Hành trình phá đường dây núp bóng doanh nghiệp lừa đảo 100 tỷ đồng
Lừa bán sản phẩm làm đẹp và cam kết hoàn lại tiền nếu không có hiệu quả, công ty của Ngô Duy Khánh đã lừa đảo cả nghìn người trên khắp cả nước với số tiền lên tới 100 tỷ đồng, trong đó, có ít nhất 5 nạn nhân tại Hà Tĩnh.
Trên khuôn mặt có khá nhiều vết nám khiến chị N.H.L (tên đã được thay đổi, SN 1988, trú huyện Thạch Hà) cảm thấy không tự tin mỗi khi tiếp xúc với mọi người. Vào tháng 8/2022, trong một lần “lang thang” trên mạng xã hội facebook, chị L. biết đến fanpage “Bà Nhàn Tặng Ưu Đãi Trị Nám Tết Quý Mão - Gọi 0919.880.330” bán thuốc trị nám.
Qua trao đổi với chủ trang fanpage này, người bán cam kết nếu thuốc không có tác dụng sẽ hoàn lại toàn bộ tiền. Chị L. “mừng như bắt được vàng” nên đã đặt mua 6 đơn sản phẩm trị nám với tổng trị giá 16 triệu đồng.
Vào đầu tháng 4/2023, chị L. nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên nơi chị đã mua sản phẩm trị nám trước đó, hỏi về mức độ hiệu quả của sản phẩm. Khi chị L. phản hồi là thuốc không có tác dụng, “nhân viên” này cam kết hoàn tiền mua sản phẩm và hướng dẫn thủ tục để nhận lại tiền.
Với mong muốn sớm nhận lại tiền, chị L. chuyển các khoản phí làm hồ sơ qua nhiều số tài khoản khác nhau cho phía đơn vị bán thuốc trị nám với tổng số tiền hơn 116 triệu đồng. Sau thời gian chờ đợi nhưng tiền vẫn “bặt vô âm tín”, biết đã bị lừa, chị L. đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Vào cuộc điều tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Thạch Hà xác định, đây là một đường dây lừa đảo chuyên nghiệp núp bóng doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng về làm đẹp. Theo nhận định của lực lượng chức năng, số lượng bị hại của đường dây lừa đảo này lên tới cả nghìn người trên khắp cả nước, trong đó, tại Hà Tĩnh có ít nhất 5 nạn nhân với số tiền bị chiếm đoạt lên tới 500 triệu đồng.
Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ lừa đảo, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Thạch Hà chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, lập chuyên án tập trung đấu tranh làm rõ.
Sau thời gian vào cuộc điều tra với sự tham gia của những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm, Ban chuyên án đã dần dựng lên được chân dung đối tượng cầm đầu và phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng trong đường dây thực hiện.
Theo đó, năm 2021, Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Khang Thịnh có trụ sở tại TP Hà Nội.
Dưới sự điều hành của Khánh, doanh nghiệp này lập thêm 8 chi nhánh đặt tại các tỉnh, thành phố. Dù được phép hoạt động trong 40 lĩnh vực, ngành nghề nhưng thực chất, công ty do Khánh đứng đầu gần như chỉ tập trung kinh doanh các sản phẩm chức năng làm đẹp. Khánh chia nhân viên thành 2 bộ phận là marketing và tư vấn bán hàng.
Trong khi bộ phận marketing chịu trách nhiệm giả mạo thương hiệu “Trị nám bà Nhàn” chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tiếp cận khách hàng có nhu cầu, lấy thông tin số điện thoại liên hệ của khách thì bộ phận tư vấn bán hàng thực hiện nhiệm vụ sử dụng “sim rác”, liên hệ tư vấn về các sản phẩm trị nám cho khách hàng có nhu cầu theo các kịch bản được chuẩn bị sẵn.
Khi khách sử dụng sản phẩm nhưng không mang lại hiệu quả, nhân viên tư vấn của công ty trực tiếp liên hệ hỗ trợ hoàn tiền nhưng trên thực tế là không có việc làm hồ sơ bảo hành hay hoàn lại tiền mua sản phẩm.
Để dụ dỗ “con mồi”, nhân viên công ty của Khánh sẽ vào nhiều vai khác nhau như bộ phận bảo hành, giám đốc, trưởng khoa... cùng liên lạc cho một khách hàng và yêu cầu nạn nhân chuyển các khoản phí hồ sơ bảo hành hoàn tiền nhiều lần vào các số tài khoản khác nhau của công ty.
Với phương thức trên, từ đầu năm 2022 đến nay, công ty của Ngô Duy Khánh đã lừa đảo cả nghìn bị hại trên cả nước, chiếm đoạt số tiền trên 100 tỷ đồng.
Đại úy Phùng Khắc Đông – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Thạch Hà, cho hay: Việc lừa đảo thông qua việc bán hàng trên mạng xã hội là thủ đoạn không hề mới. Tuy nhiên, các đối tượng sử dụng chiêu trò đánh đúng vào tâm lý của nạn nhân – những khách hàng sử dụng sản phẩm không có hiệu quả, đang mong muốn được hoàn trả lại tiền nên số lượng nạn nhân “sập bẫy” rất lớn.
Theo Đại úy Đông, quá trình đấu tranh, truy vết tội phạm chủ yếu dựa vào các dữ liệu trên không gian mạng. Mặt khác, các đối tượng đều là người ngoại tỉnh, vậy nên, việc di chuyển để tiếp cận, trinh sát, bắt giữ gặp khá nhiều khó khăn.
Khó khăn là vậy, song với quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm, sau gần 1 tháng điều tra, thu thập chứng cứ, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, ngày 28/6, Công an huyện Thạch Hà phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an phường Mộ Lao (quận Hà Đông, TP Hà Nội) huy động 80 cán bộ, chiến sĩ xuất phát trong đêm, kiểm tra bất ngờ 2 địa điểm làm việc của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh tại Hà Nội.
Khám xét tại 2 địa điểm của công ty này, tổ công tác đã triệu tập làm việc với 35 đối tượng, thu giữ 105 điện thoại, 42 máy tính, phong tỏa 16 tài khoản ngân hàng và thu nhiều tang vật khác có liên quan.
Theo Thượng tá Đặng Quốc Thiện – Trưởng Công an huyện Thạch Hà: Qua quá trình đấu tranh, các đối tượng trong đường dây lừa đảo núp bóng doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng về làm đẹp đã phải cúi đầu nhận tội. Đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 16 bị can và lệnh tạm giam đối với Ngô Duy Khánh cùng 7 “phó tổng giám đốc” trong công ty của Khánh.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Xác định đây là chuyên án lớn, liên quan đến nhiều đối tượng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Thạch Hà phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc ngay từ đầu để đấu tranh, triệt phá. Với tính chất phức tạp của đường dây này, Công an tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng tham gia phối hợp với công an các tỉnh, thành – nơi các “vòi bạch tuộc” của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh đóng trụ sở tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án nhằm xử lý triệt để, bắt giữ được hết các đối tượng tham gia đường dây lừa đảo.
Danh tính các đối tượng được xác định là: Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại Tam Thanh, huyện Vụ Bản, Nam Định); Nguyễn Thị Huyền Thương (SN 1997, trú tại Nghĩa Đàn, Nghệ An); Trần Văn Lộc (SN 1993, trú tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ, Thái Nguyên); Vũ Nhật Nam (SN 2002, trú tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định); Nguyễn Đức Toàn (SN 2000, trú tại xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, Nam Định);
Nguyễn Lan Anh (SN 1997, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội); Thiều Thu Thảo (SN 2000, trú tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ); Phạm Thị Mến (SN 1996, trú tại thôn Nậm Chữ, xã Bản Cầm, Bảo Thắng, Lào Cai);
Nguyễn Tiến Bùi (SN 1989, trú tại Xuân Phòng, Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Định); Nguyễn Phi Hùng (SN 2003, trú tại xã Yên Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ); Nguyễn Xuân Bắc (SN 2000, trú tại xã Giao Lưu, Giao Thủy, Nam Định);
Nguyễn Thị Kim Chi (SN 2001, trú tại xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An); Nguyễn Thị Hồng Thu (SN 1998, trú tại xã Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định); Hoàng Đức Tuấn (SN 2000) và Nguyễn Minh Tuấn (SN 2003) đều trú tại xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng; Trương Thị Xuân (SN 2003, trú tại xã Thành Long, Hàm Yên, Tuyên Quang).