Hành trình thay đổi nhận thức về sử dụng thuốc BVTV: Kỳ 2: Xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững

Từ chủ trương, quyết sách đúng, trúng, kịp thời cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, đã làm thay đổi về nhận thức trong sử dụng thuốc BVTV, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vùng trồng cây ăn quả tại xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Vùng trồng cây ăn quả tại xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Từ thay đổi nhận thức...

Có đến thực tế tại các bản vùng sâu, vùng xa trong tỉnh mới thấy rõ những chuyển biến tích cực trong sử dụng thuốc BVTV của người dân. Đến bản Nà Lon, xã Chiềng Kheo (Mai Sơn), từng là “điểm nóng” trong việc sử dụng thuốc diệt cỏ, lạm dụng thuốc BVTV, nay đã trở thành điểm sáng trong việc nói không với thuốc diệt cỏ, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong việc sử dụng thuốc BVTV. Tại đây, chúng tôi được anh Lò Văn Phóng, người có thâm niên 20 năm làm công tác khuyến nông của xã kể lại câu chuyện: Năm 2018, có Công ty chuyên kinh doanh thuốc BVTV đến bản tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc BVTV, cuối buổi tập huấn, Công ty tặng mỗi người đến dự họp một hộp thuốc trừ cỏ. Mặc dù là loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng, nhưng không ai bảo ai, bà con trong bản lần lượt từ chối không nhận với cùng một lý do vì đã ký cam kết với bản không sử dụng thuốc diệt cỏ... Một việc làm tuy nhỏ nhưng đã nói lên nhiều điều trong thay đổi nhận thức của người dân nơi đây về sử dụng thuốc BVTV.

Người dân bản Suối Khoang, xã Tân Hợp (Mộc Châu) làm cỏ theo phương pháp truyền thống.

Người dân bản Suối Khoang, xã Tân Hợp (Mộc Châu) làm cỏ theo phương pháp truyền thống.

Tại bản Suối Khoang, xã Tân Hợp (Mộc Châu), vụ ngộ độc thuốc trừ cỏ như hồi chuông cảnh tỉnh làm thay đổi nhận thức của người dân. Đồng chí Giàng A Khoa, Bí thư Chi bộ bản, nói: Sau vụ ngộ độc, người dân mới hiểu hết tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách. Đặc biệt, khi cán bộ đến bản tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ cỏ và vứt bừa bãi bao gói thuốc sau sử dụng thì bà con đang từng bước thay vì dùng thuốc trừ cỏ, chuyển sang làm cỏ bằng phương pháp truyền thống hoặc dùng máy phát cỏ và tận dụng phụ phẩm từ chăn nuôi và trồng trọt để làm phân bón vừa tiết kiệm, hiệu quả và an toàn.

Một điểm đáng mừng là không chỉ ở bản Nà Lon, Suối Khoang mà phần lớn ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới của tỉnh, việc sử dụng thuốc BVTV đã được đưa vào hương ước, quy ước của bản, với nội dung cụ thể, chi tiết, như: Khi bà con đi phun thuốc BVTV phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc an toàn, phải đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng và phun xuôi theo chiều gió, sau khi phun nước rửa bình không đổ xuống sông, suối, ao, hồ. Phải thu gom vỏ, lọ thuốc để xử lý, tránh ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và vật nuôi. Sau khi phun phải tuân thủ thời gian mới được thu sản phẩm, hộ nào vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt.

Có mặt tại lớp tập huấn và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trách nhiệm, an toàn, hiệu quả cho gần 400 nông dân, thành viên của một số HTX trên địa bàn huyện Mai Sơn do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh; Hiệp hội Croplife Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 5/2020 mới thấy rõ được những lợi ích của lớp tập huấn mang lại. Tại lớp tập huấn các học viên được phổ biến, hướng dẫn kiến thức cơ bản về thuốc BVTV, nguyên tắc “4 đúng”, chẩn đoán và phòng trị một số sâu bệnh hại chính trên cây ăn quả; quy định cấp mã số vùng trồng; giới thiệu ứng dụng tra cứu thuốc BVTV online trên điện thoại; hướng dẫn một số kỹ thuật sử dụng bình phun, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng... Ông Dương Gia Định, Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh, chia sẻ: Đây chỉ là 1 trong hơn 250 lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV được ngành nông nghiệp phối hợp tổ chức từ năm 2017 đến nay, với gần 10.000 lượt người tham gia. Bởi chúng tôi xác định việc thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng thuốc BVTV không thể thực hiện trong “một sớm, một chiều” mà phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng theo kiểu cầm tay chỉ việc, bởi vậy nhiều đợt tuyên truyền, nhiều lớp tập huấn được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc “hiệu quả - an toàn - có trách nhiệm”, góp phần vừa sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, vừa bảo vệ chính người trồng và môi trường.

Lớp tập huấn cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả tại huyện Mai Sơn.

Lớp tập huấn cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả tại huyện Mai Sơn.

...đến những bước tiến trong phát triển nông nghiệp

Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường là một xu thế tất yếu, từ sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều doanh nghiệp, HTX đã thí điểm sản xuất theo hướng hữu cơ. Sau hơn 1 năm thí điểm, mô hình đang nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân. Tại HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn), một trong nhiều HTX được lựa chọn tham gia thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ cho 10 ha bưởi và xoài, đã cho những kết quả tích cực. Ông Đào Xuân Yết, thành viên HTX Ngọc Lan, phấn khởi nói: Nhà tôi có hơn 4 ha cây ăn quả, trong đó 1 ha bưởi đang thực hiện thí điểm bón phân hữu cơ, quy trình tuy có vất vả hơn bón phân vô cơ, nhưng không độc hại, không ảnh hưởng môi trường, đất vườn tơi xốp, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Cũng tiên phong tham gia thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu), cho biết: Sử dụng phân bón hữu cơ những năm đầu chi phí cao hơn khoảng 20% so với sử dụng phân bón vô cơ, nhưng sẽ giảm dần khi các loại vi sinh vật có ích phát triển. Quan trọng là sử dụng phân bón hữu cơ trái cây ăn ngon, đậm vị hơn, kéo dài tuổi thọ của cây trồng. Điều khiến các HTX băn khoăn là sử dụng phân hữu cơ chi phí cao hơn mà giá bán sản phẩm chỉ bằng, thậm chí thấp hơn so với sản phẩm cùng loại, vì mẫu mã sản phẩm không đẹp. Nhưng các HTX đều lạc quan và tin rằng, sử dụng phân hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ thuận lợi.

Vườn bưởi da xanh của hộ ông Đào Xuân Yết, bản Nà Cang, xã Hát Lót (Mai Sơn) thí điểm bón phân hữu cơ.

Vườn bưởi da xanh của hộ ông Đào Xuân Yết, bản Nà Cang, xã Hát Lót (Mai Sơn) thí điểm bón phân hữu cơ.

Đánh giá về mô hình sản xuất hữu cơ, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: Năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn 6,5 tỷ đồng cho các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương, gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, từng bước thay đổi phương thức làm nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.

Có những con số hết sức ấn tượng: Tính đến hết năm 2019, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu được 16 loại nông sản thực phẩm, giá trị xuất khẩu đạt 142 triệu USD (tăng 26% so với năm 2018). Đến nay, một số mặt hàng nông sản của tỉnh (quả các loại, sữa, thịt bò, ngô) đứng đầu 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Có được kết quả đó là nhờ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong 10 năm qua (2009-2019), tỉnh đã lập, phê duyệt, rà soát điều chỉnh bổ sung 18 quy hoạch ngành, sản phẩm ngành nông nghiệp và ban hành 28 nghị quyết, 8 quyết định về cơ chế chính sách; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với giải quyết những vấn đề xã hội còn bức xúc, như: thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Một trong những quyết sách tạo bước đột phá, nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, đó chính là việc thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 74.000 ha cây ăn quả; có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu; 18 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài; gần 550 HTX nông nghiệp. Phát triển và duy trì hiệu quả 124 chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn. Từ năm 2017 trở lại đây, tỉnh Sơn La luôn xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số VSATTP.

Những câu chuyện buồn về việc sử dụng thuốc BVTV không an toàn đã dần lùi về quá khứ; những mô hình nông nghiệp mới hiệu quả ngày càng phát triển, mang lại những vụ mùa bội thu cho nông dân... Đây là kết quả thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, HTX trong sản xuất nông nghiệp, từng bước xây dựng Sơn La trở thành trung tâm trồng, chế biến nông sản sạch của vùng Tây Bắc.

Việt Anh - Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hanh-trinh-thay-doi-nhan-thuc-ve-su-dung-thuoc-bvtv-ky-2-xay-dung-nen-nong-nghiep-xanh-an-toan-ben-vung-31771