Hành vi đốt pháo trong ngày Tết bị xử phạt thế nào?
Mặc dù việc đốt pháo đã bị cấm từ lâu, tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến xuân về, một số địa phương vẫn xuất hiện tình trạng người dân đốt pháo nổ. Vậy mức xử phạt cho hành vi đốt pháo trong ngày Tết sẽ thế nào?
Theo đó, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay nhà nước ta đang cấm việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ. Tùy thuộc vào hành vi và hậu quả mà những người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi mua bán, kinh doanh và sử dụng các loại pháo nổ là vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu (Điều 188 Bộ luật Hình sự) hoặc Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190).
Theo Điểm b và Điểm d, Phần 1 Mục III của Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì: Người nào mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm. Nếu mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.
Người có hành vi vi phạm sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới 10kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Số lượng pháo nổ từ 10kg đến dưới 50kg (được coi là số lượng lớn); Số lượng pháo nổ từ 50kg đến dưới 150kg (được coi là số lượng rất lớn) Số lượng pháo nổ từ 150kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn).
Nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý hành chính như sau:
Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:
"... 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;
b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép......
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;
d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;
đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ......
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, d Khoản 3; Điểm b Khoản 4 Điều này.
Xem thêm video: Đốt pháo không tiếng nổ: Được ít, mất nhiều