Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Vẻ đẹp đất và người Sầm Nưa
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến mảnh đất Sầm Nưa - trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Hủa Phăn (Lào) là bầu không khí trong lành, bình yên. Khí hậu ở Sầm Nưa nói riêng và tỉnh Hủa Phăn nói chung có chút khác biệt so với các tỉnh khác của Lào, đó chính là thời tiết dễ chịu, mát mẻ quanh năm. Con người Sầm Nưa thì nhẹ nhàng, thân thiện. Dù xa lạ, nhưng lần đầu tiên gặp gỡ, câu đầu tiên là Xabaidi (xin chào - PV) kèm theo động tác chắp hai tay trước ngực một cách lịch sự.
Video: Vẻ đẹp đất và người Sầm Nưa.
Cách thành phố Thanh Hóa hơn 300 km về phía Tây là thị xã Sầm Nưa - trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Thị xã bé nhỏ và bình dị này nằm yên bình trong thung lũng Sầm Nưa, được bao bọc xung quanh bởi núi, đồi.
Vì nằm gọn trong thung lũng nên thời tiết ở Sầm Nưa rất dễ chịu và có chút khác biệt so với các vùng khác. Khí hậu mát mẻ, se lạnh từ chiều tối đến sáng sớm hôm sau. Ở Sầm Nưa thường có những cơn mưa bất chợt vào cuối giờ chiều.
Tháp ngọc ở trung tâm thị xã Sầm Nưa - là biểu tượng của tỉnh Hủa Phăn.
Thị xã Sầm Nưa bình yên và bé nhỏ. Mọi người rất có ý thức tham gia giao thông, xe cộ đi lại chậm rãi và nhường đường. Toàn thị xã chỉ có 2 điểm đặt đèn tín hiệu giao thông và gần như không có tiếng còi xe inh ỏi.
Những khách sạn, nhà nghỉ ở Sầm Nưa được xây dựng theo phong cách riêng, bài trí đơn giản. Ở Sầm Nưa, ngành nghề chủ yếu của người dân là kinh doanh, buôn bán, làm nông nghiệp và làm việc trong các đơn vị hành chính, cơ quan nhà nước.
Sầm Nưa có những ngôi chùa được trang trí đẹp mắt, nổi tiếng là chùa Ống Tư - ngôi chùa linh thiêng được người dân nơi đây thường xuyên đến chiêm bái, vãn cảnh.
Không chỉ có không khí thiên trong lành, cảnh sắc hoang sơ tuyệt đẹp, Sầm Nưa còn có một nền ẩm thực độc đáo mang đậm nét văn hóa người bản địa.
Những con người Sầm Nưa thân thiện mến khách, khi thưởng thức món ăn khách hàng được phục vụ rất chu đáo.
Xôi được nấu từ nếp Kaynoi nổi tiếng của Hủa Phăn. Lúa nếp được trồng trên nương nên dính và nhuyễn, màu trắng ngà rất đẹp mắt, thơm ngon. Đây là món ăn hàng ngày của người Lào. Trong các bữa tiệc, bữa cơm gia đình, người Lào thường ăn xôi. Ngày nay, nhiều gia đình đã có thói quen ăn cơm nhưng không nhiều.
Khi nhắc tới ẩm thực thì không thể không nhắc đến món lạp. Đây là món ăn phổ biến, được làm với ý nghĩa như sự chúc phúc của gia chủ gửi tới khách quý. Nguyên liệu làm món ăn này có thể dùng thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt… trộn với gia vị như nước cốt chanh, ớt, các loại rau thơm, tất cả cùng hòa quyện tạo nên mùi thơm cực kỳ hấp dẫn. Vị chua của nước cốt chanh, vị cay của ớt, vị thơm của gia vị… đưa đến cho người ăn một cảm giác khó quên.
Tới Sầm Nưa không khó để tìm các quán ăn bán món phở. Phở Lào có nhiều khác biệt với món phở Việt. Đầu tiên phải kể đến hương vị, phở Lào không có mùi quế, hồi… mà chỉ dùng nước ninh xương để khách cho gia vị tùy ý.
Phở Lào sợi bé, khi ăn ngoài húng quế, xà lách, thì không thể thiếu được đậu đũa tươi được cắt thành khúc, để thực khách chấm cùng đồ chấm riêng làm từ lạc giã nhuyễn và nước cốt dừa.
Ngoài nổi tiếng với các đặc sản gạo nếp Kaynoi, ở đây còn có món chẻo Pà Bậm - một loại nước chấm được làm từ cá cùng các loại gia vị như ớt .
Đến với Sầm Nưa, chúng tôi còn được đến thăm các gia đình gắn bó với nghề dệt vải. Phụ nữ ở Sầm Nưa ngoài thời gian đi làm, họ tranh thủ dệt vải để làm nên những chiếc váy mang bản sắc văn hóa, nét đặc trưng của dân tộc, đất nước Lào. Những ngày ở Sầm Nưa đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm khó quên với mảnh đất và con người nơi đây: Thân thiện, mến khách và thiên nhiên lý tưởng. Đó là yếu tố quan trọng góp phần thu hút du khách khi đến với Sầm Nưa.