Hành trình thoát khỏi nhà tù phát xít Đức của 3 vị tướng Liên Xô

Những vị tướng này từ chối hợp tác với kẻ địch và trốn chạy về với đồng đội ngay khi có cơ hội đầu tiên. Tuy nhiên, có người đã không may mắn khi trở về.

Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), Liên Xô đã không chối bỏ bất kỳ quân nhân nào của mình từng bị Đức Quốc xã bắt làm tù binh. Nếu ai trở về được xác minh không phạm tội phản quốc và tự nguyện đầu hàng kẻ địch, thì người đó chắc chắn sẽ được xóa bỏ mọi cáo buộc, khôi phục quyền được khen thưởng và phong tặng danh hiệu, cũng như được trở lại quân ngũ.

Bên cạnh đó, cũng có một số binh lính và chỉ huy dù không tỏ ra hèn nhát và từ chối hợp tác với quân Đức, nhưng vẫn không thể thuyết phục được các cơ quan của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô tin rằng mình vô tội. Thông thường, những người này chỉ được minh oan sau nhiều năm kết thúc chiến tranh, khi họ không còn sống nữa.

Thiếu tướng Alexander Bondovsky

Nỗi khát khao được tự do của Thiếu tướng Alexander Bondovsky mạnh mẽ đến nỗi, ông đã hai lần khéo léo tìm cách thoát khỏi nhà tù của Đức Quốc xã. Vị chỉ huy này bị bắt lần đầu vào ngày 21-7-1941 tại Belarus, khi đang cùng với những binh sĩ còn lại của Sư đoàn bộ binh số 85 nỗ lực chọc thủng vòng vây của kẻ địch. Ông đã trốn thoát 5 ngày sau đó khi đang di chuyển cùng một đoàn tù binh.

Thiếu tướng Alexander Bondovsky

Thiếu tướng Alexander Bondovsky

Bondovsky đã mất 2 tháng để đến được vị trí đóng quân của các đơn vị Hồng quân Liên Xô. Rất may lúc đó đang là thời điểm quan trọng trong cuộc đối đầu Xô-Đức, nên ông được quay trở lại nhiệm vụ mà không cần phải làm các thủ tục không cần thiết. Tuy nhiên, đến ngày 21-10 cùng năm đó, khi vượt sông Desna ở miền Tây Ukraine, vị tướng này lại bị quân phát xít bắt làm tù binh. Rồi ông lại tiếp tục bỏ trốn ngay trong đêm hôm đó.

Ngày 24-12-1941, sau hành trình trốn chạy nhiều ngày đầy mệt mỏi, Thiếu tướng Alexander Bondovsky sang được phía Quân đội Liên Xô đóng tại làng Kryukovo ở ngoại ô Thủ đô Moscow. Lần này, bộ phận đặc biệt của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô đã xác minh lý lịch của ông rất kỹ trong 3 tháng, và kết quả là không có cáo buộc nào đưa ra đối với vị chỉ huy này. Mặc dù không được trở lại mặt trận chiến đấu, nhưng Alexander Bondovsky đã nhận làm công việc giảng dạy các lớp đào tạo cán bộ chỉ huy.

Cuối năm 1943, Thiếu tướng Alexander Bondovsky được điều động tham gia mặt trận và được bổ nhiệm làm chỉ huy Sư đoàn bộ binh số 324. Tuy nhiên, ông đã chiến đấu trong một thời gian không lâu. Tháng 2-1944, vị tướng này bị thương nặng và cụt mất một chân. Sau khi ra viện, ông trở lại giảng dạy và gắn bó với công việc này cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Thiếu tướng Pavel Sysoev

Tháng 7-1941, Thiếu tướng Pavel Sysoev, chỉ huy trưởng Quân đoàn bộ binh số 36 bị thương nặng và bị địch bắt ở ngoại ô thành phố Zhitomir, khu vực Tây Bắc Ukraine. Ông khai với quân phát xít Đức mình là binh nhì Peter Skirda, nhờ đó bọn chúng nhanh chóng không còn để mắt đến ông nữa.

Sysoev đã phải trải qua 6 trại tù binh khác nhau, trước khi ông cùng một nhóm đồng đội rất gian khổ mới có thể trốn thoát khỏi nhà tù ở Grubieszow (Ba Lan) vào tháng 8-1943. Vị tướng này đã đi xuyên qua toàn bộ lãnh thổ Ba Lan, nhưng tại Belarus thì chạm trán với một nhóm dân tộc chủ nghĩa thuộc quân nổi dậy Ukraine. Những người này nhầm tưởng Sysoev là nông dân Ukraine bình thường, nên ra sức vận động ông gia nhập hàng ngũ của mình.

Thiếu tướng Pavel Sysoev.

Thiếu tướng Pavel Sysoev.

Nhận thấy nhiều chiến binh thuộc quân nổi dậy Ukraine đang chiến đấu ở đây một cách miễn cưỡng, nên ông đã khôn khéo tuyên truyền để họ đi theo quân du kích Liên Xô. Kết quả là tháng 10-1943, Sysoev và 25 người từng theo chủ nghĩa dân tộc đã trốn sang Binh đoàn quân du kích Chernigov-Volyn do Thiếu tướng Alexei Fedorov làm chỉ huy. Tại đây, tướng Sysoev đã tiết lộ thân phận thực sự của mình.

Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô sau đó đã yêu cầu ngay lập tức đưa Thiếu tướng Pavel Sysoev về Moscow, nhưng ông đã đưa ra đề nghị cá nhân với chỉ huy Fedorov rằng: “Hãy cho tôi cơ hội được chiến đấu! Khi chiến tranh kết thúc, nếu tôi có sai phạm gì, thì tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm”.

Sau nhiều cân nhắc, chỉ huy Binh đoàn quân du kích đến gặp Pavel Sysoev rồi nhất quyết trả lời yêu cầu từ Bộ Tổng tham mưu rằng, hiện không có cách nào để đưa vị tướng này về hậu phương. Sau đó, Sysoev được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ chỉ huy cấp dưới và tham gia hoạch định các chiến dịch.

Tháng 4-1944, cuối cùng thì Thiếu tướng Pavel Sysoev cũng về thủ đô Moscow và bị bắt giữ tại đây. Cuộc điều tra vụ án của ông kéo dài hơn một năm rưỡi, cho đến khi ông được tuyên hoàn toàn trắng án vào tháng 12-1945. “Tại Moscow, các giấy tờ do đơn vị chúng tôi cấp cho Sysoev về toàn bộ những tình tiết ông ấy chuyển đến Binh đoàn quân du kích, cũng như lý lịch chiến đấu xuất sắc đã giúp khôi phục lại danh tiếng của một người có số phận gian truân. Pavel Sysoev đã được trả lại cả thẻ đảng và quân hàm cấp tướng”, Thiếu tướng Alexei Fedorov nhớ lại.

Thiếu tướng Nikolai Goltsev

Tuy nhiên, không phải ai trong các vị chỉ huy quân sự Liên Xô, khi thoát khỏi nhà tù phát xít Đức và trở về với đồng đội, cũng đều được may mắn như vậy. Thiếu tướng Nikolai Goltsev, chủ nhiệm Binh chủng tăng thiết giáp thuộc Tập đoàn quân số 18, lại có số phận không may mắn.

Thiếu tướng Nikolai Goltsev.

Thiếu tướng Nikolai Goltsev.

Goltsev rơi vào tay quân Đức ngày 15-8-1941, khi đang chiến đấu tại chiến trường Ukraine. Ngày 30-8, ông và một chỉ huy khác đã trốn thoát khi đang di chuyển cùng đoàn tù binh, sau đó đuổi kịp các đơn vị của Hồng quân Liên Xô đang rút lui.

Vị tướng này đã không được cho cơ hội quay trở lại mặt trận chiến đấu. Ngày 15-10 năm đó, ông bị bộ phận đặc biệt của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô bắt giữ với cáo buộc tự nguyện đầu hàng quân địch và nhanh chóng bị thẩm vấn.

Theo hồ sơ vụ án, tướng Nikolai Goltsev đã khai nhận hành vi phạm tội và bị kết án tử hình. Ngày 23-2-1942, ông bị thi hành án bằng hình thức xử bắn.

Sau khi chiến tranh kết thúc, trong quá trình nghiên cứu tài liệu lưu trữ của Đức, người ta xác minh được vị chỉ huy này của Liên Xô đã rất kiên cường và nhất quyết không chịu hợp tác với kẻ địch. Năm 1955, ông được minh oan và phục hồi danh dự.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/hanh-trinh-thoat-khoi-nha-tu-phat-xit-duc-cua-3-vi-tuong-lien-xo-674933