Hành trình tìm vaccine ngừa Covid-19: 'Lạc quan nhưng cần thực tế'

Giới chuyên gia y tế cho rằng, lạc quan nhưng cũng cần có cái nhìn thực tế về việc có thể sớm tìm ra loại vaccine ngừa virus gây nên dịch Covid-19.

Các tập đoàn dược phẩm, trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới đang trong cuộc chạy đua phát triển cả phương pháp điều trị và vaccine đối với virus SARS-CoV-2. Nhà sản xuất dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ hôm nay (17/3) ký một thỏa thuận với công ty BioNTech SE của Đức để hợp tác phát triển một loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Cơ sở phát triển loại vaccine này sẽ dựa công nghệ mRNA của BioNtech.

Giới chuyên gia y tế cho rằng, lạc quan nhưng cũng cần có cái nhìn thực tế về việc có thể sớm tìm ra loại vaccine ngừa virus gây nên dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia y tế cho rằng, lạc quan nhưng cũng cần có cái nhìn thực tế về việc có thể sớm tìm ra loại vaccine ngừa virus gây nên dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Bio Ntech hôm 16/3 cũng ký một thỏa thuận hợp tác với tập đoàn dược phẩm Thượng Hải Fosyn về vấn đề bản quyền tại Trung Quốc đối với các loại vaccine virus SARS-CoV-2 thử nghiệm, với khả năng thử nghiệm trên người vào cuối tháng 4 tới.

Theo tờ Globalnews, có khoảng 20 ứng cử viên vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đang được các viện nghiên cứu và công ty dược phẩm phát triển. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, tại Trung Quốc có hơn 80 thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, với việc các nhà nghiên cứu đang xem xét mọi biện pháp, từ việc sử dụng thuốc điều trị HIV cho đến các dược phẩm truyền thống.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua đánh giá cao nỗ lực của các nước trong : “Tôi đánh giá cao phản ứng của các nước đối phó với Covid19. Ở giai đoạn đầu có một chút lo ngại. Tuy nhiên chúng ta đang gần tiến đến mức đầu tư tài chính theo yêu cầu. Tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ. Bước đi của Mỹ là thực sự quan trọng và hi vọng sẽ có thêm nhiều quốc gia đóng góp”.

Với sự hậu thuẫn chính trị, tài chính vững chắc, vấn đề thời gian sẽ quyết định yếu tố ai là người chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm vaccine cho loại virus nguy hiểm này. Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) hôm qua thông báo tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng chống virus corona chủng mới trên người ở thành phố Seattle của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Anthony Fauci- Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, mặc dù vaccine là một ưu tiên y tế khẩn cấp nhưng nước Mỹ khó có thể sở hữu vaccine này trong vòng 1 năm nữa.

12 tháng đến 18 tháng cũng là thời gian mà nhiều chuyên gia y tế quốc tế cho rằng mới có thể tìm ra vaccine ngừa Covid-19. Ông David Kelvin - Chuyên gia trường Đại học Dalhousie tại Canada cho rằng, mục tiêu thực tế đó là vaccine sẽ chỉ có sau 18 tháng tới. Có khả năng sớm hơn nhưng khó xảy ra, vì một loại vaccine thường mất nhiều năm để phát triển. Mặc dù nghiên cứu vaccine phòng virus SARS-CoV-2 có lợi thế hơn, đó là cấu trúc và bộ gen của virus rất giống với virus gây ra căn bệnh SARS. Điều này cho phép các nhà khoa học rút kinh nghiệm từ việc nghiên cứu các ứng cử viên vaccine cho virus SARS trong 17 năm qua.

Giáo sư trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London tại Anh Annelies Wilder-Smith cho rằng, giống như các loại vaccine khắc, sẽ không sẵn sàng trước 18 tháng nữa. Đây đã là cái nhìn khá lạc quan khi không tính đến bất kỳ trở ngại nào. Theo ông Annelies Wilder-Smith, dịch Covid 19 có thể đạt đỉnh dịch và giảm trước khi vaccine được sử dụng trên thị trường.

Tuy nhiên, việc tìm ra loại vaccine này vẫn vô cùng quan trọng để cứu sống nhiều người, khi virus này có thể trở thành một loại cúm mùa hàng năm. Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm mới này cũng nhận định, không nên quá kỳ vọng vào vaccine sẽ có trong ngắn hạn. Thay vào đó cần phải biết tự bảo vệ mình trước loại virus này, với lời khuyên mà ông cho là “ quy tắc vàng” đó là “cần rửa tay thường xuyên”./.

Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hanh-trinh-tim-vaccine-ngua-covid19-lac-quan-nhung-can-thuc-te-1023266.vov