Hành trình tìm đường lối đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chính quyền cách mạng

Sự độc lập, tự chủ, chủ động, sáng tạo của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh dựa trên mạch nguồn chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với khát vọng 'ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành'. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã rút ra những lý giải sâu sắc, mới mẻ và mang tính đột phá trong cuộc hành trình tìm đường lối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu giành độc lập và tự do cho Nhân dân ta.

Vận mệnh dân tộc Việt Nam trao trọng trách lớn lao cho Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc

Từ cuối thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam suy vong, Lê Uy Mục và Lê Tương Dực cùng tầng lớp thống trị đặt chủ nghĩa cá nhân lên trên chủ nghĩa yêu nước, lãnh thổ Việt Nam bị chia cắt bởi nhà Mạc, Trịnh, Nguyễn, câu kết với quân Xiêm ở Đàng Trong và quân Thanh ở Đàng Ngoài mà vết trượt dài nhất là “Hiệp ước tương trợ tấn công và phòng thủ”, ký ngày 28/11/1787 giữa chúa Nguyễn Phúc Ánh và tư bản Pháp. Chế độ phong kiến thối nát ở Việt Nam đã không bị xóa bỏ mà được chủ nghĩa tư bản Pháp “bảo hộ” với sự hình thành chế độ áp bức bóc lột thực dân phong kiến bằng “chính sách chia để trị” và “chính sách ngu dân” của Pháp.

Có sự “bảo hộ” của thực dân Pháp, vương triều Nguyễn càng đề cao chủ nghĩa cá nhân, củng cố quyền lực tuyệt đối của nhà vua và nền quân chủ chuyên chế, thực hiện chế độ lao dịch hà khắc và bóc lột nặng nề, xây dựng lăng tẩm nguy nga bằng xương của lính và máu của dân, tiếp tục gây ra sự phá sản nghiêm trọng của nền kinh tế tiểu nông và sự phiêu tán của nông dân, sự xơ xác của bản làng và sự chết dần của nông dân trên những nẻo đường mòn đói khát, dẫn đến sự căm ghét và bất bình ngày càng dâng cao của nhân dân đối với chế độ thực dân phong kiến.

Trước hình thái áp bức bóc lột mới cực kỳ dã man và thâm độc của chế độ thực dân phong kiến, nhất là “chính sách chia để trị” và “chính sách ngu dân” của chúng, truyền thống đoàn kết thống nhất và ý thức dân tộc của nhân dân ta dần bị phá vỡ. Nhưng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dưới hình thức thực dân đế quốc với sự du nhập của trào lưu tư tưởng tư sản từ ngoài qua con đường Nhật Bản và con đường Trung Quốc cũng đã vào Việt Nam, đặc biệt qua con đường những nhà buôn Pháp và những người lính Pháp người Việt Nam biết những từ ngữ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã tập hợp nông dân để lật đổ chế độ phong kiến ở Pháp.

Mặc dù tư tưởng tư sản khi vào Việt Nam đã bị tước bỏ tính tích cực và cách mạng của nó, tác động mạnh đến tầng lớp trí thức Việt Nam và bộ phận sĩ phu yêu nước thương dân đã phân hóa theo hai xu hướng bạo động và cải cách mà tiêu biểu là hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Song, sự hạn chế và điều kiện lịch sử, phương pháp luận và nhân sinh quan đã chưa thể xuất hiện lãnh tụ chính trị để khơi dậy chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta bằng một đường lối cách mạng đúng đắn để phát huy được chủ nghĩa yêu nước và ý thức độc lập dân tộc trong cuộc đấu tranh “chống cả triều lẫn Tây”.

Trong nỗi đau chung ấy của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Tất Thành xót xa nhất trước tình cảnh thực dân Pháp thực hiện triệt để “chính sách ngu dân” hòng làm triệt tiêu các yếu tố Sĩ, Nông, Công, Thương của dân tộc Việt Nam vốn là động lực sinh tồn hợp thành của nền kinh tế - xã hội Việt Nam được hiểu ở hai giác độ ngành kinh tế và giai tầng mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã chỉ ra vai trò trụ cột của các yếu tố này bằng tư duy “tứ bất” là “phi Nông bất ổn, phi Công bất phú, phi Thương bất hoạt, phi Trí bất hưng”.

Nguyễn Tất Thành thấy rõ sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến và sự khủng hoảng đường lối chính trị cụ thể, sự hạn chế của cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh. Cụ Phan Bội Châu dựa vào đế quốc Nhật Bản để đánh đuổi thực dân Pháp thì khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau” và cụ Phan Chu Trinh dựa vào thực dân Pháp để lật đổ chế độ phong kiến thì khác gì “xin giặc rủ lòng thương”.

Vận mệnh dân tộc Việt Nam đã đặt cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh như một tiêu điểm giao thời và phát ngôn cho nhu cầu của lịch sử dân tộc phải phát triển theo một đường lối chính trị hoàn toàn mới hay nói cách truyền thống dân tộc là phát triển chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trên cơ sở một lý luận khoa học và cách mạng, đồng nghĩa trao trọng trách lớn lao cho Nguyễn Tất Thành phải thực hiện nhu cầu vĩ đại đó của dân tộc.

Sự lựa chọn lịch sử của Nguyễn Tất Thành “quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”

Ảnh minh họa - Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Ảnh minh họa - Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng và cũng là khoảnh khắc lịch sử ly biệt giữa Nguyễn Tất Thành và cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc đã diễn ra tại nhà cụ Phan Chu Trinh ở Cần Thơ ngày 26/2/1911. Nguyễn Tất Thành đã chủ động liên hệ tàu buôn của Pháp với mong muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Ở tuổi 21, Nguyễn Tất Thành chưa tự lý giải được câu hỏi lịch sử dân tộc Việt Nam đặt ra, nhưng tư duy, tầm nhìn và điều trăn trở của Người là “phải làm thế nào bây giờ?”1.

Tàu Letouche Tréville của Hãng Vận Tải Hợp Nhất của Pháp, do ông Louis Édouard Maisen làm tàu trưởng, đã nhận Nguyễn Tất Thành với bí danh Văn Ba, vào làm công nhân phụ bếp với mức lương 50 Franc/tháng bằng một phần ba mức lương của người hầu bàn, ngày 2/6/1911. Ngày 3/6/1911, Nguyễn Tất Thành, với chiếc thẻ nhân viên mang tên Văn Ba được trao, bắt đầu làm việc trên tàu Amiral Letouche Tréville và ngày 5/6/1911 rời Bến cảng Nhà Rồng với “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”2.

Tháng 10/1911, Nguyễn Tất Thành rời nước Pháp, đi vòng quanh châu Phi. Đến đâu ở Châu Phi, Nguyễn Tất Thành cũng thấy sự áp bức bóc lột dã man của thực dân Pháp, tạo nên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành sự đồng cảm sâu sắc đối với số phận của nhân dân các nước thuộc địa và liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận của người dân An Nam. Cũng như ở Đông Dương và An Nam, nhân dân các nước thuộc địa ở châu Phi cũng phải chịu cái “chính sách ngu dân” của thực dân Pháp với nhận xét khái quát rằng “Nông dân trong các nước thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột: vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước”3, “ở các thuộc địa Pháp, công nghệ và thương mại phát triển rất kém. Trong số 55.571.000 dân bản xứ thì có 95% là nông dân. Họ bị bóc lột hết sức thậm tệ”4.

Vượt qua Đại Tây Dương xuống Nam Mỹ, qua nhiều nước, đến Argentina và Hoa Kỳ ngày 15/12/1912. Đặt chân lên nước Mỹ tại thành phố New York, nán lại để tìm hiểu lịch sử và văn hóa, kinh tế và chính trị Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đồng thời tiếp tục học tiếng Anh và học nấu ăn, xin làm thuê ở quận Brooklyn và ở khách sạn Omni Parker với mức lương 40 USD/tháng. Lần đầu tiên, Nguyễn Tất Thành được thu hút và có ấn tượng mạnh mẽ bởi những tư tưởng bất hủ về quyền con người, trong đó có “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” của “Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776”.

Nhưng sau đó, Nguyễn Tất Thành thấy thất vọng khi thăm khu Harlem của người da đen và nghe các cuộc diễn thuyết của Marcus Garvey là một lãnh tụ da đen gốc Jâmaica (1887 - 1940), đặc biệt xúc động và gây ấn tượng nhất là tình cảnh người da đen bị phân biệt đối xử đã làm Người vô cùng căm phẫn và đã viết một loạt bài báo để tố cáo bộ mặt tàn bạo của tư sản Mỹ. Sự thật ấy đã đưa đến quyết định rời nước Mỹ vào đầu năm 1913, Người trở lại nước Pháp và Anh để tiếp tục tìm hiểu học hỏi những điều mà Nguyễn Tất Thành cho là “tinh hoa và tiến bộ” nung nấu khát vọng về giúp đồng bào đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do.

Trong gần 5 năm hoạt động tại Anh, Nguyễn Tất Thành luôn dậy làm việc từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa và dành thời gian buổi chiều từ 17 giờ đến 22 giờ khuya để học tiếng Anh giúp Người tự tin và tự chủ khi phát biểu tại các diễn đàn. Có một sự may mắn là không chỉ thấy và biết cuộc chiến tranh thế giới giữa các nước tư bản đế quốc diễn ra rất tàn khốc và vô nghĩa báo hiệu sự suy yếu của chúng như khi gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh ở Pháp cuối năm 1914, Nguyễn Tất Thành đã dự báo “số mệnh sẽ còn dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ thắng”, “trong ba hoặc bốn tháng tình hình châu Á sẽ có bước chuyển biến và sẽ có nhiều chuyển biến”5 mà còn biết và vô cùng vui mừng thấy cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 do V.I.Lênin vĩ đại lãnh đạo đã thắng lợi vẻ vang.

Trong thời gian này, Người không hay biết cảnh sát Pháp đã bắt giam hai nhà yêu nước Phan Chu Trinh và luật sư Phan Văn Trường vào tháng 9/1914 và được trả tự do vào tháng 7/1915 chỉ vì hoạt động của Hội người An Nam yêu nước được thành lập năm 1912 do luật sư Phan Văn Trường làm Chủ tịch và cũng không hề biết bài thơ “chọc trời khuấy nước tiếng đùng đùng” cùng nhiều bức thư Người gửi từ London cho cụ Phan Chu Trinh ở Paris với bút danh “Cuồng điệt Nguyễn Tất Thành” đã bị cảnh sát Pháp chặn và rơi vào tay chúng, chúng đang phối hợp với cảnh sát Anh theo dõi và giục cảnh sát Anh bắt Người. Căn hộ số 8, phố Stephen Tottenham Court Walk ở London bị chúng theo dõi, tuy nhiên khi cảnh sát Anh đột kích thì Nguyễn Tất Thành đã đi khỏi, hoàn toàn không có tông tích và đã trở lại Paris nước Pháp vào cuối tháng 12/1917.

Dù rất khó khăn và nguy hiểm, Ban đón tiếp người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp hết sức giúp đỡ Nguyễn Tất Thành có giấy tờ quân dịch hợp pháp và ẩn náu, Nguyễn Tất Thành đã rất cố gắng lao động làm thuê để kiếm sống và bắt liên lạc những người Việt Nam yêu nước tại Pháp với mong muốn tập hợp được “Nhóm những người yêu nước An Nam”. Cụ Phan Chu Trinh và luật sư Phan Văn Trường đang mong đợi, rất vui mừng khi Nguyễn Tất Thành đã trở lại Paris và hết sức giúp đỡ nhà yêu nước trẻ tuổi với sự thành lập “Nhóm những người yêu nước An Nam” gồm những người trung kiên nhất.

Lúc này, Nguyễn Tất Thành đã biết tới Chương trình 14 điểm về hòa bình toàn diện nổi tiếng của Tổng thống Mỹ Wilson được lấy làm cơ sở cho Hội nghị hòa bình thế giới họp tại Versailles, trong đó có điểm thứ 5 hứa sẽ “giữ thái độ hoàn toàn vô tư, thẳng thắn, đại lượng trong việc phân xử các cuộc tranh chấp trong khối thuộc địa với tinh thần tôn trọng nguyên tắc là việc xác định tất cả những vấn đề chủ quyền, quyền lợi của cư dân có liên quan phải tương xứng với những đòi hỏi chính xác của Chính phủ quốc gia đứng ra nhờ phán xét”, nên Người hy vọng và chờ đợi quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự. Vì vậy, Nguyễn Tất Thành đã soạn ra bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm, thuyết phục được hai nhà yêu nước Phan Chu Trinh và luật sư Phan Văn Trường có ý kiến đóng góp và được hai cụ cho rằng “sáng kiến lớn lao này là của anh, Nguyễn Tất Thành” nên anh Nguyễn Tất Thành “phải đứng tên dưới bản Yêu sách” và thống nhất “dùng một cái tên gì tiêu biểu cho nguyện vọng chung của nhân dân, nhưng phải tên một cá nhân thì tính chất pháp nhân của văn bản mới có giá trị”.

Vào sáng 18/6/1919, thay mặt “Nhóm những người yêu nước An Nam”, Nguyễn Tất Thành đã ký bản Yêu sách của nhân dân An Nam và ngay buổi chiều cùng ngày, đích thân Nguyễn Tất Thành với tên mới Nguyễn Ái Quốc đã chuyển văn kiện đặc biệt quan trọng này đến tận tay cho Ngài Giuyn Cămbông, Đại sứ Pháp tại Đức là thành viên của Đoàn đại biểu Cộng hòa Pháp dự Hội nghị hòa bình Versailles (24 - 28/6/1919) và các đoàn đại biểu khác cùng nhiều nghị sĩ Quốc hội Pháp.

Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, dù không được Hội nghị hòa bình Versailles đưa vào chương trình nghị sự và chấp nhận, thực sự là tác phẩm chính trị, tư tưởng cách mạng đầu tiên và cô đọng gắn liền với tên tuổi Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã được đăng trên báo toàn văn gồm 8 điểm và gửi cho các đại biểu dưới hình thức “bên lề” Hội nghị hòa bình Versailles, đã lan truyền rộng rãi trong nước Pháp và trên trường quốc tế. Tờ báo “Le courrier de Saigon” (“Tin tức Sài Gòn”) đã xem “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” của Nguyễn Ái Quốc như một “quả bom đặt giữa tất cả những người Pháp ở Đông Dương”.

Từ tiếng gọi thiêng liêng của vận mệnh dân tộc Việt Nam, cuộc thảo luận sâu sắc giữa ba nhà yêu nước Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành với bản Yêu sách của nhân dân An Nam gắn liền với sự đứng tên Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo một cách tinh tế và kịp thời. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam là một bước ngoặt to lớn, đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới, như một phát đại bác báo hiệu phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới và Việt Nam đã có lãnh tụ cách mạng của mình.

Tiến xa hơn, Nguyễn Ái Quốc trưởng thành hơn về mặt chính trị và quyết định thật sáng suốt là tham gia Đảng Xã hội Pháp bởi Đảng này đồng tình với Người và với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, dù Người chưa hiểu đảng và công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì? Tham gia Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc được làm quen và kết thân với nhiều người bạn, người đồng chí và nghị sĩ có tên tuổi, nhà lý luận chính trị và nhà báo nổi tiếng, được lắng nghe các cuộc thảo luận thế sự và chia sẻ thông tin có giá trị như cơ hội để Người biến Yêu sách của nhân dân An Nam thành hiện thực, củng cố can đảm và mở rộng tầm nhìn xa trông rộng của mình.

Theo dõi Nguyễn Ái Quốc phát truyền đơn in Yêu sách của nhân dân An Nam và nghe Người thuyết trình ở hội trường Hoóc-ti-quin-tơ tại Paris, viên mật thám Paul Arnou, giám đốc cơ quan đặc trách theo dõi những người Việt Nam, đã phải thốt lên dự báo: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”6. Lúc kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc “ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên” và “kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình”7.

Trong quá trình đó, có đồng chí Pháp đã nói với Nguyễn Ái Quốc rằng, vấn đề dân tộc là vấn đề cách mạng, vấn đề cách mạng là vấn đề quốc tế, vấn đề quốc tế là vấn đề công nhân, nên khuyên Nguyễn Ái Quốc phải đi với công nhân và phải hiểu lý luận và đưa cho Người một quyển “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” mà Người đã xem đi xem lại. Đặc biệt, có đồng chí người Pháp đã đưa cho Người đọc Luận cương của V.I.Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) số ra ngày 16 và 17/7/1920, Người vui mừng đến phát khóc lên bởi Luận cương đã giải đáp cho Người con đường đấu tranh giành độc lập tự do cho đồng bào mình, làm cho Người hoàn toàn tin theo V.I.Lênin và quyết định bỏ phiếu để Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế thứ ba - Quốc tế Cộng sản tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua từ ngày 25 đến ngày 30/12/1920.

Nguyễn Ái Quốc trở thành người đảng viên cộng sản đầu tiên của nhân dân Việt Nam và nhận sứ mệnh truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, khẳng định sự chuyển biến quyết định về tư tưởng và lập trường chính trị của Người từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam sang chủ nghĩa yêu nước mới với phương pháp luận và nhân sinh quan của chủ nghĩa Mác - Lênin. Với Luận cương của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc hiểu sâu sắc hơn lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học đã ra đời tháng 1/1848 mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được C. Mác và Ph.Ăngghen sáng lập, được V.I.Lênin bảo vệ kế thừa và phát triển sáng tạo.

Với sự nghiên cứu sâu sắc của các nước tư bản và các nước thuộc địa bằng ba cách tìm đường lối xây dựng nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nghiên cứu kỹ càng phong trào cách mạng ở các nước và lý luận Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ quan điểm lý luận chính trị của mình rằng: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”. Kết luận đó xuất phát từ những lý giải sâu sắc mang tính đột phá về nhận thức bởi cách tìm đường lối đại đoàn kết dân tộc vô cùng độc lập, tự chủ, sáng tạo của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc.

Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã rút ra những lý giải sâu sắc, mới mẻ và mang tính đột phá trong cuộc hành trình tìm đường lối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu giành độc lập và tự do cho Nhân dân ta

1. “Cộng hòa Pháp” thực hiện “chính sách ngu dân” với mưu đồ duy trì vĩnh viễn cảnh người An Nam trong thân phận người nông nô, bất bình đẳng và không tự tạo một vị trí kinh tế độc lập là kết luận mang tính đột phá đầu tiên vô cùng sâu sắc của Nguyễn Tất Thành trong cuộc hành trình tìm đường lối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu giành độc lập và tự do cho Nhân dân.

2. Nguyễn Tất Thành tuyên bố “bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời kỳ mình không thể có được” vì chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó, ở phương Đông, “khi chủ nghĩa tư bản phương Tây làm thay đổi phương Đông” và “vì sự phương Tây hóa ngày càng tăng” là nhận thức đột phá thứ hai thật mới mẻ, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, vượt trội, đầy dũng khí của Người.

3. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đứng tên Nguyễn Ái Quốc là bước ngoặt lịch sử lớn lao của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường bằng sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo một cách tinh tế với nhận thức đột phá thứ ba rằng dân tộc Việt Nam cùng các dân tộc thuộc địa muốn được giải phóng chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình, bắt đầu một giai đoạn mới cam go và gian nan của nhà yêu nước Nguyễn Tất Thành.

4. Nguyễn Ái Quốc rút ra tổng kết mang tính đột phá vô cùng đúng, chính xác và khoa học rằng, chủ nghĩa thực dân đế quốc là cội nguồn của mọi sự đau khổ, “là con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa”, “cách mạng tư bản là cách mạng chưa phải đến nơi”, và “nó dùng chữ Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến” để rồi “nó lại thay phong kiến mà áp bức dân”, “cách mạng Pháp cũng như cách mạng Mỹ, nghĩa là cách mạng tư bản, cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”.

5. Tiếp cận được Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của C. Mác và Ph.Ăngghen, đặc biệt được V.I.Lênin bảo vệ kế thừa và cụ thể hóa trong tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Nguyễn Ái Quốc vui mừng bởi Người đã được giải đáp rõ ràng về con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đế quốc để giành độc lập, tự do cho dân tộc bằng cách kết hợp phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản với phong trào yêu nước của Nhân dân mà lực lượng chủ đạo là giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính, đã tạo ra động lực mạnh mẽ dẫn đến quyết định chuyển biến về tư tưởng và lập trường chính trị của Người từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa Mác - Lênin và đưa chủ nghĩa yêu nước lên tầm cao mới với phát kiến vĩ đại xây dựng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

6. Thực hiện tôn chỉ, mục đích đoàn kết nhân dân các nước với nhau và đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa với nhân dân các nước thực dân đế quốc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung theo tư tưởng chiến lược của V.I.Lênin về phương pháp cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã quyết định thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và báo Người cùng khổ (Le Paria) như cây cầu nối liền Người với nhân dân các nước nhằm kết hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc với sức mạnh đoàn kết quốc tế thực sự là một đột phá có ý nghĩa to lớn.

7. Mong ước được gặp V.I.Lênin và sớm trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa ra đấu tranh giành tự do, độc lập, tỏ rõ sự đột phá tư duy về phương thức và phương pháp lãnh đạo ở mức hoàn chỉnh khoa học chính trị và trở thành “chiếc chìa khóa thần kỳ mở cửa thế giới” của Nguyễn Ái Quốc.

8. Tuyên bố chính thức đường lối “nhiệm vụ của quốc tế là phải tổ chức những nông dân bất hạnh lại, là cung cấp lãnh tụ cho họ, là chỉ ra cho họ con đường cách mạng và con đường giải phóng”9 của Nguyễn Ái Quốc và với sự tín nhiệm rất cao bầu vào Đoàn Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Nông dân tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (ngày 10 - 16/10/1923) ở Cung điện Andrâyépxki trong Cung điện Kremli, Moskva khẳng định sự đột phá mới vô cùng quan trọng của Người về nhận thức từ đoàn kết dân tộc đến đoàn kết quốc tế và trở thành một trong những lãnh tụ chính trị của phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc.

9. Nguyễn Ái Quốc chọn Quảng Đông, Quảng Châu, Trung Quốc, căn cứ địa cách mạng của Trung Quốc, làm địa điểm đưa chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng vào Việt Nam bằng cách tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngày 14/6/1925 và báo Thanh Niên ngày 21/6/1925, tự kiếm tiền mở các lớp đào tạo huấn luyện lý luận chính trị và “Đường cách mệnh” cho 75 học viên ưu tú của Việt Nam, là quyết định vô cùng sáng suốt, quan trọng đặc biệt và có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam.

10. Chuẩn bị kỹ càng về tư tưởng, chính trị, tổ chức theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và những bài học đã học được, thực tiễn “quả trứng” Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên “nở ra con chim non cộng sản (Đảng Cộng sản), “con chim ra đời, cái vỏ bị phá hủy gần hết do chính sách sai lầm của những người cộng sản” và “phần còn lại của nó chịu ảnh hưởng và chịu sự lãnh đạo của chúng tôi trong công tác vận động quần chúng” với niềm tin “mặc dù non trẻ và nhỏ bé”, “với chính sách đúng và sự thống nhất, chúng tôi có thể chắc chắn rằng Đảng Cộng sản sẽ tiến bộ nhanh chóng”, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản đã chủ trì Hội nghị thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 tại bán đảo Cửu Long (Trung Quốc) và thông qua Cương lĩnh tóm tắt đầu tiên của Đảng “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”10 đã tạo nên bước ngoặt lịch sử lớn lao nhất về sự xác lập việc hình thành hệ thống tư tưởng quan điểm lý luận toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam mà vấn đề gốc cốt lõi là Đại đoàn kết toàn dân tộc.

11. Trong bối cảnh Quốc tế Cộng sản nhấn mạnh hơn khẩu hiệu “giai cấp chống giai cấp” và coi cách mạng giải phóng dân tộc chỉ hỗ trợ cho cách mạng vô sản ở chính quốc, vừa thoát khỏi án tử khi Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát thuộc địa Vương Quốc Anh tại Hồng Kông bắt giam từ ngày 6/6/1931 đến ngày 22/1/1933 và đang vừa học tại trường Đảng cao cấp Mác - Lênin ở Moskva, vừa rời Liên Xô trở lại Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc luôn tự tin, kiên định, kiên trì, nhẫn nại, khôn khéo lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng thực hiện đúng Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và phương pháp cách mạng, coi trọng tập hợp mọi tầng lớp nhân dân yêu nước và lãnh đạo quần chúng nông dân đấu tranh cách mạng bằng việc Người liên tục có “Thư từ Trung Quốc”, thể hiện bản lĩnh kiên cường và lòng trung thành với Tổ quốc và trung hiếu với Nhân dân Việt Nam của Người.

12. Với tầm nhìn xa trông rộng và phân tích đúng đắn cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định trở về Tổ quốc của mình ngày 28/1/1941 sau 30 năm rời Bến cảng Nhà Rồng và nơi ở làm việc của Người là ở Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ ngày 10 - 19/5/1941) xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc và đánh đuổi Pháp - Nhật, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh (đại biểu cho sự đoàn kết 5 lớp nhân dân Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh) làm lá cờ toàn quốc, tỏ rõ sự quyết đoán kịp thời và tạo nên bước ngoặt hành động lịch sử của dân tộc.

Trong thời cơ mới, Hồng quân Liên Xô tiến quân như vũ bão tới sào huyệt Berlin ngày 2/5/1945, phát xít Hitler bị tiêu diệt tận hang ổ và đầu hàng vô điều kiện vào ngày 9/5/1945, đang tiến quân tấn công tiêu diệt đạo quân Quan Đông gồm hơn một triệu quân tinh nhuệ nhất của phát xít Nhật đóng ở Đông Bắc (Trung Quốc) và chỉ trong một thời gian ngắn, đạo quân này đã bị đánh bại hoàn toàn, tạo ra cơ hội có một không hai cho cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân châu Á và nhân dân Việt Nam cùng nhân dân thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pác Bó đã về Tân Trào để chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho cuộc Tổng khởi nghĩa, triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc từ ngày 13 - 15/8/1945 và yêu cầu các đại biểu mang lệnh Tổng khởi nghĩa khẩn trương về các địa phương, kịp thời phát động quần chúng nhân dân nhất tề đứng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai.

Tổ chức Quốc dân Đại hội Tân Trào (ngày 16/8/1945) gồm hơn 60 đại biểu cả Bắc - Trung - Nam quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca “Tiến quân ca” và Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng năm cánh, nhiệt liệt đoàn kết nhất trí với 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh và quyết tâm thực hiện thắng lợi Lời kêu gọi “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”11; huy động được sức mạnh đông đảo của công, nông cùng các tầng lớp nhân dân, lấy lực lượng chính trị quần chúng làm cơ bản, có lực lượng vũ trang và bán vũ trang làm nòng cốt, tiến hành mít tinh ở Nhà hát lớn Hà Nội và từ đó tuần hành thị uy, chiếm lấy các cơ quan trọng yếu của ngụy quyền trong nội thành Hà Nội, làm tê liệt hàng vạn quân phát xít Nhật, đưa cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi hoàn toàn vào ngày 19/8/1945 và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định luôn thành lập ngay lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Các cuộc khởi nghĩa liên tiếp giành thắng lợi ở Huế ngày 23/8/1945, Sài Gòn ngày 25/8/1945, Sơn La ngày 26/8/1945, Hà Tiên ngày 28/8/1945. Chiều ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do, độc lập” nên “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”12.

Sự trịnh trọng tuyên bố với thế giới ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đột phá tổng hợp nhất, đồng bộ nhất, toàn diện nhất, cách mạng triệt để nhất của Người từ ngày 5/6/1911 đến ngày 2/9/1945 - Ngày Quốc khánh Độc lập, Ngày Tết Độc lập, Ngày Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Ngày bày tỏ ý chí Đại đoàn kết dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng và niềm tin tất thắng. Sự lựa chọn cách vượt biển đi ra nước ngoài và đi tới phương Tây bằng khảo sát các nước tư bản đế quốc và các nước thuộc địa, cách làm công nhân trên tàu buôn của Pháp và cách theo tàu đi vòng quanh thế giới, cách tự học viết, học đọc tiếng nước ngoài và giao tiếp thành thạo 8 thứ tiếng (Trung Quốc, Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Nga, Đức), đặt chân lên đất của hơn 30 nước, vượt qua ba đại dương, bốn châu lục, trở thành một trong những nhà hoạt động chính trị - xã hội đi nhiều nhất, có vốn hiểu biết sâu sắc nhất về thực tế các nước tư bản đế quốc và các nước thuộc địa, gần gũi người dân lao động và thương cảm người dân nghèo khổ nhất, có ý chí mạnh mẽ nhất và nghị lực phi thường nhất đã đưa Nguyễn Tất Thành trở thành Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh ĐẠI NHÂN, ĐẠI TRÍ, ĐẠI DŨNG, ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta và non sông, đất nước ta.

Tư duy thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam theo Tuyên ngôn Độc lập và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thực hiện phương châm tác chiến “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc chỉ đạo tác chiến đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, đánh nơi địch sơ hở, buộc địch phải phân tán lực lượng, bảo toàn lực lượng của ta, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích. Quân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến dịch của Pháp tấn công Việt Bắc từ ngày 7/10/1947 đến ngày 22/12/1947 với 3.300 tên địch bị tiêu diệt, 3.900 tên địch bị thương, 270 tên địch bị bắt sống, 16 máy bay bị bắn rơi, 11 tàu chiến bị bắn hạ, 255 xe cơ giới bị phá hủy, hàng nghìn khẩu súng bị thu giữ, chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch bị phá tan và buộc chúng sa lầy vào “chiến lược chiến tranh nhân dân trường kỳ kháng chiến”.

Quyết định Tổng phản công và đập tan kế hoạch Rơve của địch bằng mở màn Chiến dịch Biên giới ngày 16/9/1950 mang mật danh Chiến dịch Lê Hồng Phong II tấn công bất ngờ trận địa Pháp ở Đông Khê, Thất Khê và Cao Bằng, hơn 1.000 tên địch bị tiêu diệt và 8.300 tên địch bị bắt sống, 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh bị thu giữ, minh chứng cho sức mạnh của đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự trưởng thành vượt bậc về tư duy lý luận và hành động lãnh đạo chỉ huy chiến tranh nhân dân, phương pháp luận kháng chiến đi đôi với kiến quốc và đánh đi đôi với đàm, kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân và chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy trong trừ diệt lực lượng của địch dù ở thế thủ hay thế công.

Tạo được thế và lực mở các Chiến dịch Trung du, đường 18, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” từ ngày 13/3/1954 đến ngày toàn thắng 7/5/1954 với 16.200 tên địch bị tiêu diệt và bắt sống tướng Đờ-Cát-xtơ-ri, đập tan kết hoạch H. Na-va và ý chí xâm lược của thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Chú thích:

1,3,4,5,9. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 1, tr. 461, 225, 226, 4, 228.

2,12. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 187, 3.

6. Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, H. 1999, tr. 80.

7. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 561-562.

8. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 296.

10, 11. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 1, 596.

MAI BẮC MỸ - Tiến sĩ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội,

Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/hanh-trinh-tim-duong-loi-dai-doan-ket-dan-toc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-trong-dau-tranh-gianh-doc-lap-dan-toc-va-xay-dung-chinh-quyen-cach-mang-58816.html