Cuộc sống đổi thay ở ngôi làng Campuchia trên đất Việt
Gần nửa thế kỷ đến vùng đất mới lập nghiệp, những người Campuchia đã gây dựng được một cuộc sống ổn định, bình yên tại biên giới tỉnh Gia Lai.
Hồi sinh từ khát vọng sống
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, tại ngôi làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã viết nên một câu chuyện mới – câu chuyện của sự hồi sinh, của khát vọng sống và niềm tin vào một tương lai yên bình, ổn định và ngày càng khấm khá của những người gốc Campuchia.
Làng Triêl hôm nay đã trở thành mái nhà chung ấm áp cho cộng đồng người gốc Campuchia. Trên những nương rẫy xanh ngút ngàn, tiếng cười trẻ thơ vang vọng mỗi sớm chiều. Những căn nhà kiên cố thay thế cho túp lều rách nát năm xưa, những con đường bê tông sạch sẽ, xe máy chạy rộn ràng – tất cả như minh chứng cho hành trình vươn lên kỳ diệu của những con người từng không có gì ngoài đôi chân trần và niềm hy vọng sống sót.
Già làng Rơ Mah Blơi, sinh năm 1966, vẫn chưa thể quên được tuổi thơ. Giọng trầm lặng, già kể: "Những ngày còn nhỏ, tôi thường xuyên chứng kiến, người dân thường hoảng loạn, bồng bế, người dắt díu nhau chạy trốn vào rừng. Khi đó tôi còn nhỏ, đói lả, chân phồng rộp, không biết mình đi đâu, chỉ mong xa được tiếng súng".

Lực lượng cán bộ đồn biên phòng Ia Pnôn luôn quan tâm, định hướng giúp bà con làng Triêl an cư, lập nghiệp phát triển kinh tế.
Gia đình ông cùng một nhóm người Campuchia ẩn náu nhiều ngày trong rừng rậm, ăn lá rừng, uống nước suối để cầm cự. Mỗi buổi sáng thức dậy, lại thiếu vắng một vài người – họ đã gục ngã vì đói khát, bệnh tật hoặc kiệt sức. Khi đặt chân đến đất Việt, họ như tìm được ánh sáng. Người dân nơi đây dang rộng vòng tay cưu mang, sẻ chia từng chén cơm, tấm áo.
Già Blơi xúc động: "Chính tình người nơi đất Việt đã nuôi dưỡng chúng tôi vượt qua những ngày tháng khốn cùng. Bây giờ có điện, có đường, trẻ con được đến trường, có cả xe máy chạy đầy làng – điều mà ngày xưa tôi chưa từng dám mơ tới".
Bà Rơ Mah HPhin (sinh năm 1948), cũng là một trong những người sống sót sau cơn bão Pol Pot. Bà kể lại, năm 1976, bà đi trong hoàn cảnh đường rừng hiểm trở, đói rét triền miên, nhưng thứ khiến bà nhớ mãi không quên là tấm lòng của người dân Việt.
"Lúc mới đến làng Triêl, mọi thứ xa lạ lắm. Vậy mà người Việt không quay lưng, họ san sẻ từng bát cơm, tấm áo như người ruột thịt. Chính tình người ấy đã sưởi ấm chúng tôi trong những ngày giá lạnh nhất", bà nói.

Già làng Rơ Mah Blơi nhớ những ngày trong quá khứ
An cư lạc nghiệp
Theo ông Ksor Bíu, Bí thư Chi bộ thôn Triêl, bố mẹ ông cũng là người Campuchia sang Việt Nam năm 1979. Khi đó, những người Campuchia được bố trí định cư tại vùng đất cách trung tâm xã Ia Pnôn khoảng 1km, đặt tên làng là Triêl – để ghi nhớ nguồn cội. Năm 1987 và 1992, một số hộ đã hồi hương, nhưng phần lớn vẫn gắn bó với nơi này như quê hương thứ hai.
Ông Bíu chia sẻ: "Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và người dân Việt Nam, cuộc sống của người Campuchia ở làng Triêl dần ổn định. Giờ đây, phần lớn hộ dân đều có thu nhập ổn định từ cây điều, cà phê, cao su. Nhiều gia đình xây được nhà kiên cố trên 1 tỷ đồng. Vào dịp lễ, chúng tôi vẫn trở về quê cũ thăm người thân, nhưng làng Triêl đã trở thành mái ấm thực sự".

Già Rơ Mah Hphin kể về hành trình chạy trốn thoát khỏi nạn diệt chủng.
Thiếu tá Nguyễn Thành Nhơn, Chính trị viên đồn Biên phòng Ia Pnôn cho biết: "Chính sự hỗ trợ đồng bộ của lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương đã giúp người dân gốc Campuchia ổn định cuộc sống. Hiện nay, hầu hết các hộ đã có nhà kiên cố, con em được học hành, khám chữa bệnh đầy đủ. Mỗi năm, chúng tôi đều tạo điều kiện để bà con hồi hương, thăm người thân bên kia biên giới".
Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, ông Phan Ngọc Tuấn, cho biết thêm: "Hiện làng Triêl có 86 hộ, phần lớn là người Campuchia. Trong đó, 95% người trong độ tuổi lao động đang làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty TNHH MTV 72 (Binh đoàn 15). Họ rất chăm chỉ, sống đoàn kết, nhờ vậy kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao, an ninh trật tự ổn định".

Gác lại ký ức đau thương, người làng Triêl với 86 hộ người gốc Campuchia nay đã có cuộc sống khởi sắc, những tuyến đường bê tông hóa chạy vào tận làng.
Từ những phận người không nhà, không quê hương, cư dân làng Triêl hôm nay đã có mái ấm để trở về, có ruộng đồng để lao động và những thế hệ con cháu lớn lên trong yên bình.
Chính tình người, sự bao dung và ý chí vươn lên đã giúp họ viết nên một chương mới rực rỡ trên mảnh đất nghĩa tình.
Làng Triêl không chỉ là nơi sinh sống mà còn là biểu tượng của khát vọng hồi sinh, của tình người vượt lên cả chiến tranh và thời gian.