Hành vi côn đồ sau va chạm giao thông: Cần nghiêm trị

Những ngày đầu năm mới, liên tiếp xảy ra các vụ việc giải quyết va chạm giao thông bằng bạo lực khiến dư luận bất bình. Chuyên gia pháp lý cho rằng, cần nghiêm trị các đối tượng có hành vi hành hung người khác khi va chạm giao thông để cảnh tỉnh, răn đe chung cho xã hội

Hiện trường vụ việc ông Nguyễn Huy Văn hành hung gây thương tích cho người khác sau va chạm giao thông. Ảnh cắt từ clip.

Hiện trường vụ việc ông Nguyễn Huy Văn hành hung gây thương tích cho người khác sau va chạm giao thông. Ảnh cắt từ clip.

Sau va chạm giao thông là... ẩu đả

Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Huy Văn (SN 1970, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) - cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thạch Thất về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.

Trước đó, ngày 22/1, tại xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) xe ô tô do ông Nguyễn Huy Văn điều khiển xảy ra va chạm với xe ô tô của anh T.H.T. (trú tại tỉnh Phú Thọ). Ngay sau va chạm, ông Văn đã hành hung anh T. khiến anh này bị thương tích. Đoạn video được người dân địa phương ghi lại diễn biến vụ việc sau đó lan truyền trên mạng xã hội, khiến bức xúc trong dư luận. Đáng chú ý, thời điểm xảy ra sự việc ông Văn còn vi phạm nồng độ cồn. Nhận được tin báo, Công an huyện Thạch Thất đã có mặt tại hiện trường để điều tra, xử lý vụ việc. Sau đó, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thạch Thất cũng đã đình chỉ công tác đối với ông Văn.

Ngày 1/2 (mùng 4 Tết Ất Tỵ), dư luận cũng xôn xao khi trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video cho thấy nam tài xế ô tô V.Đ.T. (SN 1987, trú tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) bị nhóm người đe dọa, hành hung khi đang ngồi trên xe. Sự việc xảy ra ở bến phà Cồn Nhất, phía bờ Nam Định, thuộc địa phận huyện Giao Thủy. Theo đó, nhóm người đàn ông liên tục chửi bới, đập cửa và cho tay qua cửa xe, đánh tới tấp tài xế bất chấp sự can ngăn của người nhà tài xế ngồi trong xe. Thậm chí một người trong số đó còn đu lên, nhảy vào xe, dùng chân đạp thẳng vào tài xế...

Công an huyện Giao Thủy đã vào cuộc điều tra, sau đó ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Ngọc Tuân (SN 1980, trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Phạm Văn Tuyên (SN 1982 ở xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, là em trai Tuân) về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.

Nghiêm trọng hơn, tại tỉnh Bình Dương vừa qua xảy ra vụ việc khi va chạm giao thông, một nạn nhân bị hành hung dẫn đến tử vong. Theo đó, tối 30/12/2024, tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - NE8 thuộc phường Thới Hòa (TP Bến Cát), xảy ra va chạm giữa 2 xe máy. Sau đó, anh N.H.B. bị đối tượng Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê An Giang) dùng tay, chân và mũ bảo hiểm tấn công khiến anh bất tỉnh ngay tại hiện trường. Anh B. được người dân đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên do chấn thương quá nặng anh B. đã tử vong.

Nghiêm trị để cảnh tỉnh, răn đe

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện hành, những hành vi bạo lực, hành hung người khác... sau va chạm giao thông có thể bị phạt hành chính, bị xử lý hình sự về một trong các tội như: Cố ý gây thương tích; Gây rối trật tự công cộng; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác… thậm chí cả tội giết người.

Cụ thể, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 8 triệu đồng. Trường hợp gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với chế tài là bị phạt tiền từ 5 triệu - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội trong các trường hợp có tổ chức, dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng, xúi giục người khác gây rối, hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng, tái phạm nguy hiểm... thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Đối với hành vi cố ý gây thương tích, trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử phạt theo Điểm a, Khoản 5, Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 5 triệu - 8 triệu đồng. Trường hợp hành vi của người vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy theo vụ việc, mức độ nghiêm trọng thực tế, người phạm tội có thể bị truy cứu về một hoặc toàn bộ các tội danh như “đe dọa giết người”, “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hạn cho sức khỏe của người khác” và “gây rối trật tự công cộng”.

Theo đó, với tội đe dọa giết người: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất 6 tháng, nặng nhất 7 năm. Với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hạn cho sức khỏe của người khác: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất 6 tháng, nặng nhất 20 năm hoặc tù chung thân.

Đánh giá về các giải pháp hạn chế những sự việc tương tự xảy ra, Luật sư Tuấn cho rằng, ngoài việc người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm các quy định khi tham gia giao thông, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi hành hung người khác khi va chạm giao thông, nhất là cán bộ, công chức để cảnh tỉnh, răn đe chung cho toàn xã hội.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hanh-vi-con-do-sau-va-cham-giao-thong-can-nghiem-tri-10299451.html