Hành trình trở thành tỉnh công nghiệp phát triển

Với các chính sách linh hoạt, hiệu quả trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp DN), các ngành công nghiệp của tỉnh không ngừng phát triển theo chiều sâu, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Các khu công nghiệp xanh, sạch dần hình thành và giữ vai trò quan trọng kết nối hệ thống đô thị, dịch vụ của tỉnh. Với định hướng phát triển đúng đắn, xuyên suốt, Vĩnh Phúc đang tiến dần tới đích trở thành tỉnh công nghiệp phát triển của cả nước.

Các KCN xanh, sạch với hạ tầng đồng bộ hiện đại đang tạo ra nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển. Ảnh: Khánh Linh

Các KCN xanh, sạch với hạ tầng đồng bộ hiện đại đang tạo ra nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển. Ảnh: Khánh Linh

Quay trở lại thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc có xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, thu ngân sách chưa đến 100 tỷ đồng, phải nhận trợ cấp từ Trung ương. Quyết tâm vượt lên khó khăn, kiên định với mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa hành động bằng những quyết sách đột phá, sáng tạo.

Các chính sách như Nghị quyết số 04/2013, của Tỉnh ủy về phát triển DN nhỏ và vừa; Nghị quyết số 57/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 39/2017 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 23/2019 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT tỉnh Vĩnh Phúc… đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các DN trên địa bàn tỉnh phát triển.

Trong hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), tỉnh luôn có những chính sách linh hoạt trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thích ứng với từng thời điểm và chủ động đón đầu làn sóng đầu tư từ các quốc gia phát triển, thông qua các hội thảo, hội nghị, kênh truyền thông, tận dụng mọi cơ hội giới thiệu quảng bá hình ảnh, lợi thế, tiềm năng của Vĩnh Phúc đến với bạn bè quốc tế.

Hình ảnh của một tỉnh công nghiệp giàu sức trẻ, năng động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành đã phần nào thuyết phục những nhà đầu tư khó tính nhất.

Tháng 11/2020, trong Hội thảo xúc tiến đầu tư các DN Hàn Quốc do UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế của Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, thông điệp “Điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng” được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, xuyên suốt hội nghị, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng DN.

Với tinh thần cầu thị, Vĩnh Phúc đã nỗ lực bảo vệ sức khỏe người dân trước đại dịch Covid-19 và hỗ trợ cộng đồng DN hoạt động sản xuất kinh doanh SXKD hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Tổng Quản lý Ban Quan hệ, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, một trong số KCN dẫn đầu trong thu hút đầu tư vốn FDI trên địa bàn tỉnh chia sẻ: Hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, Vĩnh Phúc luôn là một chốt chặn an toàn với dịch bệnh.

Nhờ đó, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc có những thuận lợi trong hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư. Hết năm 2021, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút được 32 dự án, trong đó 26 dự án FDI với tổng số vốn 732 triệu USD và 6 dự án DDI với số vốn hơn 1.100 tỷ đồng.

Hiện 15 dự án đã đi vào hoạt động SXKD, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Năm tới, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp sạch, phù hợp với định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh doanh hạ tầng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 8/19 KCN đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.200 dự án, trong đó có 426 dự án FDI với tổng số vốn đạt 7,1 tỷ USD.

Trọng tâm là các ngành cơ khí chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử, có kim ngạch xuất khẩu lớn, thân thiện với môi trường, đem lại nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp qua từng năm tăng trưởng ở mức 2 con số so với cùng kỳ. Quy mô giá trị tăng thêm theo giá hiện hành năm 2021 ước đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997 là 1,96 nghìn tỷ đồng).

GRDP bình quân đầu người liên tục tăng, vượt mức bình quân của cả nước. Ước năm 2021, GRDP bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với GRDP bình quân đầu người năm 1997 (năm 1997: 2,18 triệu đồng/người).

Với một môi trường đầu tư tiềm năng và an toàn, nhiều DN đã biến nguy thành cơ, tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong 2 năm 2020 - 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, xong Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, KCN Bình Xuyên (Bình Xuyên) đã có những bước phát triển đột phá, ấn tượng, vươn lên trở thành nhà máy sản xuất lớn nhất của Tập đoàn Piaggio trên toàn thế giới.

Nhiều năm liền môi trường làm việc tại Piaggio Việt Nam được vinh danh và nhận giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á” do HR Asia- tạp chí hàng đầu về nhân sự khu vực châu Á tổ chức và bầu chọn.

Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp.

Đồng thời, tập trung thu hút các ngành công nghiệp sạch, xây dựng thêm nhiều KCN xanh, có hạ tầng đồng bộ hiện đại tạo tiền đề cho công nghiệp 4.0 phát triển, tạo ra nhiều nguồn lực đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chu Kiều

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71806/hanh-trinh-tro-thanh-tinh-cong-nghiep-phat-trien.html