia tăng lợi ích cho cổ đông, khách hàng và đối tác.
SHB tập trung toàn lực vào phát triển và chuyển đổi số với tầm nhìn tới năm 2030, để trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại và hiệu quả hàng đầu của khu vực.
Cụ thể tháng 8 vừa qua, SHB đã ký thỏa thuận thoái vốn tại SHB Finance cho Krungsri của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản). Thương vụ này dự kiến mang về khoảng 3.600 tỷ đồng, theo hãng tin quốc tế Nikkei.
Trước khi thương vụ bán vốn SHB Finance mang lại khoản thặng dư lớn, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng mẹ cũng đã có thêm bước bổ sung, qua kế hoạch trả cổ tức và hoàn tất vào tháng 6/2021, nâng lên 19.260 tỷ đồng.
Ngay sau đây, SHB tiếp tục đứng trước kế hoạch kép, cùng lúc thực hiện đợt trả cổ tức mới gắn với kế hoạch chào bán cổ phần tăng vốn. Ngân hàng sẽ chi trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 100:28, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu; qua đó dự kiến nâng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng trong năm nay.
SHB là một trong số ít các ngân hàng đều đặn chi trả cổ tức cho cổ đông qua các năm ngay cả trong giai đoạn phải xử lý tồn đọng đề án nhận sáp nhập Habubank. Tỷ lệ chi trả cổ tức của SHB là 7 - 8%/năm trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016 và trên 10%/năm giai đoạn 2017 - 2020. Kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 dự kiến là 15%.
Với khác biệt trên, triển vọng mới mở ra: Một mặt ngân hàng không ngừng gia tăng sức mạnh tài chính, mặt khác quy mô vốn hóa thị trường sẽ tiếp tục lên tầm vị thế cao hơn nữa.
Năng lực tài chính vững mạnh sẽ thúc đẩy SHB số hóa toàn diện và nâng cao công tác quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo hoạt động tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, hướng tới Basel III và chuẩn mực quốc tế IFRS 9. Ngân hàng đồng thời triển khai mạnh mẽ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp số, tự động hóa các quy trình, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và nghiên cứu ứng dụng một loạt các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây…
Mở đầu của một giai đoạn mới mang tên: Bứt phá
Tính chất đặc biệt của loạt kế hoạch trên không chỉ thể hiện ở tần suất các bước đi lớn, diễn ra ngay trong bối cảnh đầy thách thức bởi đại dịch Covid-19, mà quan trọng hơn ở giá trị nâng tầm và khẳng định vị thế mới của SHB.
Năm 2020, SHB khép lại đề án nhận sáp nhập Habubank – thương vụ M&A thành công điển hình của ngành tài chính ngân hàng – với kết quả kinh doanh đầy ấn tượng; như “cú nổ” báo hiệu tương lai tăng trưởng bứt phá phía trước.
Quả nhiên, khi không còn phải dồn lực xử lý các tồn đọng của đề án nhận sáp nhập, SHB tăng tốc đầy ấn tượng. 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 1,5%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB đạt 25,6%, tương đương với chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay.
Có được kết quả này bởi SHB đã nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí trên nền tảng số hóa và quản trị tốt. Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng ở mức dưới 30%, mức tối ưu trong hệ thống, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này đã phản ánh hiệu quả hơn trong tối ưu hóa vận hành với giá trị của chuyển đổi số, chất lượng nhân sự nâng cao năng suất và giảm thiểu các chi phí đầu tư theo mô hình ngân hàng truyền thống như trước đây.
Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản SHB đạt 464 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra cho cả năm. Vốn tự có của ngân hàng đạt hơn 43,3 nghìn tỷ đồng.
Triển vọng nối tiếp triển vọng
Vừa qua, SHB tiếp tục mang đến cảm hứng mới khi chuyển giao dịch cổ phiếu sang HOSE. Quyết định “chuyển nhà” sang HOSE thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với định hướng chiến lược của ngân hàng. Uy tín và năng lực tài chính vững mạnh của SHB cùng lợi thế của HOSE sẽ mang lại sức mạnh cộng hưởng, mở ra triển vọng mới cho cổ phiếu SHB, đặc biệt nhằm gia tăng lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược lớn nước ngoài có chung tầm nhìn và chiến lược dài hạn, đưa ngân hàng bứt phá tăng trưởng bền vững, không ngừng mang lại lợi ích cho cổ đông, khách hàng và đối tác.
Bước sang sàn niêm yết mới, SHB có thêm điều kiện hấp thụ những động lực mới để lan tỏa thêm cảm hứng đó cho thị trường và nhà đầu tư.
Nhiều công ty chứng khoán đã dự đoán cổ phiếu SHB sẽ lọt vào rổ VNM ETF trong kỳ tái cơ cấu quý I/2022, do giá trị vốn hóa của ngân hàng này đã tăng mạnh trong thời gian qua và lọt vào nhóm 85% vốn hóa dẫn đầu. Điều này, báo hiệu SHB sẽ trở thành đại diện tiếp theo chính thức ghi dấu mình vào VN30. Cho thấy sắp tới SHB sẽ đón một nguồn vốn mới từ việc cơ cấu của các quỹ ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu bao gồm DCVFM VN30, SSIAM VN30 và Mirae Asset VN30. Lúc đó, SHB không chỉ khẳng định là top 10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất, mà còn đại diện thể hiện tầm vóc của thị trường Việt Nam, khi các định chế tài chính lớn trên thế giới quan tâm và đánh giá cao.
Nhìn về quá khứ các người bạn trong khu vực, như Qatar và UAE, từ lúc MSCI công bố kế hoạch nâng hạng cho hai thị trường này vào nhóm mới nổi. Chỉ số chứng khoán của các nước này tăng mạnh từ 50 - 150% và thanh khoản tăng gấp 2 - 3 lần trong giai đoạn 1 năm sau đó. Điều này cũng có thể lặp lại, khi theo ước tính của các công ty chứng khoán, trong trường hợp Việt Nam được chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi vào cuối năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền lên tới 1,4 tỷ USD đến từ các quỹ tracking hoặc benmarking theo chỉ số FTSE Global All-Cap, FTSE All-Word và FTSE Emerging Markets. Đồng nghĩa với việc, các cổ phiếu đại diện cho các chỉ số nhất là VN30, dù tỷ trọng khiêm tốn thì lượng vốn ngoại đổ vào là rất lớn.
Những triển vọng nối tiếp triển vọng là minh chứng cho sự quyết tâm cao độ của ban lãnh đạo của ngân hàng, đưa SHB nâng tầm vị thế và không ngừng gia tăng lợi ích cho cổ đông, khách hàng và đối tác.
Uy tín và năng lực tài chính vững mạnh của SHB cùng lợi thế của HOSE sẽ mang lại sức mạnh cộng hưởng, mở ra triển vọng mới cho cổ phiếu SHB.
Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-minh-va-but-pha-96187.html