Hành trình triệt phá nhóm 'lâm tặc' tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

Tháng 3/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) nhận được tin báo Đội tuần tra lưu động số 1, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà phát hiện hai vụ khai thác gỗ trái pháp luật quy mô lớn, xảy ra tại tiểu khu 91 và 124, xã Đạ Chais.

Xác định đây là vụ khai thác gỗ rừng tự nhiên có tổ chức chuyên nghiệp, gây thiệt hại tới tài nguyên rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, lãnh đạo Công an huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ khẩn trương phối hợp với Hạt kiểm lâm, VKSND cùng cấp và Công an xã Đạ Chais tiến hành khám nghiệm hiện trường làm căn cứ khởi tố vụ án.

Điều tra viên dẫn giải các đối tượng tới hiện trường để phục vụ công tác điều tra.

Điều tra viên dẫn giải các đối tượng tới hiện trường để phục vụ công tác điều tra.

Tại tiểu khu 91, xã Đạ Chais, cơ quan chức năng phát hiện 8 cây gỗ bạch tùng (thông nàng) có đường kính trung bình từ 57 - 75cm đã bị lâm tặc cưa hạ, khối lượng gỗ thiệt hại 26,2m3. Phần lớn gỗ cưa hạ từ 8 cây bạch tùng này đã bị các đối tượng đưa đi khỏi hiện trường, chỉ còn lại hơn 5,5m3. Vị trí này thuộc rừng phòng hộ tự nhiên.

Tại tiểu khu 124, xã Đạ Chais, lực lượng chức năng phát hiện 10 cây gỗ (trong đó 9 cây gỗ hồng tùng và 1 cây gỗ trâm vỏ đỏ) có đường kính trung bình từ 29 - 57cm bị lâm tặc cưa hạ nhằm mục đích khai thác gỗ. Khối lượng lâm sản thiệt hại 18,5m3, trong đó lâm sản còn lại tại hiện trường 4,9m3, thuộc đối tượng rừng đặc dụng tự nhiên, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. Khu vực lâm tặc khai thác gỗ nằm gần vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Dương đã ra quyết định khởi tố 2 vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Theo nhận định của cơ quan Công an, nhiều khả năng sau khi cưa hạ, khai thác gỗ, số lâm sản này được các đối tượng vận chuyển về hướng địa phận tỉnh Khánh Hòa theo quốc lộ 27C để tiêu thụ. Trong thời gian dài, cơ quan Công an đã sàng lọc, mời gọi nhiều đối tượng nghi vấn lên làm việc nhưng manh mối về nhóm lâm tặc đã gây ra hai vụ khai thác gỗ trên vẫn chưa hé lộ.

Cũng trong thời gian này, lực lượng kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) trong lúc đi tuần đã phát hiện 16 hộp gỗ tại khu vực chân đèo Khánh Lê, thuộc xã Thái Sơn, huyện Khánh Vĩnh nên đã báo cho Công an huyện Lạc Dương. Chủng loại gỗ lực lượng chức năng thu giữ được ở ven đường trùng khớp với chủng loại gỗ đã bị lâm tặc khai thác tại rừng tự nhiên, rừng đặc dụng thuộc xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Từ đây, đầu mối về đối tượng cầm đầu hai vụ khai thác gỗ trái pháp luật tại Lâm Đồng dần hé lộ.

Công an huyện Lạc Dương đã phối hợp với Công an huyện Khánh Vĩnh triệu tập đối tượng Phạm Tấn Sĩ (SN 1965, thường trú phường 8, TP Đà Lạt, hiện ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) lên làm việc. Ban đầu, đối tượng này một mực khẳng định không liên quan tới hai vụ phá rừng tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà quản lý.

Tuy nhiên, với những chứng cứ lực lượng Công an đã thu thập được, buộc đối tượng này phải thừa nhận là kẻ chủ mưu, đã liên hệ và thuê một nhóm người ngụ tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, do Hà Phượng cầm đầu tìm gỗ hồng tùng, bạch tùng khai thác theo chủng loại, quy cách rồi bán lại cho đối tượng. Mỗi mét khối gỗ được Sĩ thỏa thuận mua lại của nhóm Hà Phượng với giá từ 8-12 triệu đồng. Khai thác được từ 14-19 hộp gỗ các đối tượng sẽ báo cho Sĩ đưa xe ôtô lên vận chuyển về Khánh Hòa tiêu thụ.

Sau khi nhận “đặt hàng” khai thác gỗ trái phép để bán cho Phạm Tấn Sĩ, Hà Phượng đã liên hệ với một số đối tượng, trong đó có Hà Đanh (SN 1990), Kon Sa Ha Đa (SN 1992), Cil Ha Thuyên (SN 2000)… vào rừng tìm gỗ bạch tùng và hồng tùng để khai thác. Nhóm của Hà Phượng khai thác lâm sản trái phép, bán lại cho Phạm Tấn Sĩ được 6 chuyến gỗ, trong đó 5 chuyến đã được Sĩ vận chuyển thành công và bán cho người có nhu cầu. Đến chuyến thứ 6, khi Sĩ vận chuyển gỗ từ huyện Lạc Dương đến khu vực chân đèo Khánh Lê, thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh thì nghe thông tin có lực lượng kiểm lâm tuần tra nên đối tượng đã đổ toàn bộ số gỗ trên xe (16 hộp gỗ) xuống ven đường rồi lái xe trốn thoát.

Từ lời khai của Phạm Tấn Sĩ, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Dương đã triệu tập làm việc với 12 đối tượng tại xã Đạ Chais do Hà Phượng cầm đầu. Các đối tượng đều khai nhận tham gia khai thác, giúp sức, vận chuyển gỗ trái pháp luật tại tiểu khu 91 và 124, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương để bán cho Phạm Tấn Sĩ. Đấu tranh mở rộng, Công an huyện Lạc Dương còn xác định thêm 8 đối tượng khác liên quan đến hành vi khai thác lâm sản trái phép tại 2 khu vực trên, trong đó có 5 đối tượng ở xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương và 3 đối tượng ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Cơ quan Công an đã thu giữ 3 máy cưa xăng, 6 xe máy, 2 dây kéo gỗ, 1 đĩa đựng dây, 8 đèn pin đội đầu của nhóm Hà Phượng phục vụ cho việc khai thác gỗ trái phép và xe ôtô loại xe đông lạnh do Phạm Tấn Sĩ dùng để vận chuyển gỗ. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Dương đã khởi tố 12 bị can, bắt tạm giam 6 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 6 bị can còn lại để phục vụ công tác điều tra.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/lan-theo-dau-vet-toi-pham/hanh-trinh-triet-pha-nhom-lam-tac-tai-vuon-quoc-gia-bidoup--nui-ba-i693864/