Hành trình theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Nga

Dù đã ở độ tuổi ngoài 60 nhưng những kỷ niệm gắn với Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay trong thời gian công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên trong ký ức tôi.

Năm 1973, tôi thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay). Khi nhập học, tôi đăng ký học Khoa Tiếng Nga. Sự lựa chọn ban đầu chỉ là theo cảm tính nhưng càng học tôi càng thấy yêu thích. Thời gian học tiếng Nga trong trường đại học và đi thực tập ở Liên Xô là những kỷ niệm đẹp của thời sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, tôi được về công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, công trình do Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp đỡ xây dựng. Kể từ đó, tình yêu của tôi đối với xứ sở bạch dương được nhân dần lên theo năm tháng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn Nga. Từ tòa nhà đến nội dung trưng bày và thiết kế mỹ thuật trong bảo tàng đều do những kiến trúc sư, kỹ sư, họa sĩ, chuyên gia trưng bày giỏi nhất, tài hoa nhất của Liên Xô trực tiếp thiết kế và thi công. Bảo tàng Hồ Chí Minh kết nghĩa với Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin. Hằng năm, Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin đều giúp Bảo tàng Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ. Nhiều lớp cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được đi tham quan, học tập ở Liên Xô. Năm 1991, Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin sáp nhập vào Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nga. Mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ của Bảo tàng Trung ương V.I. Lênin đối với Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng bị gián đoạn. Tuy nhiên, một số người bạn cũ (các chuyên gia của Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin) vẫn quan tâm, theo dõi sự phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

 Tác giả và cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga”. Ảnh: THANH BẰNG

Tác giả và cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga”. Ảnh: THANH BẰNG

Để sưu tầm tài liệu về Bác Hồ, tôi đã có hai chuyến sang Nga (năm 2004 và 2006). Cả hai chuyến công tác này đều là hành trình đong đầy cảm xúc, sự biết ơn với đất nước Nga, những người bạn Nga chân thành, giản dị và tốt bụng.

Chuyến đi Nga vào năm 2004 được xem như một chuyến tiền trạm. Khi ấy, tôi được bố trí đi cùng đoàn sưu tầm của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Kết thúc chuyến công tác, tài liệu được đem về Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Còn tôi chỉ có hai cuốn sổ công tác ghi chép những tài liệu đã đọc, những thông tin quan trọng, ghi ký hiệu lưu trữ của nhiều tài liệu. Về nước, tôi báo cáo lãnh đạo cơ quan tình hình tài liệu ở các kho lưu trữ tại Nga và đề xuất cơ quan cử người đi sưu tầm tiếp. Hai năm sau, tôi được cử làm trưởng đoàn sang sưu tầm tài liệu về Bác Hồ ở nước Nga.

Trong chuyến đi lần thứ hai vào năm 2006, tôi đã nhờ liên hệ, kết nối với một số họa sĩ và chuyên gia từng giúp ta xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. 16 năm sau ngày khánh thành bảo tàng, chúng tôi mới gặp lại các bạn. Ai cũng cảm thấy vui mừng xen lẫn nỗi bùi ngùi khó tả. Sợ chúng tôi chưa quen đường, trong tuần đầu tiên, bà Olga Kita Sova-chuyên gia bảo tàng, ngày nào cũng đến nhà khách Đại sứ quán Việt Nam đón chúng tôi đến kho lưu trữ đọc tài liệu. Bà còn nhờ cán bộ lưu trữ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi đọc tài liệu.

Nhóm họa sĩ trước đây giúp ta thiết kế, xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh hỗ trợ chúng tôi phương tiện đi chụp ảnh một số địa điểm Bác từng ở, học tập và làm việc tại Moscow từ năm 1923 đến 1938. Nhiều năm trôi qua, cảnh vật đã thay đổi. Đến nhiều địa chỉ, các bạn Nga phải xuống xe để hỏi đường. Khi đi trên những tuyến phố không cho dừng xe, bạn chạy xe chầm chậm để chúng tôi ngồi trong xe chụp ảnh. Thậm chí, nếu thấy chúng tôi chưa chụp được, bạn lại cho xe vòng lại. Cùng các bạn Nga đi khắp các phố xá ở Moscow để thăm lại cảnh cũ và chụp ảnh, chúng tôi đã qua 13 địa điểm ghi dấu hoạt động của Bác từ trụ sở Quốc tế Cộng sản nơi Bác làm việc, Thư viện Lênin, nơi Bác thường đến đọc sách, nhà máy Bác đi thực tế công tác Đảng...

Địa điểm chúng tôi dừng lại lâu nhất là Kho lưu trữ lịch sử chính trị-xã hội quốc gia Nga ở nhà số 15, phố Bolshaya Dmitrovka tại trung tâm thủ đô Moscow. Tài liệu gắn liền với một phần tuổi trẻ hoạt động sôi nổi của Bác, cũng là một phần lịch sử cách mạng Việt Nam đang được lưu giữ tại đây. Chúng tôi dành phần lớn thời gian đọc tài liệu ở kho lưu trữ này. Nhờ chuyến đi năm 2004, cùng với hai cuốn sổ ghi chép, tôi cùng các đồng nghiệp nhanh chóng tiếp cận tài liệu. Thêm vào đó, nhờ việc các kho lưu trữ đổi mới cách khai thác tài liệu thuận lợi hơn, chúng tôi đã sưu tầm được hàng nghìn trang tài liệu có giá trị.

Thật xúc động khi lần đầu tiên được đọc những tài liệu, bút tích thư, báo cáo của Bác gửi Quốc tế Cộng sản; xem ảnh chân dung, giấy tờ liên quan như thẻ dự đại hội, bản khai lý lịch, thị thực nhập cảnh, hộ chiếu... Trong phông tài liệu Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại hội V, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, phông Quốc tế Nông dân..., tôi được đọc những trang bản thảo bài viết, văn kiện, báo cáo Bác viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung... với các màu mực khác nhau. Có báo cáo còn kèm bản đồ do Bác tự vẽ bằng mực đỏ, rõ ràng, sinh động hơn nhiều so với những trang tài liệu photo đen trắng chỗ đậm, chỗ nhạt.

Để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt là bức ảnh Bác trong trang phục áo dài, chụp khoảng năm 1933-1934. Trong ảnh, trông Bác rất gầy. Ảnh được lưu trong hồ sơ cá nhân của Người ở Phông tài liệu Quốc tế Cộng sản. Kích thước ảnh khá nhỏ, đã cũ: 13cm x 6,5cm. Sau bức ảnh ghi chữ: "Lin"-tên của Bác khi hoạt động ở Liên Xô. Một bức ảnh nhỏ nhưng quý giá vô cùng, ghi dấu một thời Bác hoạt động trong muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Lần đầu tiên nhìn bức ảnh, tôi lặng người, nước mắt chảy dài, tôi nhận ngay ra những tư trang Bác mang giống như những hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh do gia đình luật sư Loseby chuẩn bị cho Người cải trang rời Hồng Công năm 1933. Sau này, gia đình luật sư đã may tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh toàn bộ tư trang trên và bảo tàng đã trưng bày từ khi mở cửa.

Ngay sau khi đoàn trở về nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức họp báo giới thiệu những tài liệu mới sưu tầm. Bức ảnh công bố trong cuộc họp báo được các phóng viên rất chú ý. Và cũng ngay sau đó, bức ảnh Bác trong trang phục áo dài xuất hiện trên truyền hình. Lần đầu tiên đồng bào, đồng chí ta được thấy hình ảnh Bác kính yêu trong một trang phục cải trang đặc biệt. Qua đó, nhân dân ta càng hiểu thêm những khó khăn, nguy hiểm mà Người đã trải qua trong những năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài.

Hơn 30 năm làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, dù có nhiều lần đi sưu tầm tài liệu về Bác nhưng chuyến công tác nước Nga đối với tôi là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời. Tôi luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn Nga. Một số chuyên gia Nga đã giúp chúng tôi trong việc kết nối với các kho lưu trữ, còn cán bộ của bạn thì tạo điều kiện cho chúng tôi đọc và đặt sao chụp tài liệu một cách nhanh nhất, chất lượng tốt nhất. Nhờ sự giúp đỡ tận tình ấy, chúng tôi đã có một chuyến công tác thuận lợi, thu được kết quả thật mĩ mãn.

Kết quả của chuyến đi sưu tầm này đã bổ sung nhiều tài liệu cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng để chúng tôi cùng một số đồng nghiệp biên soạn cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga” (xuất bản năm 2013) nhân dịp kỷ niệm tròn 90 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến nước Nga (30-6-1923). Cuốn sách là một câu chuyện dài về những năm tháng hoạt động oanh liệt của Bác Hồ-một người yêu nước chân chính, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc và một “kiến trúc sư” vĩ đại của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay.

PHẠM THỊ LAI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nuoc-nga-trong-trai-tim-toi-nam-2020/hanh-trinh-theo-dau-chan-chu-tich-ho-chi-minh-tren-dat-nuoc-nga-643285