Kiềm chế, bình tĩnh khi va chạm giao thông
Thời gian gần đây, các vụ va chạm giao thông dẫn đến ẩu đả diễn ra thường xuyên, trong đó nhiều vụ để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài tuân thủ pháp luật, kiềm chế cảm xúc sau khi va chạm, việc trừng trị nghiêm thói hành xử côn đồ cũng sẽ góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông.
Cảm xúc tiêu cực lấn át
Đã gần 1 tháng trôi qua từ lúc xảy ra vụ việc ẩu đả sau va chạm giao thông tại TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương khiến anh N.T.B. (38 tuổi, ngụ TP Bến Cát) bị Lê Văn Hiền (37 tuổi, quê tỉnh An Giang) đánh đến chấn thương sọ não, hôn mê sâu và tử vong tại bệnh viện.
![Đối tượng Lê Văn Hiền tấn công nạn nhân đến dập não vì mâu thuẫn nhỏ sau va chạm giao thông. Ảnh: XUÂN TRUNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_17_51416819/de86099531dbd88581ca.jpg)
Đối tượng Lê Văn Hiền tấn công nạn nhân đến dập não vì mâu thuẫn nhỏ sau va chạm giao thông. Ảnh: XUÂN TRUNG
Đến nay, vợ con nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót khi mất đi người thân. Xen lẫn đó là sự căm phẫn kẻ ác, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt khi va chạm giao thông mà đã gây thương tích nặng cho nạn nhân, không thể cứu chữa. Lê Văn Hiền đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Tại cơ quan công an, Hiền khai nhận đã nóng nảy, để cảm xúc tiêu cực lấn át, thiếu kiềm chế; nếu thời gian quay trở lại thì sẽ có cách ứng xử hiền hòa, văn minh hơn.
Trước đó, đầu tháng 12-2024, dư luận phẫn nộ khi một clip lan truyền trên mạng xã hội với hình ảnh xe tải đang dừng chờ đèn đỏ trên đường ĐT741 (phường Tiến Hưng, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) thì một đối tượng bất ngờ leo lên cabin tấn công tài xế tới tấp. Ngày 27-12-2024, Công an TP Đồng Xoài ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Bùi Văn Hoàng Anh (35 tuổi, ngụ Bình Dương, người đánh tài xế xe tải) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 9-12-2024 đến ngày 6-1-2025), có khoảng 10 người ở TPHCM, Bình Dương, Bình Phước vướng vòng lao lý, mà nguyên nhân là dùng tay chân, hung khí để giải quyết mâu thuẫn nhỏ khi đi đường. Mới đây nhất, Công an quận Tân Phú, TPHCM ra quyết định tạm giữ Ung A Nam (37 tuổi, ngụ quận Tân Phú) để điều tra về hành vi “Hủy hoại tài sản”. Khi chạy xe máy trên đường Lũy Bán Bích, Ung A Nam xảy ra mâu thuẫn với một tài xế ô tô bán tải, do bực tức nên đã quấn áo khoác vào tay rồi đấm liên tục vào kính chắn gió, lấy gạch đập vỡ kính và 2 đèn chiếu sáng xe ô tô.
Dù các vụ việc tương tự như trên được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý ngay, nhưng chiều hướng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, đòi hỏi cơ quan chức năng xử lý triệt để; có các giải pháp căn cơ, ngăn chặn từ sớm các hành vi coi thường pháp luật và tính mạng, tài sản của người dân.
Ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông
Lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, thời gian qua có tình trạng một số người thiếu kiềm chế cảm xúc, thể hiện cái “tôi” sau khi va chạm giao thông, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Tất cả các vụ việc được báo chí, mạng xã hội phản ánh đều được công an các cấp xử lý kịp thời, nghiêm khắc. Trong những vụ việc trên, sau khi bị cơ quan chức năng xử lý, các đối tượng đều tỏ ra hối hận nhưng đã muộn. Việc xử lý nghiêm khắc của cơ quan chức năng là lời cảnh tỉnh để mọi người khi tham gia giao thông và quan hệ ngoài xã hội phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng các quy định của pháp luật.
Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM, chia sẻ, hầu hết các vụ va chạm giao thông dẫn tới đánh nhau rồi vướng vòng lao lý của các bị can là do cái “tôi” quá lớn hoặc thiếu kiềm chế, mất bình tĩnh... TPHCM vốn là thành phố lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn ứ. Nhiều vụ va chạm giao thông cũng xảy ra trên đường phố. Các vụ va chạm khi tham gia giao thông xuất phát từ lỗi vô ý, bởi không ai mong muốn bản thân khi ra đường lại gặp chuyện như vậy. Khi người dân nhận thức được rằng các va chạm ấy là vô ý thì mọi người sẽ cư xử khác hơn, bình tĩnh giải quyết vấn đề với nhau.
Theo các chuyên gia tâm lý học, để khắc phục tình trạng “đụng tay đụng chân” chỉ vì các mâu thuẫn nhỏ nhặt trên đường, các địa phương cần tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền về văn hóa giao thông, cách ứng xử khi xảy ra va chạm, hậu quả pháp lý của hành vi bạo lực; nhất là cần lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chuyên đề trong nhà trường để giáo dục học sinh kỹ năng ứng xử văn minh, từng bước xây dựng văn hóa giao thông, biết xin lỗi và giúp đỡ người khác khi có va chạm trên đường.
Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng, nếu xảy ra va chạm trên đường, hai bên có thể thương lượng với nhau để bồi thường. Còn nếu không thể hòa giải thì các bên có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Đồng thời, người dân cần chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Khi xảy ra va chạm ngoài đường, mọi người cần kiềm chế cảm xúc, ứng xử có văn hóa, không nên hành xử trái pháp luật. Trước khi hành động, người dân cần bình tĩnh và suy nghĩ về gia đình, về những thiệt hại mà bản thân và gia đình sẽ phải đối mặt, nghĩ về các kế hoạch, ước vọng trong tương lai có nguy cơ tan biến, gia đình, vợ con bị bỏ bê. Từ đó, người dân sẽ có suy nghĩ thấu đáo, để có những hành động đúng đắn hơn... Người dân phải kiềm chế bản thân, đối xử với nhau bằng tình người. Khi xảy ra những sự việc mâu thuẫn trên đường, người dân xung quanh cũng cần kịp thời can ngăn, tránh để những người trong cuộc đi quá giới hạn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kiem-che-binh-tinh-khi-va-cham-giao-thong-post780853.html