Hành trình thay đổi nhận thức trong sử dụng thuốc BVTV: Kỳ 1: Để không còn 'mùa cỏ cháy'
Tỉnh ta có hơn 320 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, gồm nhiều loại cây trồng khác nhau, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, cùng với hiệu quả mang lại, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Trước thực trạng đó, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.
sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.
Thuốc diệt cỏ và những hệ lụy
Nhớ lại những năm trước đây, mỗi khi vào mùa gieo trồng cây trên nương, trên các sườn đồi lại xuất hiện những bể chứa nước di động bằng vải bạt để người dân dùng pha thuốc trừ cỏ. Không găng tay, khẩu trang, hay bất cứ loại dụng cụ bảo hộ nào, người dân tự pha chế, rồi đem phun lên những vạt đồi. Những “đám mây” thuốc trừ cỏ lan đến đâu, không chỉ cỏ cây cháy đen mà cả côn trùng ở sâu dưới lòng đất cũng không sống được, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chúng tôi đến bản Suối Khoang, xã Tân Hợp (Mộc Châu), nơi cách đây 2 năm, vào ngày 20/4/2018, sau khi sử dụng nguồn nước sinh hoạt chung của bản, 81 người dân thấy biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, nóng cổ, khô họng, khó thở, chướng bụng, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên. Xét nghiệm mẫu nước tiểu của các bệnh nhân đều dương tính với Paraquat, là chất độc hại trong thuốc diệt cỏ có trong nguồn nước sinh hoạt chung của bản. Nhớ lại chuyện cũ, ông Giàng A Phành, Phó bản vẫn chưa hết bàng hoàng, ông nói: Trước đây, mó nước không có tường rào, xung quanh, cứ vào mùa làm nương, nhiều bao, gói thuốc BVTV sử dụng xong, bà con vứt gần nguồn nước, có người còn rửa dụng cụ phun thuốc tại mó nước... Đây chính là nguyên nhân làm cho cả bản bị ngộ độc. Riêng gia đình tôi, có 8/10 người bị đau bụng, đi ngoài và mệt mỏi. Cũng may là nhập viện kịp thời, được các y, bác sĩ tận tình chữa trị nên mọi người trong bản mới thoát chết.
Đến bản Nà Viền, xã Chiềng Kheo (Mai Sơn), nơi sinh sống của 128 hộ đồng bào dân tộc Mông. Vài năm trước, bản “nổi tiếng” vì tình trạng lạm dụng sử dụng thuốc trừ cỏ. Nhắc lại chuyện cũ, ông Giàng A Tông, Trưởng bản, thật thà kể: Trước đây do chưa hiểu biết, nghe người bán thuốc giới thiệu thuốc diệt cỏ phun tới đâu cỏ chết tới đấy, kể cả cỏ gianh, tốn ít công sức, giá lại rẻ nên gia đình đã mua về dùng. Mỗi vụ làm nương, gần 2 ha chỉ mất hơn 200 nghìn đồng mua 4 hộp thuốc trừ cỏ. Tính ra, nhanh và rẻ hơn nhiều so với công làm cỏ bằng tay. Để có nước pha thuốc, bà con đào hố và phủ tấm bạt để tích trữ nước mưa. Sau này, được cán bộ đến bản tuyên truyền, bà con mới biết mình đã lạm dụng thuốc trừ cỏ và sử dụng thuốc BVTV không đúng cách, không chỉ khiến đất bạc màu, khô cứng, năng suất lúa, ngô ngày càng giảm. Đây cũng là nguyên nhân sau mỗi vụ phun thuốc, nhiều đàn ông, thanh niên trong bản thường thấy mệt mỏi, có người còn phải đi viện điều trị…
Theo số liệu thống kê, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, nếu năm 2010, lượng thuốc tiêu thụ chỉ có gần 59 tấn, thì đến năm 2018 đã tăng lên 668 tấn. Đi kèm với đó, lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thải ra môi trường từ 15-20 tấn/năm. Điều đáng nói, lượng bao gói thuốc BVTV là vỏ chai nhựa thuốc trừ cỏ chiếm tới 50-60% và đều được làm từ nhựa tổng hợp (polyethylen) khó phân hủy. Sau sử dụng bao giờ cũng còn tồn dư một phần thuốc, nếu không được thu gom sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, đất, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Càng nguy hại hơn, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đã diễn ra trong thời gian dài, không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ bao bì sau sử dụng còn vứt bừa bãi tại nương rẫy, đầu nguồn nước. Cùng với đó, tình trạng các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV chưa làm tốt công tác hướng dẫn, tư vấn cho người dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Đặc biệt là ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng buôn bán thuốc BVTV theo mùa vụ, bán rong, bán chui tại các chợ phiên. Việc xây dựng các bể chứa bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu... Một con số đáng báo động khi trong 2 năm (2018-2019), toàn tỉnh có gần 400 trường hợp bị ngộ độc thuốc BVTV, 11 người chết vì tự tử bằng thuốc trừ cỏ; cùng nhiều bệnh liên quan đến việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách..., đang là “bài toán khó” đặt ra với cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.
Chủ trương xuất phát từ thực tế
Trước thực trạng lạm dụng thuốc BVTV rất đáng báo động đó, năm 2018, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV tại Thông báo số 1147-TB/TU; năm 2019, tiếp tục ban hành Kết luận số 672-KL/TU, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ giảm tính lệ thuộc, thói quen sử dụng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ trong sản xuất; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng thuốc BVTV... Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020; phương án hỗ trợ HTX, doanh nghiệp sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020; kế hoạch sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng và phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững...
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của tỉnh vào cuộc sống, đã mang lại tín hiệu tích cực qua những con số biết nói: Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh đã xây dựng và lắp đặt trên 2.000 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng canh tác tập trung và địa bàn các xã đạt chuẩn NTM; hàng chục nghìn cuốn cẩm nang, tờ rơi hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, “5 quy tắc vàng” đã được cấp, phát cho người dân. Hằng năm, các huyện, thành phố đã tổ chức phát động đợt ra quân thu gom bao gói thuốc BVTV, tập trung các khu vực đầu nguồn nước, vùng sản xuất nông nghiệp thường xuyên sử dụng thuốc BVTV 3 lần/năm; 20 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định... Đặc biệt, năm 2018, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã tổ chức Chương trình “Đổi vỏ bao gói thuốc BVTV lấy thực phẩm tại xã Hát Lót (Mai Sơn), Chiềng Hặc (Yên Châu) với lượng bao gói thu gom đạt 1.550 kg… Đến nay, việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng bước đầu đã đem lại hiệu quả, từng bước hình thành thói quen thu gom tại các vùng sản xuất tập trung.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX sản xuất hữu cơ, năm 2019, ngành nông nghiệp đã triển khai thí điểm 24 mô hình sản xuất 10 loại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho 89 doanh nghiệp, HTX, với tổng kinh phí đã phân bổ hơn 3,6 tỷ đồng... Bên cạnh đó, giai đoạn 2017-2020, chương trình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng tại tỉnh đã được lồng ghép trong các chương trình khuyến nông, phát triển sản xuất, nông thôn mới của tỉnh, xây dựng 110 mô hình áp dụng các biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát sâu hại, xử lý nguồn rơm rạ để cải tạo đất, sử dụng giống chống chịu sâu bệnh; 10 mô hình áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, giảm thiểu sử dụng thuốc trừ cỏ; 15 mô hình áp dụng canh tác theo GAP cơ bản, ghép cải tạo kết hợp quản lý, kiểm soát dịch hại... Cùng với thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng thuốc BVTV, tỉnh ta còn tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2019, ngành nông nghiệp, các huyện, thành phố đã tổ chức 11 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về thuốc BVTV. Qua kiểm tra 439 cơ sở, đã phát hiện, xử lý 112 cơ sở vi phạm, lập biên bản xử phạt hành chính trên 200 triệu đồng...
Những kết quả đạt được ban đầu đã khẳng định hướng đi đúng, giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV. Đã xa dần ký ức về những “mùa cỏ cháy”, người dân đang từng bước thay đổi về nhận thức, tư duy, phương thức sản xuất để hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững.
(Còn nữa)