Hành trình vượt lên số phận của đôi vợ chồng vận động viên khuyết tật

Năm 2024, đánh dấu tròn 20 năm vợ chồng vận động viên khuyết tật Hoàng Hồng Kiên và Phạm Hồng Thức nên duyên. Nhớ lại chặng đường vừa qua, chị Kiên và anh Thức vẫn không khỏi xúc động và biết ơn vì những nỗ lực và tình yêu thương của cả hai dành cho nhau.

Bánh xe số phận nghiệt ngã

Vận động viên khuyết tật Hoàng Hồng Kiên (sinh năm 1980, dân tộc Tày, tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) sinh ra không được may mắn như bao bạn bè đồng trang lứa khác. 4 tháng tuổi, chị Kiên trải qua cơn sốt bại liệt, đã có lúc những tưởng không qua khỏi cơn nguy kịch. Sau biến cố đó, chị Kiên phải cắt bỏ hoàn toàn 2 chân.

Cuộc sống gia đình khó khăn ở một vùng quê miền núi thời đó, cùng hoàn cảnh riêng của bản thân khiến chị không được đến lớp. Quanh quẩn trong nhà suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến thời thiếu niên, lại chịu sự dè bỉu từ những người dân làng, chị Kiên luôn nung nấu trong mình khát khao phải tự chứng minh được giá trị của chính mình.

Vận động viên khuyết tật Phạm Hồng Thức nỗ lực thi đấu.

Vận động viên khuyết tật Phạm Hồng Thức nỗ lực thi đấu.

Vốn có năng khiếu thơ ca, khi biết tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, chị đã đăng ký tham gia và giành giải Nhì. Phần thưởng lúc đó là một chiếc xe lăn. Cũng chính từ khi có nó, chị ý thức được rằng, mình có thêm một phương tiện hỗ trợ để thay đổi cuộc đời mình.

Trong một lần tình cờ nghe đài, chị biết đến thông tin Hội người mù tại Hà Đông (Hà Nội) tạo việc làm cho người khuyết tật. Không một chút do dự, đúng ngày 14 tháng Giêng năm 2000, chị Kiên lên kế hoạch trốn nhà ra đi khi trong túi chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng tiền tiết kiệm. Một mình đi tàu xuống ga Văn Điển, chị lại tiếp tục lăn bánh xe đến Hội người mù Hà Đông xin việc. Thế nhưng, chẳng may hôm đó là ngày cuối tuần, nên không có ai tiếp đón, chị Kiên trải qua 2 đêm ngủ ở ngoài bến xe Hà Đông cũ. Kể từ lúc đó, chị bắt đầu hành trình mưu sinh nơi “đất khách quê người” với công việc đầu tiên là phân phối sản phẩm của Hội. Nhớ lại thời gian ấy, chị Kiên tâm sự: “Lúc đó, chỉ mong sao phải tự lo được cho chính mình để gia đình được an tâm, khó khăn mấy rồi cũng vượt qua được”.

Khác với chị Hồng Kiên, anh Phạm Hồng Thức (Gia Lâm, Hà Nội) vì một tai nạn tàu hỏa năm 14 tuổi mà mất đi đôi chân. 2 tháng sau ngày đen tối ấy, anh tỉnh dậy trên giường bệnh, thấy cơ thể nhẹ bẫng nhưng vô cùng khó chịu. Suốt quãng thời gian đầu, chàng thanh niên ấy vô cùng chán nản bởi “không ai có thể hiểu được cảm giác của một người đang có chân đi lại bình thường, bỗng một ngày không còn nó nữa”.

Vốn là một chàng trai năng động, giờ đây anh Thức đành chấp nhận việc không thể tự do chạy nhảy hay vui chơi thỏa thích như trước. Thậm chí thời gian đó, để tập đi bằng xe lăn, đã có vô số lần anh Thức bị ngã đến trầy xước người vì chưa thể ngồi vững. Anh Thức hiểu rằng, mình sẽ chung sống cả đời cùng với “nỗi đau” này. Không đầu hàng trước số phận, anh dần học cách làm quen với cuộc sống mới và bắt đầu tự làm mọi việc.

Cả chị Kiên và anh Thức, tuy 2 người với 2 hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm giao thoa giữa họ chính là sự kiên cường và khát khao muốn được tự quyết định cuộc đời mình. Giờ đây, đôi bàn tay sẽ thay đôi chân điều hướng bánh xe lăn và nghị lực nội tại sẽ điều hướng bánh xe số phận của mỗi người.

Suốt mấy tháng đầu lên Hà Nội, mỗi ngày chị Kiên đều lăn xe lăn chở 10 - 15 cây chổi cùng tăm tre rong ruổi khoảng 50km khắp Thủ đô để bán. Bàn tay mỏi rã rời, mồ hôi nhễ nhại sau mỗi ngày làm việc, dù trời nắng hay mưa, chị vẫn quyết tâm “bao giờ bán hết thì về”. Chị Kiên tự nhủ với bản thân phải cố gắng kiếm tiền, để ít nhất mỗi năm có thể về thăm gia đình một lần.

Bén duyên với thể thao, nên duyên từ sân luyện

Thế nhưng, vào năm 2003, trong một lần đi bán chổi, chị không may bị tai nạn. Xe lăn hỏng, một bên tay bị gãy. Vì không có đủ tiền chữa trị, chị đành chịu đau một mình nằm phòng trọ để xương tay tự liền. Khi thấy hoàn cảnh khó khăn của chị, Hội Người mù Hà Đông đã xin với Trung tâm Thể thao Khúc Hạo một chiếc xe lăn để chị đi làm trở lại.

Gia đình nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười của vợ chồng vận động viên khuyết tất Hoàng Hồng Kiên và Phạm Hồng Thức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Gia đình nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười của vợ chồng vận động viên khuyết tất Hoàng Hồng Kiên và Phạm Hồng Thức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cơ duyên đến với thể thao của nữ vận động viên khuyết tật cũng từ đây mà bén rễ khi chị Kiên lọt vào tầm ngắm của Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn. Với cơ thể to khỏe, Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn đã gợi ý chị xin vào đội cử tạ, nhưng vì tay bị lệch xương sau tai nạn, nên chị vào đội điền kinh xe lăn.

Quãng thời gian đó, để trang trải chi phí sinh hoạt, chị Kiên vừa đi bán chổi vừa đến sân vận động Hàng Đẫy để tập luyện. Sáng tập luyện, trưa lại đi bán hàng đến tận khuya mới về nhà. Chăm chỉ tập luyện, sau 4 tháng, chị chính thức trở thành 1 thành viên của đội tuyển tham dự Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) năm 2003. Ngay từ lần đầu tiên thi đấu, chị Kiên đã thành công khi mang về tấm Huy chương Vàng bộ môn điền kinh xe lăn 800m trước sự thán phục của bao người.

Còn đối với anh Thức, năm 2002, khi biết thông tin Trung tâm Thể thao Khúc Hạo đang tuyển vận động viên tham gia Para Games, anh vô cùng hào hứng như tìm thấy hướng đi mới của cuộc đời mình. Niềm đam mê thể dục thể thao và mong muốn bước ra khỏi vùng an toàn đã thôi thúc anh đăng ký tham gia tập luyện, thi đấu môn điền kinh.

Trên chính những sân tập gian khổ ấy, chị Hoàng Hồng Kiên và anh Phạm Hồng Thức đã gặp nhau. Hai con người có chung cảnh ngộ, khiếm khuyết về thân thể, nhưng đến với nhau bằng tình yêu của hai trái tim trọn vẹn. Họ cùng nhau tập luyện, chia sẻ mọi câu chuyện buồn vui trong cuộc sống. Thế nhưng, khó khăn lại ập đến khi gia đình 2 bên đều ngăn cản mối tình này.

Chị Hoàng Hồng Kiên tích cực tham gia các hoạt động xã hội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Hoàng Hồng Kiên tích cực tham gia các hoạt động xã hội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Bởi cả hai đều không có chân, nên bố mẹ đôi bên đều mong muốn con mình sẽ lấy một người lành lặn để bù đắp, chăm lo. Thế nhưng, cả hai đều bảo với nhau, dù có khó khăn đến mấy cũng vượt qua để chứng minh cho gia đình thấy, mình không lựa chọn sai người”, chị Kiên bồi hồi nhớ lại.

Sự hòa nhịp trái tim, sự đồng lòng, đồng sức của chị Kiên, anh Thức cuối cùng cũng đã thuyết phục được gia đình. Anh chị về chung một nhà vào một ngày giữa tháng 10/2004. Suốt cuộc trò chuyện, cứ mỗi khi nhắc đến nhau, anh chị đều trân quý cho rằng, nửa kia chính là điều may mắn mà ông trời ban cho họ.

Suốt 20 năm đồng hành cùng nhau, vợ chồng anh Thức chị Kiên vẫn nhớ mãi kỷ niệm khi đi thi đấu giải vô địch quốc gia tại Huế vào năm 2007. Chiếc xe chở đoàn vận động viên khuyết tật bị tai nạn trên cao tốc Pháp Vân. Chị Kiên bị dập đầu gối nghiêm trọng, anh đưa chị vào viện cấp cứu. Khi chị bó bột xong, anh gạt nước mắt vào Huế thi đấu tiếp. Năm ấy anh giành 4 Huy chương Vàng và trở thành vận động viên xuất sắc nhất.

“Giờ nghĩ lại mình cũng không nghĩ mình có thể thi đấu được vậy, vì lúc đó, trong lòng vẫn lo cho vợ ở nhà và một bên vai vẫn đang bị thương. Thành tích đó là món quà động viên vô cùng to lớn đối với cả 2 vợ chồng”, anh Thức chia sẻ.

Vượt qua nỗi đau, chị Kiên sau khi vừa ra viện lại âm thầm tập luyện. Tháng 1/2008, trong đội đua xe lăn dự ASEAN Para Games tổ chức tại Thái Lan, chị lại có mặt. Khi đang thi đấu, chị gặp tai nạn trên đường đua khiến tay bị sai khớp. Thế nhưng, chị vẫn quyết tâm thi đấu bằng cánh tay còn lại.

Ngay giây phút đó, chị Kiên thoáng nghĩ: “2 năm mới có 1 kỳ Para Games nên mình phải cố gắng nắm lấy cơ hội. Là một vận động viên đang ở thời kỳ thi đấu đỉnh cao, mình phải cố giành được Huy chương Vàng. Vô vàn khó khăn trước đó đều đã vượt qua, lần này lại càng phải cố gắng”.

Không phụ những nỗ lực của chị, tại kỳ Para Games năm đó, chị giành được 2 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc. Sau những chấn thương nghiêm trọng, anh Thức động viên vợ dừng thi đấu để chăm lo sức khỏe. Riêng anh Thức vẫn tiếp tục thi đấu các giải đấu lớn nhỏ trên cả nước. Những tấm huy chương được treo trên tường nhà cũng chính là sự ghi nhận cho nỗ lực không ngừng nghỉ của anh chị.

Không những tự mình dựa vào bản thân để vượt lên số phận, chị Hoàng Hồng Kiên còn mang khát khao giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Sau lần gặp gỡ Nick Vujicic, chị quyết tâm học để trở thành một diễn giả chuyên nghiệp. Từ năm 2014 đến năm 2016, chị đã đến 14 quốc gia trên thế giới để học hỏi.

Đến năm 2016, sau khi từ giã sự nghiệp thể thao, chị đã thành lập Câu lạc bộ “Hành trình kết nối niềm tin cuộc sống”, và trở thành diễn giả khuyết tật đầu tiên ở Đông Nam Á. Câu lạc bộ đã trở thành nơi truyền cảm hứng cho rất nhiều người, ở nhiều độ tuổi và nhiều địa phương khác nhau.

Hiện nay, bên cạnh Câu lạc bộ “Hành trình kết nối niềm tin cuộc sống”, chị Kiên còn thành lập “Trung tâm kinh doanh online hòa nhập Hoàng Hồng Kiên” để hỗ trợ những người khó khăn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Sau bao biến cố, anh chị vẫn nắm tay nhau, trở thành chỗ dựa vững chắc để cả hai cùng phát triển.

Mai Trang - Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hanh-trinh-vuot-len-so-phan-cua-doi-vo-chong-van-dong-vien-khuyet-tat-172430.html