Hành trình 'phép màu' Phật giáo: Từ hoài nghi đến giác ngộ
Phép thuật Phật giáo, như Van Schaik từng nói, không phải để thoát ly hiện thực, mà để tiếp cận và chuyển hóa: biến sợ hãi thành từ bi, biến khổ đau thành hy vọng.
Tôi không bắt đầu tìm hiểu về “phép màu” trong Phật giáo từ sách vở hay thư viện, mà từ một khủng hoảng cá nhân. Cuộc hành trình dẫn tôi đến với thế giới huyền bí ấy thực ra bắt đầu từ nhiều năm trước, trong làn khói trầm hương vấn vít của ngôi đền Jokhang linh thiêng ở Lhasa.
Hành trình qua các cõi huyền bí của đức tin và lịch sử
Giữa ánh sáng bập bùng của những ngọn đèn bơ và lời tụng niệm trầm mặc vang lên như thì thầm từ ngàn xưa, tôi đã dâng một lời khấn cầu tuyệt vọng lên đức Phật Thích Ca. Đó là một lời nguyện về sự chữa lành, cho một căn bệnh dai dẳng, không thể dứt bỏ, đã để lại dấu ấn trên khuôn mặt và tâm hồn tôi.
Trong khoảnh khắc đầy yếu đuối ấy, tôi đã tìm đến điều gì đó vượt khỏi tầm tay của y học, một điều gì đó vừa cổ xưa vừa huyền nhiệm.

Sam Van Schaik chia sẻ về phép thuật Phật giáo. Ảnh: Rebecca Wong
Một tháng sau, điều kỳ diệu đã xảy ra: tôi hoàn toàn hồi phục. Sự hoài nghi nhường chỗ cho niềm kính ngưỡng và chính sự kiện ấy đã trở thành cánh cửa dẫn tôi vào hành trình khám phá những tầng sâu tác ý của Phật giáo. Một hành trình kéo dài suốt cuộc đời!
Nhiều năm sau, tại thung lũng Paro (Bhutan), tôi đứng lặng người chứng kiến những người phụ nữ hóa thân thành các dakini, hiện thân giác ngộ mang năng lượng nữ tính, múa trong lễ hỏa cúng giữa ánh lửa thiêng.
Lúc ấy tôi chợt nhận ra: những trải nghiệm như thế không hề xa lạ với thực hành của các Phật tử thế kỷ thứ 9. Đó là nơi ranh giới giữa trần thế và thiêng liêng mờ nhòa, nơi “phép màu” đóng vai trò như chiếc cầu nối giữa cõi người và cõi Phật.
Từ những cuộc hành hương ở dãy Himalaya cho đến âm vang trì chú trong các hang thiền Tây Tạng, tôi đã tìm kiếm câu trả lời tại những nơi mà lý trí trở nên bất lực. Tôi từng mang bùa hộ mệnh từ chùa Yonghe ở Bắc Kinh, thỉnh các nghi lễ puja tại Thiksey (Ladakh) và chứng kiến bạn bè mình được toại nguyện sau khi phát tâm cúng dường để chư Tăng cầu nguyện.
Từ những mong cầu giản dị như cha mẹ mong con thi đỗ, cho đến những người mê đua ngựa đặt cược lần cuối trong đời lại giành chiến thắng, tất cả đều có chung một sợi chỉ đỏ: niềm tin.

Bùa hộ mệnh Phật giáo Tây Tạng dùng hàng ngày. Ảnh: Rebecca Wong
Khi tôi chia sẻ những trải nghiệm này với nhà nghiên cứu van Schaik, ông nói: “Bạn đang thực hành đúng như các Phật tử ở Đôn Hoàng thế kỷ thứ 9”. Câu nói ấy khiến tôi như được xác tín. “Phép màu”, từng bị xem là mê tín, đang dần được trả lại vị trí xứng đáng trong dòng chảy Phật giáo. Phép màu chưa từng là điều mơ hồ, mà là một “ngôn ngữ của hy vọng”, được thể hiện qua thực hành và trải nghiệm tâm linh, từ đó đi đến sự chứng ngộ.
Giải mã “phép thuật” Phật giáo: Khi điều kỳ diệu là một phần của hiện thực
Trong những câu chú và nghi lễ cổ xưa, người ta không chỉ tìm thấy tiếng vọng của quá khứ huyền bí, mà còn bắt gặp lời nhắc nhở rằng: điều thiêng liêng và điều kỳ diệu đôi khi chỉ là một. Phép thuật, trong ngữ cảnh Phật giáo, không phải là hành vi phủ nhận hiện thực, mà là một cách tiếp cận hiện thực theo hướng chữa lành, tìm kiếm sự an ủi trong một thế giới đôi khi lạnh lùng, vô cảm. Khi ta làm được điều đó, lịch sử và tâm linh giao thoa, mở ra một miền không gian nơi những vết thương chưa lành có thể được xoa dịu và điều vô hình, vĩnh cửu trở nên gần gũi trong tầm tay.
Mật mã từ “sách phép” ở Đôn Hoàng
Tại Thư viện Anh quốc, học giả Sam Van Schaik, tác giả cuốn Phép thuật Phật giáo (2020), đã lý giải về cuốn “sách phép” cổ tìm thấy tại hang Đôn Hoàng, trong đó tập hợp nhiều chân ngôn (dharani) và nghi thức xưa. Những câu chú ấy, theo ông, thực chất là những lời nguyện thiết thực dành cho đời sống hàng ngày, từ việc giúp sinh nở an lành đến xua tan mưa đá hay bệnh tật. Phép thuật Phật giáo, vì vậy, không phải là “trò lừa sân khấu” mà là một dạng thực hành mang tính chữa lành, đầy từ bi.

Đền Jokhang. Ảnh: yowangdu.com
Tôi hỏi Van Schaik, liệu các thực hành đó có được coi là chính thống trong truyền thống Phật giáo không. Ông dẫn Kinh Lông Công Minh Vương làm ví dụ, trong đó đức Phật đích thân ban một câu chú để chữa cho vị Tỳ-kheo bị rắn cắn. Câu chú này, từng được mệnh danh là “Nữ hoàng các thần chú”, về sau trở thành một công cụ chữa bệnh đa năng, từ rắn cắn, sốt cao, đến cả trường hợp bị ma nhập. Theo van Schaik, “phép thuật chưa từng là thứ bên lề, mà từng được xem như tuyến đầu của liệu pháp chăm sóc”.
Điều khiến ông bất ngờ nhất là “Kinh điển Quán Thế Âm tại Đôn Hoàng”, một tổ hợp nghi lễ kết hợp giữa y dược và chân ngôn. Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay trong kinh này được xem như bậc thầy chữa trị bệnh đục thủy tinh thể. Những thần chú như “Thanh Hầu Chân Ngôn” được lưu truyền rộng khắp từ chùa Kōyasan ở Nhật tới bảo tháp Swayambhunath tại Nepal, cho thấy một mạng lưới chữa lành xuyên suốt châu Á cổ đại.

Một bùa hộ mệnh Green Tara. Ảnh: Rebecca Wong
Một chương khác miêu tả nghi lễ thờ thần điểu Garuda, thực hành vốn bắt nguồn từ truyền thống Vệ-đà, nhằm giải độc rắn cắn và cầu mưa. Van Schaik ví von: “Hãy tưởng tượng một đứa trẻ đang nhìn chăm chăm vào móng tay sơn bóng để xem điềm báo tương lai”. Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến John Dee, nhà chiêm tinh dưới triều Nữ hoàng Elizabeth I ở Anh, người từng dùng kính đen để “soi” tương lai trong phòng thí nghiệm của mình tại Đài thiên văn Greenwich.
Một số đoạn trong văn bản Đôn Hoàng còn đề cập tới việc “trục long khí”, thứ được cho là nguyên nhân gây bệnh phong cùi hoặc u bướu, thông qua các nghi lễ lửa và dao nghi thức (phurba). Theo Van Schaik: “Người bệnh được ‘chích’ vào các huyệt trên đầu và tay chân để trục tà”. Nghe có vẻ ghê rợn, nhưng với người xưa, đó gần như là một hình thức phẫu thuật thần kinh.
Khi pháp thuật bảo vệ vương triều
Nếu dân thường cầu phép thuật để vượt qua khó khăn, thì các bậc quân vương còn xem đó là “vũ khí ngoại giao”. Như trường hợp triều đại Tây Hạ (1038-1227), các hang động phủ màu ngọc lam tại Mạc Cao Đôn Hoàng đã khắc họa các hộ pháp dữ tợn như Đại Hắc Thiên (Mahakala). Nhà nghiên cứu Tangut - Elliot Sperling - từng ghi nhận việc các hoàng đế Tây Hạ triệu mời pháp sư Tây Tạng Sangye Repa (đệ tử của Milarepa), người đã dùng các pháp môn Mahakala để bảo vệ vương quốc trước cuộc xâm lược của Mông Cổ. Sangye Repa từng dùng pháp thuật “hóa giải” Genghis Khan, nhưng cuối cùng ông mộng thấy lời cảnh báo không được phép tiếp tục dùng pháp này. Sau đó, ông rút lui về Tây Tạng và Tây Hạ nhanh chóng bị tiêu diệt. Cái chết bất ngờ của Thành Cát Tư Hãn vào tháng 08/1227 vẫn là một ẩn số, khiến người đời đồn rằng có thể là hậu quả của “phản công pháp thuật”.
Về sau, vào thế kỷ 17, ngài Sogdogpa Lodrö Gyatso, bậc thầy của truyền thống Nyingma, trở thành pháp sư lừng danh nhất Tây Tạng. Trong cuộc chiến giữa triều đại Tsangpa và Đại Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, Sogdogpa đã thực hành các nghi lễ Kim Cương Tát Đỏa (Vajrakilaya), triệu gọi gió bão, gieo bất hòa vào hàng ngũ địch, thậm chí “ám sát tâm linh” các tướng lĩnh đối phương. Dù cuối cùng Tsangpa thất thủ vào năm 1642, nhưng các nghi lễ ấy đã trì hoãn kết cục một cách đáng kể. Có thể nói, pháp thuật trong trường hợp này không chỉ là nghi lễ, mà còn là “tâm chiến” mang tính chiến lược.
Phép thuật trong đời sống

Đức Phật chữa lành một nhà sư bị bệnh. Ảnh: lionsroar.com
Công trình nghiên cứu của Van Schaik cũng phá bỏ định kiến rằng phép thuật Phật giáo chỉ thuộc về giới tu sĩ hay vua chúa. Nông dân dùng thuật xem bói để tìm trâu bệnh; vua chúa dùng để chọn ngày xuất quân. Van Schaik kể: “Cùng một hình thức chiêm nghiệm bằng gương (prasena), nhưng vừa giúp người dân chọn mùa gieo trồng, vừa giúp xác định hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma”. Ông cười: “Thật khó mà phân định rạch ròi giữa phép thuật và y học trong các văn bản cổ. Chúng vốn là hai mặt của cùng một đồng xu”.
Phép thuật - ngôn ngữ của hy vọng
Khi rời khỏi Thư viện Anh, tôi nhớ lại những bùa hộ mệnh và buổi lễ puja mà mình từng trải qua, những sợi chỉ vô hình kết nối tôi với các pháp sư dọc Con đường Tơ Lụa và các vị đế vương Tây Hạ. Phép thuật Phật giáo, như Van Schaik từng nói, không phải để thoát ly hiện thực, mà để tiếp cận và chuyển hóa: biến sợ hãi thành từ bi, biến khổ đau thành hy vọng.
Vào mùa mưa ở Delhi hay giữa những hạn chót căng thẳng tại London, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng thầm mong một chút “phép lạ”. Không phải để sống trong ảo tưởng, mà để nuôi dưỡng niềm tin.
Bài viết này xin được dành tặng chư Tăng chùa Thiksey tại Ladakh, những người đã dạy tôi rằng: phép màu luôn bắt đầu từ nơi lý trí dừng lại.
Tác giả: Rebecca Wong/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên/Nguồn: buddhistdoor.net