Hành trình ngược ngàn, vượt con nước gieo niềm tin trong dân…
Đối với kiểm toán viên (KTV) nhà nước, mỗi chuyến đi kiểm toán không chỉ là một hành trình công tác mà còn gửi gắm biết bao khát vọng mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Tâm niệm như thế, mỗi KTV luôn nỗ lực làm mới mình trong những công việc tưởng chừng quen thuộc, sẵn sàng vượt qua mọi rào cản với mục tiêu duy nhất: Minh bạch con số, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…

KTV với hành trình ngược ngàn gieo niềm tin trong dân. Ảnh: N.LỘC
Từ hành trình bền bỉ để gieo niềm tin trong dân…
Theo chân Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VII thực hiện kiểm toán Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Sơn La năm 2023, tôi lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Tây Bắc. Để được “mục sở thị” công việc của KTV, chúng tôi phải bắt đầu hành trình hàng trăm cây số từ Thủ đô lên Sơn La. Từ phố núi, tiếp tục di chuyển thêm gần nửa ngày đường mới đến địa bàn kiểm toán - nơi chờ đón chúng tôi là nắng, gió và sự khắc nghiệt của vùng lòng chảo Mường La.
Thấy chúng tôi có phần mệt mỏi, anh Trần Đình Dương, một thành viên trẻ của đoàn, nhanh nhảu trấn an: “Có phóng viên đi cùng nên lãnh đạo đơn vị bố trí điểm đi gần và số ngày ít hơn, chứ cung đường này với chúng em thì quen thuộc như về nhà rồi.” Thì ra, với Đoàn, đây là chuyến kiểm toán thường kỳ, chưa phải là hành trình vất vả nhất.
Anh Nguyễn Quang Hợp, khi đó là Phó Trưởng đoàn kiểm toán, tranh thủ quãng nghỉ trên đường để trao đổi: “Cuộc kiểm toán này thiên về đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tức là đo lường kết quả hoạt động từ nhiều góc nhìn, giúp nhà quản lý thấy rõ mức độ đạt mục tiêu đã đặt ra, khác với các loại hình kiểm toán khác.”
Và một trong những góc nhìn quan trọng không thể thiếu chính là ý kiến của người dân, chính quyền cơ sở về hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư tại vùng tái định cư thủy điện Mường La mà Đoàn sắp thực hiện. “Ghi nhận thực địa, lắng nghe ý kiến người dân là một trong những tiêu chí bắt buộc trong bộ tiêu chí đánh giá của cuộc kiểm toán này” - Phó Trưởng đoàn kiểm toán nói thêm.
Những lý thuyết đó được chúng tôi chứng kiến trong từng nội dung đánh giá tại địa bàn: Từ khảo sát tuyến đường giao thông, công tác hỗ trợ sản xuất, xây dựng nhà ở cho người dân vùng tái định cư… Tất cả đều thực hiện đúng kế hoạch kiểm toán chi tiết, có sự tham gia của người dân. Dẫu không tường tận được hết các thuật ngữ chuyên môn, nhưng qua những trao đổi cởi mở của bà con, chúng tôi tin rằng nguồn lực đầu tư của Nhà nước đang phát huy hiệu quả. Và qua ánh mắt, nụ cười của đồng bào, những cái bắt tay thật chặt cùng lời nhắn gửi chân thành dành cho Đoàn - những người đã quá quen thuộc với mảnh đất này - chúng tôi càng thấm thía rằng đó là hành trình bền bỉ của người KTV để mang lại giá trị, góp phần dựng xây niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính quyền.
… đến cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ
Nếu như cuộc kiểm toán Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Sơn La là hành trình quen thuộc với Đoàn kiểm toán KTNN khu vực VII, thì câu chuyện về cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững” lại là ví dụ điển hình về những thách thức chưa từng có, đối với một cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ.
Cuộc kiểm toán này do KTNN Việt Nam khởi xướng, phối hợp cùng Cơ quan kiểm toán quốc gia Thái Lan, Myanmar - những quốc gia chung dòng Mê Công. Nói ngắn gọn với chúng tôi về cuộc kiểm toán đặc biệt đó, Trưởng đoàn Đinh Văn Dũng (nay là Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II) cho hay: Đây là lần đầu tiên tổ chức một cuộc kiểm toán trên không gian rộng lớn (4 Bộ, ngành Trung ương và 12 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Mê Công tại Việt Nam), khối lượng công việc đồ sộ, song thời gian thực hiện lại vô cùng hạn hẹp: chưa đầy hai tháng và trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn là nỗi ám ảnh toàn cầu!
Chưa kể, các thành viên trong Đoàn đến từ nhiều đơn vị trong Ngành, dù đã được tập huấn, hướng dẫn nhưng vẫn cần thời gian để thống nhất cách đánh giá, kết luận. Thế nhưng, chỉ trong đôi tháng ngắn ngủi, trong điều kiện giãn cách, hạn chế tiếp xúc, Đoàn đã bắt đầu hành trình dài, vắt từ nóc nhà Đông Dương đến mũi Cà Mau… Tất cả lên đường với tâm thế cao hơn thường lệ: Tái hiện bức tranh quản lý, sử dụng nguồn nước sông Mê Công; kết quả, kiến nghị kiểm toán sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh cách quản lý, điều hành không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn liên quốc gia. Vì vậy, dù là nữ thành viên duy nhất theo tổ kiểm toán ngược ngàn lên vùng Tây Nguyên để đánh giá nguồn nước Mê Công tại Gia Lai, KTV Đỗ Thị Bình (Vụ Hợp tác quốc tế) vẫn không hề bận lòng về những vất vả phía trước; thay vào đó, chị đặt quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.
Hay như chia sẻ của nữ KTV Nguyễn Thị Nguyệt Anh (KTNN chuyên ngành III), chứng kiến cảnh dòng sông từng nuôi sống bao cộng đồng bỗng cuốn phăng nhà cửa, đẩy người dân vào cảnh tha hương… chị càng thêm quyết tâm theo đuổi nhiệm vụ, với mong muốn “chẩn bệnh” cho dòng sông, từ đó kiến nghị giải pháp cứu lấy con sông, cứu những con người đang nương nhờ vào dòng nước. “Một câu chuyện tưởng chừng xa xôi nhưng lại rất đời thường, bức thiết. Trong cơn tuyệt vọng trước thiên nhiên, người dân tự thắp lên hy vọng khi gặp và chia sẻ với đoàn kiểm toán, chờ mong những điều tốt đẹp hơn” - nữ KTV xúc động nói.
Kết thúc cuộc kiểm toán, cả Đoàn vỡ òa niềm vui khi những đánh giá, kiến nghị kiểm toán được đón nhận, không chỉ trong nước mà còn được cộng đồng kiểm toán quốc tế ghi nhận. Như lời Trưởng đoàn Đinh Văn Dũng: “Kết quả này là nỗ lực của toàn Ngành, với quyết tâm chính trị cao nhất, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo, sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị; đặc biệt là sự tận tâm, trách nhiệm của các KTV đã vượt mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Có thể nói, mỗi cuộc kiểm toán, mỗi địa bàn kiểm toán đều có những gian nan, thử thách riêng. Nhưng với KTV Nhà nước, chính niềm tin vào sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là “kim chỉ nam” giúp họ vượt qua mọi trở ngại. Những kết quả đạt được qua từng cuộc kiểm toán; những dấu ấn suốt hành trình 31 năm KTNN đồng hành cùng sự phát triển của đất nước đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước - nền tảng để khơi dậy khát vọng xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.