Hành trình trở lại Việt Nam tìm lại bình yên của những cựu binh Mỹ
Năm mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, một nhóm cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam trong một chuyến đi kéo dài hai tuần bằng xe buýt. Họ từng đến đây với tư cách là những người lính, nhưng lần này, họ trở lại tìm sự kết nối và thấu hiểu.

Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam Craige Edgerton sau hồi tưởng. Ảnh: Linh Phạm / DER SPIEGEL
Trở lại Việt Nam sau đúng nửa thế kỷ, trong suốt hành trình xuyên Việt, họ tới thăm nghĩa trang, trại trẻ mồ côi, gặp gỡ người dân địa phương và cựu binh Việt Nam, với mong muốn hướng đến sự hòa giải và cảm thông.
Craige Edgerton, 78 tuổi, từng là trung úy chỉ huy khẩu đội pháo binh năm 1969. Dù không trực tiếp cầm súng, ông vẫn luôn trăn trở với những gì đã trải qua. Khi xe buýt đưa đoàn đi qua cầu Long Biên, ông lặng lẽ nhìn lá cờ Mỹ tung bay bên cạnh cờ Việt Nam và cảm nhận một sự thay đổi sâu sắc. Trong xe, Chuck Searcy – cựu binh và hiện là nhà hoạt động xã hội – cầm micro chào đoàn: “Chào mừng trở lại Việt Nam. Mọi người sẽ bất ngờ vì sự thân thiện của nơi này.”

Craige Edgerton, 23 tuổi, tại căn cứ hỗ trợ hỏa lực của mình vào năm 1969.
Chuck Searcy trở lại Việt Nam từ đầu thập niên 1990 và quyết định ở lại. Ông đạp xe khắp Hà Nội, hỗ trợ các cựu chiến binh Việt Nam lắp chân tay giả, và từng góp phần thúc đẩy Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000. Từ chỗ từng dè chừng khi quay lại, giờ ông xem Việt Nam là quê hương thứ hai.
Ông đứng đầu một nhóm tổ chức các chuyến đi trở lại Việt Nam, nơi những người từng tham gia chiến tranh có cơ hội kết nối lại với mảnh đất này. Mỗi người tham gia sẽ đóng góp khoảng 1.000 USD, số tiền được dùng để hỗ trợ các tổ chức chăm sóc trẻ mồ côi, bệnh viện và nạn nhân chất độc da cam. Tính đến nay, các chuyến đi này đã quyên góp được hơn 230.000 USD, có năm họ quyên góp kỷ lục hơn 30.000 USD – một con số thể hiện sự cam kết lâu dài và chân thành từ phía các cựu binh.
Một số người trở lại Việt Nam lần thứ hai, thứ ba, thậm chí có người đã đến hàng chục lần. Mỗi chuyến đi là một hành trình cá nhân – không chỉ để nhìn lại quá khứ, mà còn để hướng đến hiện tại và tương lai. “Tôi cảm thấy mình đang làm một điều đúng,” một cựu binh chia sẻ. “Tôi không thể thay đổi những gì đã xảy ra, nhưng tôi có thể tạo ra một điều tích cực từ chính nó.”

Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam Chuck Searcy với một người đàn ông bị thương do bom chùm Ảnh: Linh Phạm / DER SPIEGEL
Tìm kiếm sự tha thứ và thấu hiểu
Cựu binh Edgerton từng trải qua nhiều năm sống trong cảm giác không thể gọi tên. Mỗi khi bất chợt nghe tiếng máy bay hay âm thanh lớn, ký ức cũ lại hiện về trong ông. Gần 50 năm sau ngày xuất ngũ, ông được chẩn đoán mắc chứng căng thẳng hậu sang chấn (PTSD).
Khi đến thăm một ngôi nhà ở miền Trung, nơi có một thanh niên bị khuyết tật từ nhỏ, Edgerton bước vào và nhẹ nhàng nắm lấy tay người này. Một khoảnh khắc yên lặng trôi qua, rồi ông vội vàng bước ra ngoài, ngồi xuống bức tường thấp và thở dài. “Giống như một điều gì đó trong tôi đã được gột rửa,” ông nói. Với ông, đó là khoảnh khắc chữa lành quan trọng nhất trong chuyến đi.
Khi còn trẻ, Edgerton được nuôi dạy trong Giáo hội Công giáo với những nguyên tắc đạo đức rõ ràng. Gia nhập quân đội, ông tin mình đang bảo vệ đất nước. Nhưng nhiều năm sau, khi xem lại các tài liệu lịch sử, ông nhận ra chiến dịch này sớm bị đánh giá là không có kết quả, dù vẫn tiếp tục triển khai lực lượng và sử dụng nhiều biện pháp quân sự.
Ông hỏi: “Các bạn đã từng nghe về cụm từ 'tổn thương đạo đức' chưa?” – khái niệm mô tả cảm giác khi ai đó phải làm điều đi ngược lại giá trị đạo đức cá nhân. Theo ông, đó là điều nhiều người lính đã trải qua mà không thể gọi tên.
Theo Bộ Cựu chiến binh Mỹ, khoảng 15% trong số 2,7 triệu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam được chẩn đoán mắc PTSD vào năm 1983. Hơn 58.000 người đã không qua khỏi trong thời gian chiến sự, và theo nhiều thống kê, khoảng 22.000 người khác đã tự kết thúc cuộc đời sau khi trở về nước.
Nhiều người sống sót phải đối mặt với các triệu chứng kéo dài như mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm. Họ cảm thấy bị lạc lõng giữa xã hội quê nhà, nơi không phải ai cũng hiểu được những gì họ đã trải qua. Một số người tìm được lối thoát thông qua hội nhóm hỗ trợ, nhưng cũng không ít người lựa chọn sống khép kín.
Chiến tranh để lại hậu quả không chỉ với người dân địa phương mà còn với chính các cựu binh Mỹ. Nhiều người mang theo những ký ức khó nguôi ngoai, không chỉ vì trải nghiệm cá nhân mà còn vì cảm giác mất phương hướng khi trở về quê nhà.

Đoàn du lịch tham dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam hy sinh tại nghĩa trang Trường Sơn Ảnh: Linh Phạm / DER SPIEGEL
Sự thay đổi đến từ lòng bao dung
Trong một cuộc gặp gỡ với các đại diện Việt Nam, Edgerton chia sẻ sự ngạc nhiên về sự thân thiện và bao dung mà ông nhận được. Một người trong đoàn nói: “Người Việt hiểu nhiều binh sĩ chỉ làm theo lệnh.”
Ngồi trên xe buýt, ông nhìn qua cửa kính – một người phụ nữ đẩy xe chở đầy thanh long, chuối. Ông tự hỏi: Phải chăng sự bao dung đến từ văn hóa, tôn giáo, hay từ việc người dân nơi đây đã bước qua nhiều thử thách để giữ gìn cuộc sống và giờ chỉ muốn hướng đến những điều tốt đẹp?
Khi xe buýt đi qua những quả đồi phủ đầy cây xanh, Edgerton chỉ tay: “Đó là Fuller – nơi tôi từng ở.” Một nơi ông từng đóng quân, từng làm nhiệm vụ, giờ đã hoàn toàn đổi khác, được phủ xanh bởi thiên nhiên. “Chúng ta đi thôi” ông nói, khép lại hành trình bằng một câu nhẹ nhàng, nhưng đầy suy ngẫm.