Hành trình 'vượt định kiến, vẽ ước mơ' của người phụ nữ dân tộc thiểu số
Hành trình của chị Lý Thị Quyên là minh chứng cho sự đổi thay khi nhận được sự hỗ trợ đúng người - đúng thời điểm: từ một người phụ nữ dân tộc thiểu số đến Giám đốc Hợp tác xã Thiên An, mang lại công ăn việc làm cho hàng chục lao động người dân tộc.
“Đòn bẩy” tạo ra sự thay đổi đó cho chị Quyên chính là chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Unilever Việt Nam, cùng nhãn hàng Sunlight phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Khi định kiến chẳng thể cản bước chân người phụ nữ khởi nghiệp
Nhìn vào hình ảnh Giám đốc Hợp tác xã Thiên An đầy tự tin hiện tại, ít ai biết xuất phát điểm khởi nghiệp từ số 0 tròn trĩnh của chị Quyên vào năm 2016. Kinh nghiệm không có, vốn phải đi vay, chị Quyên còn gặp phải không ít rào cản từ những “lời ra tiếng vào” từ xung quanh: “Phụ nữ thì làm kinh tế thế nào được! Không thành công được đâu!”
Ở khu vực dân tộc thiểu số thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn - nơi chị Quyên sinh sống, phụ nữ làm kinh tế là hình ảnh “hiếm có khó tìm” khi phần lớn các chị em chỉ gắn với công việc đồng áng, lên nương, lấy củi.
“Chưa có tới 2-3% chị em tự đứng lên làm kinh tế, nếu có làm thì cũng chỉ mở tạp hóa nhỏ hoặc bán đồ ăn sáng”, chị Quyên cho hay.
Quyết tâm khởi nghiệp, vượt qua định kiến đã là điều khó, chặng đường hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh càng gập ghềnh hơn. “Vay được 10 triệu thì mất 7 triệu mua máy sấy, 3 triệu mua nguyên liệu. Chuối sấy ra cũng hỏng rất nhiều, tiền cứ vay mượn rồi lại đổ sông đổ bể…”, chị Quyên nhớ lại.
Vượt qua những khó khăn đầu tiên, sản phẩm chuối sấy sản xuất của HTX của chị Quyên đã trở thành sản phẩm đạt cấp 3 sao đầu tiên trong tỉnh. Mặc dù việc kinh doanh trên đà thuận lợi, chị Quyên nhận ra măng, chè, chuối là nông sản địa phương nào cũng có, về lâu về dài cũng chưa phải một lựa chọn bền vững. Điều này thôi thúc chị chuyển hướng sang dược liệu và túi thổ cẩm – những sản phẩm mang dấu ấn đậm nét của dân tộc người Dao.
Chọn được hướng đi sản phẩm tốt hơn, nhưng chị Quyên vẫn chưa biết định hình về kế hoạch kinh doanh, hay tiếp cận thị trường ra sao, khách hàng yêu cầu thì mới sản xuất nên thiếu sự chủ động.
Biết tới chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” qua thông tin từ Hội liên hiệp phụ nữ của tỉnh, chị Quyên ngay lập tức đăng ký tham gia.
“Mình mong muốn vượt qua giới hạn bản thân, khắc phục sự nhút nhát trước đám đông. Hơn nữa, ở vùng quê như của mình, không mấy khi có cơ hội học tập kiến thức quý như vậy”, chị Quyên chia sẻ.
“Trái ngọt” truyền cảm hứng cho phụ nữ
Thông qua các buổi tập huấn, chị đã nắm được kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc kinh doanh, từ lập kế hoạch, lên danh sách sản phẩm, cân đối thu chi, cho đến việc chụp ảnh, livestream, tìm kiếm khách hàng trên mạng xã hội. Từ những kiến thức gặt hái từ chương trình, chị Quyên đã lên kế hoạch kinh doanh bài bản hơn, vạch ra các bước tiếp cận thị trường và xác định “kim chỉ nam” phát triển sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Dao.
Sản phẩm dược liệu của HTX vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe về quản lý chất lượng dây chuyền, nhà xưởng, con người để đạt CGMP (tiêu chuẩn về Thực hành tốt sản xuất Mỹ phẩm).
“Khi tham gia chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” và chứng kiến nhiều chị em khác cũng khởi nghiệp kinh doanh từ con số 0 như mình, tôi cảm thấy bản thân được tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn”, chị Quyên phấn khởi kể lại.
Giữ vững niềm tin và nỗ lực, cùng sự giúp sức, hỗ trợ từ cộng đồng, chị Quyên cuối cùng cũng đạt được những đổi thay mà mình mong muốn: “Những người chưa tin tưởng mình trước đây, nay mắt thấy tai nghe thành công của HTX, đã có cái nhìn khác về hình ảnh phụ nữ làm kinh tế. Nhiều chị em khác trong vùng cũng được truyền động lực, tìm đến mình để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay đã có thêm nhiều chị em kinh doanh các sản phẩm nông sản khác trong vùng như trà thảo dược, làm bún phở, rượu từ men lá...”.
Chị Quyên là nhân vật tiêu biểu trong chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Unilever Việt Nam cùng nhãn hàng Sunlight phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Từ năm 2020 tới nay, chương trình đã được triển khai ở 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, mang đến các khóa tập huấn nâng cao năng lực kiến thức cho hơn 100.000 chị em phụ nữ, đồng thời hỗ trợ cấp vốn và trao giải cho hàng trăm sáng kiến kinh doanh tiêu biểu.
Bên cạnh chương trình kể trên, Unilever còn phối hợp với các nhãn hàng, đối tác tổ chức các chương trình thuộc hệ sinh thái trong hệ thống Kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa giúp cải thiện đời sống và lao động của hơn 2.500 lao động ve chai mà phần lớn là phụ nữ. Song song đó, nhằm khuyến khích sự tự tin, nâng cao nhận thức giá trị bản thân cho phụ nữ, dự án "Nâng cao nhận thức về bản thân" được nhãn hàng Dove khởi xướng từ năm 2004. Dự án đã triển khai tại 153 quốc gia, tiếp cận được 94 triệu người thông qua đội ngũ giáo viên, nhà nghiên cứu cùng đội ngũ chuyên gia. Dự án triển khai tại Việt Nam trong năm 2023, tiếp cận được 13,000 học sinh THCS tại Hà Nội, Khánh Hòa và Sóc Trăng.
Thông qua các hoạt động đa dạng trên quy mô sâu rộng, Unilever đã trao quyền, trao cơ hội cho phụ nữ phát triển, tạo giá trị gia tăng tích cực cho xã hội và cộng đồng. Nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao vị thế của nữ giới trong gia đình và xã hội mà còn thúc đẩy cam kết bình đẳng giới, góp phần kiến tạo tương lai bền vững.