Hành trình 'Trao niềm tin - Nhận giá trị'

Cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo, tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực để phát triển nâng cao thu nhập cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, trong đó có giải pháp về tín dụng chính sách xã hội.

Tín dụng chính sách xã hội giúp người nghèo đổi đời, thay đổi tư duy.

Tín dụng chính sách xã hội giúp người nghèo đổi đời, thay đổi tư duy.

Cố gắng vươn lên

Nhớ lại những ngày tháng khó khăn trước đây, chị Trương Thị Lệ, sinh năm 1970, thôn Quán Thẻ 3, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vẫn không giấu được nỗi xúc động khi một mình nuôi 4 con nhỏ, nhà cửa không có, ăn thì bữa đói bữa no...

“Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền, Hội Nông dân xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận tôi không có cơ hội để tự hào nói với mọi người rằng gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”, chị Lệ nói.

Được biết, năm 2009, gia đình chị Lệ vay vốn chương trình hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 20 triệu đồng để chăn nuôi heo. Việc chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi, khi heo lớn xuất chuồng thì trả nợ cho Ngân hàng và sau khi cải tạo lại chuồng trại lại tiếp tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư.

Nhưng do chỉ có một mình làm việc nuôi con, nên chị Lệ chỉ dám vay mỗi đợt là 20 triệu đồng để đầu tư vào con giống. Mặc dù chăn nuôi heo rất hiệu quả, nhưng số tiền lời cũng không đủ trang trải cuộc sống, nên ngoài chăn nuôi heo ra, để có tiền nuôi 4 con đang tuổi ăn học, chị Lệ không ngại khó, ngại khổ, ai thuê gì làm nấy, làm cả ngày lẫn đêm, chỉ mong sao có đủ tiền lo cho các con ăn học.

“Rồi các con lần lượt bước chân vào đại học, đứa lớn chưa kịp ra trường thì đứa nhỏ lại thi đậu vào đại học, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Nhà có miếng đất để ở, nhưng cũng không có sổ để mang đi thế chấp vay vốn Ngân hàng, còn bán đi thì 5 mẹ con sẽ ở đâu. Nhiều lần thấy mẹ vất vả quá các con cứ đòi nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Những lúc như thế này, tôi phải động viên các con cố gắng học tập sau này còn có công việc làm ổn định để nuôi mẹ”, chị Lệ kể lại.

Sau đó chị Lệ được biết đến chính sách vay vốn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Không những một mà cả bốn người con được tạo điều kiện vay vốn. Cụ thể, người con đầu tiên vay 40 triệu đồng, người thứ hai vay 33 triệu đồng, người thứ ba vay 44 triệu đồng và người con cuối cùng vay 32 triệu đồng.

Theo đó, tổng số tiền gia đình chị Lệ nợ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 170 triệu đồng, nhưng chưa dừng lại ở đó, năm 2017, người con thứ ba ra trường, lại xin đi xuất khẩu lao động.

“Một lần nữa chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội lại dang tay ra với mẹ con tôi mà không đòi hỏi bất cứ một điều gì ngoài một chữ “Tin”. Ngày giải ngân cho tôi 100 triệu đồng vốn vay đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, cô bé cán bộ tín dụng nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi ‘Con tin cô nên cô đừng để cho con khổ’”, Chị Lê kể lại.

Với niềm tin của mọi người, đến năm 2018, gia đình chị Lệ đã chính thức thoát nghèo và số tiền nợ tại Ngân hàng đã trả được gần hết. Không những vậy, chị Lệ còn xây được nhà cửa khang trang và 4 người con đã có công việc ổn định.

“Tôi muốn nhắn nhủ với tất cả các hộ nghèo như tôi rằng, dù chúng ta có nghèo khổ như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng phải luôn cố gắng vươn lên vì xung quanh chúng ta luôn có những cánh tay sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia với hoàn cảnh của chúng ta. Hãy tin rằng mọi sự cố gắng sẽ luôn được đền đáp và đến một ngày nào đó chúng ta sẽ nhận được quả ngọt”, chị Lệ nói.

Cuộc sống không ngừng được cải thiện

Câu chuyện tương tự với chị Giàng Thị Bào, địa chỉ Thôn Nà Tạ, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Vốn là một hộ gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào ít đất ruộng, các con đang còn tuổi ăn, tuổi học, chồng là lao động tự do, công việc và thu nhập không ổn định nên thời điểm năm 2015, gia đình chị Bào thuộc diện hộ cận nghèo.

Hai vợ chồng luôn trăn trở làm thế nào để vươn lên bằng chính đôi tay của mình, nhưng một phần không tự tin vào phương án làm ăn, một phần do không có vốn nên đời sống, thu nhập của gia đình vẫn không được cải thiện dù có rất nhiều cố gắng.

Vợ chồng anh Lù Seo Khờ ở xã Tả Ngài Chồ chăm sóc vườn cam từ vốn vay chính sách.

Vợ chồng anh Lù Seo Khờ ở xã Tả Ngài Chồ chăm sóc vườn cam từ vốn vay chính sách.

Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo và nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Hội Cựu chiến binh xã Thượng Giáo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Bể đã đem đến cho gia đình sự tự tin trong lựa chọn mô hình phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống.

Với kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gia súc được tiếp nhận qua lớp tập huấn do UBND xã, Hội Cựu chiến binh xã Thượng Giáo, phòng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Bể phối hợp tổ chức, từ nguồn vốn 50 triệu được giải ngân, gia đình đã đầu tư mua 3 con bò giống sinh sản và đặt quyết tâm phải chăn nuôi thật tốt. Với việc chí thú làm ăn, kinh tế của gia đình từ đó cũng từng bước được cải thiện, đến năm 2018 gia đình đã vượt ra khỏi diện hộ cận nghèo.

Kết quả thu được càng tiếp thêm động lực cho hai vợ chồng và từ năm 2018, hai vợ chồng xây dựng mở rộng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi, có thời điểm, lượng gia súc của gia đình lên tới 50 con trâu, bò nuôi vỗ béo.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhờ đầu tư đúng hướng, tính trung bình, mỗi năm gia đình chị Bào có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Gia đình đã có điều kiện xây nhà, đầu tư cho các con học tập tốt hơn, đời sống của gia đình không ngừng được cải thiện.

“Khu vực chuồng trại chăn nuôi được xây dựng kiên cố, rộng rãi và sạch sẽ hơn, tạo tiền đề để mô hình chăn nuôi của gia đình ngày càng phát triển”, chị Bào vui vẻ cho biết.

Những thành quả trên cho thấy, tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác.

Theo đó, hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước.

Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, người nghèo và các đối tượng chính sách khác tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, làm quen với dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Từng bước nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và đối tượng chính sách khác không ngừng được cải thiện, giúp họ thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Được biết, trong gần 22 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ hơn 6,7 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 7 triệu lao động (trong đó hơn 153.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Hỗ trợ hơn 3,9 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 90.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, xây dựng hơn 19 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hơn 730.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 47.000 căn nhà ở xã hội. Gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động...

Tất cả những nỗ lực trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

Minh Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hanh-trinh-trao-niem-tin-nhan-gia-tri-post347411.html