Hành trình vừa làm mẹ vừa lấy bằng đại học thứ hai
Giữa đại dịch Covid-19, tôi đã tự đặt cho mình các mục tiêu và lần lượt hoàn thành: Tốt nghiệp bằng đại học thứ hai; kết hôn và sinh con giữa bộn bề lo lắng về dịch bệnh. Tôi nghĩ, mình đã trải qua những khoảnh khắc đặc biệt, khó quên trong cuộc đời nhưng đổi lại, bản thân trưởng thành hơn.
Năm 2019, tôi rẽ hướng du học Trung Quốc, ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế tại Đại học Vân Nam, dù trước đó tốt nghiệp khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi không thể quay lại trường và bắt đầu học online bằng tiếng Trung.
Trên hành trình đó, bạn bè của tôi nhiều người bắt đầu bỏ cuộc, nghỉ học lấy chồng, sinh con. Còn tôi tự dặn mình "hãy biến 3 năm đại dịch thành cơ hội để thực hiện nhiều mục tiêu cùng lúc".
Năm 2021, tôi lấy chồng, đám cưới diễn ra giữa đỉnh điểm dịch bệnh Covid-19, một đám cưới chỉ có vài mâm gồm đại diện gia đình hai bên. Đến ngày cưới, dù trăm việc phải lo, tôi vẫn không xin thầy cô nghỉ học buổi nào. Đầu năm 2022, tôi sinh con đầu lòng, bản thân trải qua biến cố thai sản nhưng may mắn là mẹ tròn con vuông.
Trải nghiệm vừa làm mẹ, vừa làm sinh viên để lại trong tôi nhiều cảm xúc đan xen. Trong thời gian mang bầu, tôi vẫn cần mẫn lên lớp, làm bài tập đầy đủ dù bị ốm nghén nặng. Lúc đó, việc tôi có bầu vẫn là một bí mật với thầy cô và các bạn, bởi tôi muốn mình được đối xử công bằng như bao sinh viên khác.
Làm mẹ quả là một điều không dễ dàng. Có hàng trăm thứ phải học và mỗi ngày tôi đều lo sợ mình bị nhiễm Covid-19, nhất là khi nghe tin tức báo chí nói về một số mẹ bầu bị nhiễm Covid-19 lâm vào nguy kịch. Tôi chỉ xin nghỉ học duy nhất hôm lên bàn mổ cấp cứu.
Thế nhưng, sau khi sinh con xong, khó khăn mới thực sự bắt đầu khi tôi bị nhiễm Covid 2 lần, sốt xuất huyết, sỏi thận… cộng với áp lực bài vở năm cuối, làm luận văn tốt nghiệp. Lúc đó, nhiều người khuyên tôi nên bảo lưu kết quả học tập, tập trung chăm con và tránh để bản thân rơi vào tình trạng quá tải, trầm cảm nhưng tôi không muốn đánh mất ước mơ tuổi trẻ và hối tiếc.
Nếu tôi thực sự bỏ cuộc, đây sẽ là một "nỗi đau" trong tâm hồn mãi về sau. Khi đỉnh dịch qua đi, mẹ tôi ở quê ra chăm cháu, tôi có thể yên tâm học tập. Để đảm bảo cân bằng cuộc sống, nguyên tắc ưu tiên của tôi là dứt khoát trong lựa chọn và chỉ quan tâm đến giải pháp, không đổ lỗi.
Có lẽ, một phần do tôi đã quen đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống nên bản thân sẽ tập trung đến yếu tố giải pháp. Vào năm tôi 3 tuổi, gia đình gặp hỏa hoạn, ngôi nhà đang ở bị cháy trơ trụi. Để nuôi tôi ăn học, bố mẹ quanh năm gánh gạch, đá, cát thuê cho đến những năm tôi lên đại học.
Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ và dì gánh cát thuê lên đỉnh đồi để người ta xây lăng mộ. Hình ảnh đó luôn là động lực thôi thúc tôi cố gắng. Trong suốt những năm này, tôi đã đồng hành cùng chồng (lúc đó là người yêu) lo toan, chăm sóc cho mẹ chồng trải qua ba đợt mổ u não, một đợt mổ lưng, hai đợt mổ do thủng ruột.
Tôi may mắn được một giáo sư nổi tiếng hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Tôi cũng chia sẻ với cô về việc con tôi lúc đó mới 3 tháng tuổi. "Em nghĩ rằng, điều khó khăn nhất là làm mẹ, em đã làm được thì xin cô hãy tin tưởng ở em", tôi chia sẻ chân thật và cô lựa chọn tin tưởng tôi.
Kết quả, khi nhà trường kiểm tra hệ thống về tỉ lệ trùng lặp luận văn, luận văn của tôi chỉ trùng lặp 0,01%, trong khi tỉ lệ cho phép theo quy định là dưới 20%, đạt 94 điểm theo thang điểm 100 của Trung Quốc. Ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp, chồng tôi lái xe đưa tôi lên cửa khẩu, đưa sang Trung Quốc và giây phút tôi gặp cô giáo hướng dẫn của mình, tôi xúc động đến rơi nước mắt.