'Hành trình văn hóa - Về miền đất võ': Trải nghiệm, thưởng lãm Bình Định từ một góc nhìn khác

'Hành trình văn hóa - Về miền đất võ' là mô hình du lịch kết hợp giữa văn hóa, lịch sử và trải nghiệm thực tế, góp phần quảng bá hình ảnh Bình Định đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Du khách được xem biểu diễn nghệ thuật bài chòi dân gian trên chuyến tàu du lịch.

Du khách được xem biểu diễn nghệ thuật bài chòi dân gian trên chuyến tàu du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và FLC Hotels & Resorts tổ chức sản phẩm du lịch mới chuyến tàu trải nghiệm văn hóa “Hành trình văn hóa – Về miền đất võ” để phục vụ du khách. Hành trình đặc biệt này sẽ diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/5/2025.

Với lộ trình từ ga Quy Nhơn (TP. Quy Nhơn) đến ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước), du khách được đưa “ngược dòng thời gian”, trở về miền đất võ kiêu hùng - nơi ghi dấu phong trào Tây Sơn lẫy lừng, nơi văn hóa - lịch sử hòa quyện cùng cảnh sắc thiên nhiên miền Trung.

Ngay từ những phút đầu lên tàu, du khách đã được đắm chìm trong không gian văn hóa đặc trưng “xứ Nẫu” với phần thuyết minh sinh động từ các hướng dẫn viên, những câu chuyện hào hùng về miền đất Tây Sơn vang vọng. Đặc biệt, du khách còn thưởng thức nghệ thuật bài chòi dân gian đặc sắc, cùng trải nghiệm tinh hoa ẩm thực “xứ Nẫu”.

Trên hành trình trải nghiệm Hành trình văn hóa – Về miền đất võ, tàu hỏa sẽ đưa du khách đến tham quan cụm Tháp Đôi.

Trên hành trình trải nghiệm Hành trình văn hóa – Về miền đất võ, tàu hỏa sẽ đưa du khách đến tham quan cụm Tháp Đôi.

Cùng với đó, hành khách còn được thả hồn theo vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ dọc hai bên đường ray trải dài với không gian xanh mướt của cây cối, đồng ruộng, trường học cùng làng quê yên bình.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, chuyến tàu sẽ đưa hành khách đến thăm 2 điểm tham quan, gồm Tháp Đôi - cụm di tích Chăm Pa độc đáo giữa lòng Quy Nhơn và cầu Luật Lễ - cây cầu sắt trăm tuổi nhuốm màu thời gian.

Hướng dẫn viên chia sẻ với du khách câu chuyện về cầu Luật Lễ - cây cầu sắt trăm tuổi.

Hướng dẫn viên chia sẻ với du khách câu chuyện về cầu Luật Lễ - cây cầu sắt trăm tuổi.

Còn ga Diêu Trì - một trong những ga lớn của tuyến đường sắt Bắc - Nam, đây không chỉ đơn thuần là điểm giao thông mà còn mang nhiều giá trị lịch sử và gắn liền với đời sống người dân địa phương.

Là du khách tham gia trên chuyến tàu, chị Nguyễn Thị Thùy Trang, đến từ TP. HCM cho hay, bản thân chị đã đến Quy Nhơn hai lần, nhưng đây là lần đầu tiên được nhìn ngắm thành phố này từ một góc nhìn rất khác, trên một chuyến tàu đầy cảm xúc như thế này.

Bà Trần Thị Kim Qui, Phó tổng giám đốc thường trực FLC Hotels & Resorts chia sẻ “chúng tôi mong muốn cùng địa phương kiến tạo các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, tạo nên trải nghiệm khác biệt cho du khách khi đến với Bình Định – vùng đất giàu tiềm năng nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ và giá trị văn hóa truyền thống.”

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định thì khẳng định, đây không chỉ đơn thuần là một hành trình di chuyển, mà còn là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự kết nối mới mẻ, thân thiện và đậm đà bản sắc của thành phố biển Quy Nhơn với những hành trình khám phá tuyệt vời hơn nữa trong tương lai.

Bà Chung cho rằng, chuyến tàu hôm nay mang theo ý nghĩa kiến tạo những sản phẩm du lịch mới khác biệt, giàu bản sắc, mang lại những trải nghiệm ý nghĩa cho du khách.

“Sau các chuyến tàu này, chúng tôi sẽ đánh giá hoàn thiện lại phương án tổ chức để nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện cơ sở hạ tầng, để những chuyến tàu du lịch từ Quy Nhơn tới Diêu Trì và ngược lại trong thời gian tới không chỉ đơn thuần là hành trình di chuyển, mà còn là hành trình văn hóa, kết nối tình cảm và sẻ chia yêu thương”, bà Chung đề cập.

Nguyễn Toàn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hanh-trinh-van-hoa---ve-mien-dat-vo-trai-nghiem-thuong-lam-binh-dinh-tu-mot-goc-nhin-khac-d275441.html