Hành trình từ đổi mới đến đột phá

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc. Trên chặng đường 95 năm qua, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo toàn dân trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi từ những đổi mới đến những đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển hùng cường.

Đổi mới, sáng tạo từ cội nguồn cách mạng

Nhắc đến đổi mới, chúng ta thường nghĩ đến Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986). Dễ hiểu bởi đó là dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam với việc quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng tư duy đổi mới, sáng tạo mang tính đột phá của Đảng luôn xuyên suốt ngay từ khi thành lập Đảng.

Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện thực tế Việt Nam khi nêu bật tinh thần: “Tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, đoàn kết tập hợp mọi lực lượng để chống đế quốc và tay sai. Nhiệm vụ giành độc lập, giải phóng Nhân dân khỏi ách áp bức của thực dân được coi là nhiệm vụ có ý nghĩa cấp bách, sống còn, được đặt trước nhiệm vụ đấu tranh giai cấp. Trong cuộc đấu tranh này, Đảng cần tập hợp được khối lực lượng đông đảo nhất, huy động được sức mạnh đoàn kết to lớn nhất mới giành được thắng lợi”.

Trong giai đoạn kháng chiến, lịch sử đặt ra yêu cầu Đảng ta phải có một đường lối chiến lược cách mạng đúng đắn để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên phù hợp với tình hình mới và xu thế vận động của thời đại. Đường lối thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền thể hiện ý chí độc lập thống nhất của cả dân tộc Việt Nam, là điều đột phá, chưa có tiền lệ, bất chấp âm mưu chia cắt, những toan tính của các thế lực khác đằng sau cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là ngay từ kỷ nguyên thứ nhất - kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975), khởi đầu từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, sau đó là những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tư duy đổi mới, sáng tạo đã là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Đảng, giúp định hướng con đường cách mạng đúng đắn, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Từ đổi mới đến kỷ nguyên vươn mình đột phá

Tư duy đổi mới được phản ánh sâu sắc trong kỷ nguyên thứ hai - kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975 - 2025), mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; sau đó, cả nước đã tiến hành công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực. Mục tiêu chiến lược đặt ra yêu cầu lịch sử phải đổi mới toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế.

Đường lối đổi mới được đưa ra tại Đại hội VI của Đảng trước hết là đổi mới về tư duy nhận thức và tư tưởng, lý luận. Đảng ta nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trọng tâm của đổi mới lúc đó là phải thoát ra khỏi thể chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp; từng bước tiếp cận và đi vào kinh tế thị trường; tìm cách thoát khỏi bao vây, cấm vận, thực hiện mở cửa và hội nhập quốc tế. Có thể thấy hai vấn đề là trọng tâm của công cuộc đổi mới bấy giờ là “thể chế” và “kinh tế - xã hội”. Đây không chỉ là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn là nền tảng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Kế thừa tinh thần đổi mới, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đặt nhiệm vụ đổi mới “thể chế” và “kinh tế - xã hội” làm trọng tâm. Thậm chí thể chế chính là “đột phá của đột phá”.

“Thể chế” và “kinh tế - xã hội” là yếu tố cốt lõi để tiến hành đồng thời, thắng lợi “đột phá kép”. Một mặt, đi thẳng lên hiện đại, vào những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số; vào quản trị quốc gia hiện đại trên nền tảng chính phủ số, xã hội số, tạo sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mặt khác, những “điểm nghẽn”, những yếu kém, hạn chế, những khó khăn đang kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước cần được giải quyết triệt để.

Trong buổi trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” ngày 25/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ “điểm nghẽn”, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là ưu tiên cao nhất. Tập trung xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất. Khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển đổi số. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Một vấn đề mới trong kỷ nguyên vươn mình, đó là đột phá trong huy động, sử dụng tối ưu các nguồn lực. Để Việt Nam đột phá đi thẳng vào hiện đại, chúng ta cần có một đội ngũ nhân lực hùng hậu, vừa đủ về số lượng, vừa đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của kỷ nguyên số. Đặc biệt, nguồn nhân lực này cần được đào tạo bài bản, chuyên sâu, phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, sánh vai các cường quốc trên thế giới.

Để làm được điều đó, chúng ta cần huy động, khơi dậy mọi nguồn lực, động lực, sức sáng tạo; khai thác, sử dụng mọi tiềm năng còn tiềm ẩn, mọi cơ hội, lợi thế của đất nước, của từng tổ chức đảng, đảng viên, từng cấp, từng ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từng người dân Việt Nam. Hơn khi nào hết, chúng ta cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, “dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.

Trải qua 95 năm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ vai trò lãnh đạo sáng suốt, dẫn dắt dân tộc vượt qua muôn vàn thử thách để giành độc lập, xây dựng đất nước và đổi mới toàn diện. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn đổi mới, sáng tạo, đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân và hội nhập với thế giới.

Ngày hôm nay, trên chặng đường vươn mình để có những đột phá mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục chung sức đồng lòng, phát huy trí tuệ, bản lĩnh dân tộc để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững. Hành trình từ đổi mới đến đột phá là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, lòng tin tưởng và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.

“Nhìn lại 95 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng, chúng ta có quyền tự hào và hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Đảng và của dân tộc. Năm 1945, khi lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta chỉ có gần 5.000 đảng viên, nhưng với tinh thần kiên trung, ý chí quật cường và lòng yêu nước, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân giành thắng lợi vẻ vang, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1960, khi đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, số lượng đảng viên đã tăng lên khoảng 500.000 người, trở thành hạt nhân dẫn dắt toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Ngày nay, với hơn 5,4 triệu đảng viên, lực lượng của chúng ta không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đủ sức gánh vác trọng trách đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ mới. Mỗi đảng viên chính là biểu tượng của niềm tin, trí tuệ và ý chí đoàn kết của cả dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Vững tin vào sức mạnh của Đảng và sự đoàn kết của toàn dân tộc, chúng ta khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới”.

Trích phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 20/1/2025

Trần Đức Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hanh-trinh-tu-doi-moi-den-dot-pha-post538443.html