Hành trình tìm lại cuộc đời của một doanh nhân từng nghiện ma túy
Lê Trung Tuấn (SN 1977) - Chủ tịch Hội đồng quản lý và là người sáng lập Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD; thành viên sáng lập Liên hiệp các tổ chức Điều trị Nghiện Thế giới ICARO với 48 quốc gia thành viên. Là nhà nghiên cứu khoa học, được trao tặng bằng tiến sỹ và xác nhận kỷ lục thế giới…
Đây là những thông tin đáng kinh ngạc về doanh nhân Lê Trung Tuấn trên những trang tìm kiếm lớn nhất mà bất cứ ai cũng có thể đọc được ở thời điểm hiện tại. Ít ai biết rằng, những thành công đáng khâm phục của anh được xây dựng bằng quyết tâm và nghị lực vượt bậc trên một quá khứ lỗi lầm, nghiện ngập…
6 năm chết đi sống lại vì ma túy
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, lại hiếm con ở thị trấn Hòa Mạc (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), từ nhỏ Lê Trung Tuấn đã thông minh, sang láng nên được cả gia đình đặt nhiều kỳ vọng.
Tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh (nay là Trường Đại học Tài chính). Lần đầu tiên xa vòng tay của bố mẹ, không ai quản lý và kèm cặp nên Tuấn đã giao du với đám bạn xấu dùng thử ma túy rồi mắc nghiện.
Ma túy khiến anh trượt dài trong lầm lỗi: Bỏ học, bỏ nhà đến sống tại xóm bụi Thanh Nhàn hành nghề đòi nợ thuê, vận chuyển ma túy… Tuấn nhắm mắt làm cả những điều phạm pháp miễn sao có tiền để chích hút.
Tuấn đã từng 6 – 7 lần cai nghiện ma túy nhưng đều không thành công dù phải dùng đến những biện pháp cực đoan nhất. Đến khi cuộc sống gia đình riêng với người vợ đầu tan vỡ, trong cơn tuyệt vọng, Tuấn chọn cách tự tử bằng cách tiêm trực tiếp ma túy vào tĩnh mạch.
Hậu quả là anh sốc thuốc bất tỉnh suốt 7 giờ, cả nhà đau khổ lo hậu sự vì nghĩ anh đã chết. Nhưng đúng lúc đó Tuấn tỉnh dậy và đòi uống nước. Đó là ngày định mệnh 23 tháng 2 năm 2001, sau 6 năm chìm trong sự cám dỗ của cái chết trắng, Tuấn đã không còn cảm giác thèm ma túy nữa.
Làm lại đời mình và giúp đời người
Ngày trở lại đó, anh làm đủ thứ nghề để kiếm sống, bằng sự thông minh và nhanh nhẹn vốn có, chẳng mấy chốc Lê Trung Tuấn đã thành công. Khi mọi thứ đã trở nên ổn định, anh quyết định phải làm gì đó để giúp đỡ những người nghiện và trả nợ những ân tình mà anh đã nhận được để làm lại cuộc đời.
Bắt đầu cho chuỗi hành động đó là việc anh viết viết tự truyện “Nẻo về” (xuất bản năm 2013), kể lại quãng đời đầy rẫy 'vết nhơ' của mình cùng ý chí vươn lên, hành trình thoát khỏi ma túy để mong ai đó đọc được chiêm nghiệm và thay đổi cuộc đời.
Tiếp đó, anh đi sâu vào nghiên cứu tâm lý của người nghiện và tìm hiểu tại sao người nghiện vẫn tái nghiện với mục đích cứu giúp những cuộc đời khác. Năm 2010, anh tình cờ tìm thấy một tờ báo cũ, nội dung của tờ báo nói về tâm lý người nghiện từ một Viện Nghiên cứu tâm lý của Nga.
Sau khi tìm đọc tất cả các thông tin mà Viện này đưa ra, anh vô cùng sửng sốt vì tất cả đều giống với tâm lý của anh lúc nghiện. Đó là những tài liệu quý giá mà ở Việt Nam anh chưa từng được tiếp cận. Anh đã lập tức mời một nữ tiến sĩ thuộc Viện đó sang Việt Nam để trao đổi thông tin.
Sau đó, Tuấn có được công trình cai nghiện gồm 3 giai đoạn và mời nhóm khoa học Nga sang Việt Nam để nghe anh trình bày về đề tài của mình. Thấy được tiềm năng của đề tài, nhóm khoa học người Nga đã giúp đỡ anh nhiệt tình. Phải mất thêm 2 năm Lê Trung Tuấn mới hoàn thiện công trình nghiên cứu một cách toàn diện.
Công trình nghiên cứu của anh đã được các nhà khoa học Nga mua lại với giá 1 triệu đô và đưa anh vào viện nghiên cứu của Nga, làm thành viên chính thức. Sau đó, anh đã báo cáo đề tài với một lãnh đạo cấp cao và vị này động viên cứ tự làm, Nhà nước sẽ hỗ trợ hết sức. Nhờ lời động viên đó, Tuấn quyết định thành lập Hội đồng khoa học để bảo vệ công trình này nhưng các giáo sư, tiến sĩ được đề nghị tham gia lại từ chối. Họ nói “không hợp tác với thằng nghiện”.
Không nản chí, anh ra sức thuyết phục và nhận được sự gật đầu tham gia của một vài giáo sư. Bước đầu anh tiến hành cai nghiện cho 100 học viên, chia thành nhiều nhóm, một số nhóm khi đó bỏ cuộc giữa chừng, số còn lại cai nghiện thành công tới 60%. Giai đoạn 2, anh tăng số lượng học viên lên vài trăm người và tỷ lệ cai nghiện thành công là 80%. Bằng những con số cụ thể anh đã khiến các nhà nghiên cứu tâm phục và hỗ trợ anh trong công cuộc chiến đấu với ma túy.
Sự khác biệt của phương pháp cai nghiện do Lê Trung Tuấn nghiên cứu so với các phương pháp được sử dụng lâu nay ở Việt Nam đó chính là xây dựng tập trung vào các liệu pháp tâm lý, nhằm giúp người nghiện loại bỏ ham muốn sử dụng ma túy.
Theo anh, phương pháp cai nghiện phải giải quyết được 3 yếu tố đó là: y tế, tâm lý và xã hội. Giai đoạn một - y tế là việc cắt cơn, phục hồi sức khỏe. Giai đoạn thứ 2, vấn đề tâm lý, đây là việc cần phải xử lý triệt để bởi chính nó là nguồn cơn có thể khiến người nghiện tái sử dụng ma túy.
Sau khi giải quyết xong vấn đề tâm lý phải giải quyết được các vấn đề cuối cùng thuộc chức năng xã hội. Người nghiện một thời gian dài họ sẽ quen với những cái gì thuộc khuôn mẫu nghiện đó là mua bán, sử dụng ma túy… Vì đã là khuôn mẫu nên nó rất khó để phá vỡ.
Do đó, việc bẻ gãy những khuôn mẫu đó giúp con nghiện phục hồi, quay trở lại cuộc sống bình thường đòi hỏi phải có một phương pháp bài bản và đúng thực tế. Và phương pháp điều trị cai nghiện của Lê Trung Tuấn đã giải quyết được tổng thể cả 3 vấn đề này.
Ngày 31/12/2013, Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ cai nghiện cho người nghiện (PSD) đã được thành lập để giúp đỡ những cuộc đời lầm lạc cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Đây là trung tâm đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý của người nghiện ma túy tại Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở việc giúp những người nghiện từ bỏ được ma túy, PSD còn giúp họ hòa nhập, tránh việc tái nghiện. Anh thực hiện điều này bằng cách tìm kiếm, liên kết với rất nhiều doanh nghiệp để họ nhận học viên sau khi cai nghiện vào làm việc. Bản thân anh cũng lập ra hàng chục doanh nghiệp để các học viên sau cai có chỗ làm việc.
Hiện tại, Công ty Về nguồn được Lê Trung Tuấn thành lập năm 2009, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, đến nay đã hình thành Tập đoàn PSD với 8 công ty thành viên. Các công ty này hoạt động đa lĩnh vực: du lịch, vận tải, thủy sản, xây dựng, phát triển thương hiệu, văn hóa tâm linh… Trong hệ thống các công ty của PSD hiện có hơn 100 người cai nghiện thành công có việc làm và ổn định cuộc sống. Có rất nhiều người đang là cán bộ, quản lý tại các doanh nghiệp của PSD Group.
Hàng năm, hệ thống doanh nghiệp của PSD group cam kết trích từ 35% - 50% lợi nhuận cho công tác nghiên cứu phương pháp và hoạt động phòng chống ma túy, trong đó có hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Ngoài ra, bản thân Lê Trung Tuấn cũng là một người tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, tài trợ cho các chương trình phòng chống ma túy với số tiền hàng trăm tỷ đồng.