Hành trình trở thành thầy giáo của chàng trai nghèo Khmer
Hơn 15 năm gắn bó với nghề, thầy Danh Lực còn nhớ như in cảm xúc không nói nên lời khi nhận được tin đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang.
Không từ bỏ ước mơ
Thầy Danh Lực (32 tuổi, người dân tộc Khmer, giáo viên Trường Tiểu học Bàn Tân Định, tỉnh Kiên Giang) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 6 anh chị em. Để nuôi gần chục miệng ăn trong nhà, bố mẹ Lực đã phải làm nhiều nghề.
Cuộc sống khó khăn, 5 anh chị em trên Lực phải nghỉ học từ sớm. Trong gia đình, Lực là thành viên duy nhất được đi học đầy đủ.
Lực chia sẻ: “Để vượt lên cuộc sống quá khó khăn, tôi quyết tâm phải học thật tốt để trở thành một thầy giáo”.
Để thực hiện ước mơ, Lực không ngại khó khăn, vất vả ngày đêm học tập. Những năm học phổ thông, mặc cho trời mưa gió nam sinh vẫn kiên trì dậy sớm lội suối, băng rừng hơn 20km để kịp giờ vào lớp.
Hằng ngày ngoài những buổi lên lớp, Lực còn phụ bố mẹ chăm lo đồng áng, cuối tuần vào rừng đốn củi, cắt dây mây để bán kiếm thêm thu nhập.
Năm 2006, Danh Lực hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong lúc chờ kết quả, mẹ mất vì bệnh hiểm nghèo. Trải qua sự mất mát lớn, nam sinh người dân tộc Khmer đã tạm gác ước mơ trở thành thầy giáo đi làm công nhân giúp bố trang trải cuộc sống.
Đi làm được một thời gian, Lực nhận được tin mình đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang và giành học bổng toàn phần. “Biết tin, tôi cứ ngỡ đó là giấc mơ”, Lực trải lòng
Năm 2008 tốt nghiệp cao đẳng, thầy Lực về công tác tại Trường TH và THCS Mỹ Thái (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Lúc mới về, thầy Lực đã xung phong đến điểm trường bản Kênh Tám Rưỡi giảng dạy. Điểm trường này cách trường chính 7km, đường núi đi lại khó khăn, chủ yếu là người dân thiểu số Khmer sinh sống.
Vì lớp học xuống cấp, thầy Lực đã vận động người dân dùng gỗ, tre, tranh để dựng lại tránh mưa dột. Những ngày nghỉ không về nhà, thầy tranh thủ gia cố lại kiến thức cho học sinh yếu, hướng dẫn các em về kỹ năng sống, cách bảo vệ bản thân và truyền tải những giá trị của con chữ để các em biết ước mơ, không bỏ học giữa chừng.
Cũng chính bởi sự thân thiện đó, hai năm gắn bó tại điểm trường, học sinh và người dân ở bản Kênh Tám Rưỡi đã xem thầy lực như người dân trong bản, mỗi khi thu hoạch ngô, khoai, sắn phụ huynh luôn dành một ít để biếu thầy làm lương thực.
“Người dân ở đây họ nghèo, thứ quý giá họ có chính là củ sắn, khoai hay bắp ngô, những món quà nhỏ này giúp tôi nguôi bớt nỗi nhớ nhà. Tôi càng trân trọng tình cảm mà học sinh, người dân nơi đây dành cho mình”, thầy Lực nói.
Năm 2011, thầy được chuyển công tác về Trường Tiểu học Bàn Tân Định, tỉnh Kiên Giang cho đến bây giờ.
Quyết tâm gắn bó với nghề
Ra trường với mức lương khởi điểm hơn 1 triệu đồng, không đủ để trang trải cuộc sống nhưng thầy Lực chưa từng nghĩ sẽ bỏ nghề. Thầy Lực luôn cố gắng giảng dạy, truyền cảm hứng cho học sinh nghèo đến với con chữ bằng các câu chuyện về tấm gương nghị lực vượt khó để vươn lên, hướng các em đến những ước mơ cho tương lai.
Thầy Lực tâm sự: “Học sinh nghèo các em đi học rất vất vả, nếu đến trường không có sự động viên, hỗ trợ của thầy cô nhiều em sẽ đứt gánh giữa đường. Trước đây, tôi cũng vậy, không có sự động viên của thầy cô chắc mình không có ngày hôm nay”.
Nhờ sự tâm huyết của thầy Lực, nhiều học sinh gia đình nghèo đã nỗ lực vươn lên, phần vì không muốn phụ công lao của thầy, phần vì muốn học hành để có tương lai tươi sáng hơn.
Công tác cùng thầy Lực hơn 5 năm, cô Lê Tuyết Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bàn Tân Định chia sẻ: “Thầy Lực là một giáo viên năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc được giao. Bên cạnh hoạt động giảng dạy, thầy Lực luôn tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ học sinh nghèo. Quá trình công tác, thầy Lực luôn cổ vũ tinh thần cho học sinh nỗ lực học tập, cùng học trò tham gia các cuộc thi và giành được giải thưởng”.