Hành vi gian lận thuế, tránh thuế ngày càng phức tạp, tinh vi
Thông qua công tác quản lý thuế, ngành Thuế nhận thấy, thủ đoạn các đối tượng xấu thực hiện gian lận thuế, tránh thuế ngày càng tinh vi, phức tạp. Ngành Thuế tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề đối với các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như: giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận sử dụng hóa đơn điện tử…, để chống thất thu thuế.
Thực hiện trên 11.400 cuộc thanh tra, kiểm tra
Tổng cục Thuế cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã thực hiện được 11.406 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 17,12% kế hoạch và bằng 77,45% so với cùng kỳ thực hiện; đã kiểm tra được 231.276 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 144,13% so với cùng kỳ thực hiện.
Hành vi gian lận thuế ngày càng tinh vi
Các hành vi gian lận thuế, tránh thuế ngày càng phức tạp, tinh vi. Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề chuyển giá, tránh thuế của các công ty, tập đoàn xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tình trạng này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn gây bất ổn thị trường và tạo ra môi trường cạnh tranh trong kinh doanh không lành mạnh. Ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Qua thanh tra, kiểm tra ngành Thuế kiến nghị xử lý tổng số tiền 11.608 tỷ đồng, bằng 56,95% so với cùng kỳ thực hiện, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 3.504 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 504 tỷ đồng; giảm lỗ là 7.599 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước là 2.072 tỷ đồng, bằng 59,14% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Thông tin chi tiết hơn về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế cho biết, toàn ngành đã thực hiện thanh tra được 103 doanh nghiệp, đạt 3,33% kế hoạch năm 2024. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra trong những tháng đầu năm còn thấp ngoài yếu tố do thời gian triển khai một cuộc thanh tra thường kéo dài, một yếu tố nữa là do kế hoạch thanh tra của các cục thuế mới được phê duyệt ngày 25/3/2024 và các văn bản hướng dẫn Luật Thanh tra 2022 còn chưa đầy đủ dẫn đến tiến độ thực hiện thanh tra có phần bị chậm so với cùng kỳ thực hiện.
Số thu bình quân qua thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã được hoàn thành là 4,3 tỷ đồng/cuộc. Một số cục thuế có trung bình số thu một cuộc thanh tra lớn là Đồng Nai (18,2 tỷ đồng), Hải Phòng (15,7 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (8,3 tỷ đồng).
Thông tin về kết quả kiểm tra, Tổng cục Thuế cho biết, toàn ngành đã thực hiện kiểm tra 11.303 doanh nghiệp, đạt 17,79% kế hoạch năm 2024. Có 7/63 cục thuế hoàn thành hơn 25% kế hoạch kiểm tra năm 2024 là Bình Định (32%), Bến Tre (30%), Cà Mau (30%), Thừa Thiên Huế (30%), Quảng Ngãi (28%), Đồng Tháp (26%), Hải Phòng (25%).
Số thu bình quân qua kiểm tra là 251 triệu đồng/cuộc. Một số cục thuế có trung bình số thu một cuộc kiểm tra lớn là Hòa Bình (9.727 triệu đồng), Vĩnh Phúc (1.496 triệu đồng), Thái Nguyên (639 triệu đồng).
Đối với kết quả kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, toàn ngành đã kiểm tra được 231.276 hồ sơ, bằng 144,13% so với cùng kỳ thực hiện; xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách 229 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 97 tỷ đồng; giảm lỗ là 627 tỷ đồng.
Tập trung thanh, kiểm tra lĩnh vực có rủi ro cao về thuế
Theo đánh giá của đại diện Tổng cục Thuế, tình trạng mua bán hóa đơn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để chống thất thu thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã giao Cục Thanh tra - Kiểm tra chủ trì, phối hợp với các vụ, cục, đơn vị tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành năm 2024 của cơ quan Tổng cục Thuế. Đồng thời, xây dựng và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như: giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoàn thuế giá trị gia tăng...
Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để báo cáo Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.
Rà soát, tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo chống gian lận hoàn thuế; tiếp tục phối hợp với các vụ, đơn vị, các cơ quan liên quan để triển khai xây dựng Đề án bổ sung chức năng điều tra ban đầu cho cơ quan thuế, báo cáo trình cấp thẩm quyền xem xét.
Mới đây, tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, thực tiễn cho thấy, thủ đoạn các đối tượng xấu thực hiện gian lận thuế, tránh thuế ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề chuyển giá, tránh thuế của các công ty, tập đoàn không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước đã phát triển. Đây là vấn đề mà cơ quan thuế tất cả các nước đều phải đối mặt.
Để chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, lãnh đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo, cơ quan thuế các cấp tập trung đánh giá làm rõ thực trạng về tình hình vi phạm của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng gắn với tình huống và các biện pháp xử lý trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Bên cạnh đó, tập trung đánh giá các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; đề xuất các giải pháp để đem lại hiệu quả trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Chú trọng chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh nông sản nhập khẩu
Thông tin tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản nhập khẩu khu vực miền Bắc”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trong 2 năm 2022 - 2023, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, thực phẩm, các chế phẩm từ nông sản của các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh trị giá 33,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2022 - 2023 có tổng cộng 8.776 mã số thuế có phát sinh hoạt động nhập khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, thực phẩm, các chế phẩm từ nông sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh; số thuế giá trị gia tăng phải nộp của hàng hóa dịch vụ bán ra nội địa là 37.340 tỷ đồng; tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 41.757 tỷ đồng.
Qua phân tích tổng quan số liệu của các doanh nghiệp phát sinh nhập khẩu nông sản trong năm 2022 - 2023 cho thấy, có tình trạng các doanh nghiệp phát sinh trị giá nhập khẩu nông sản lớn hơn doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra, thậm chí nhiều doanh nghiệp không kê khai doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra. Các doanh nghiệp này thường có doanh số bán ra lớn ngay trong năm đầu tiên kinh doanh nhưng thường đăng ký phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng, đến khi cơ quan thuế đề nghị thực hiện chuyển đổi theo phương pháp khấu trừ thì chỉ hoạt động cầm chừng, xin nghỉ kinh doanh có thời hạn hoặc xin đóng mã số thuế, sau đó sẽ tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới để đăng ký kê khai theo phương pháp trực tiếp… Với các hành vi trên của doanh nghiệp, cơ quan thuế nhận diện còn thất thu thuế.
Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách đối với hoạt động kinh doanh nông sản nhập khẩu, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, trọng tâm là xây dựng công cụ hỗ trợ cơ quan thuế các cấp đối chiếu dữ liệu mà người nộp thuế thực tế nhập khẩu phát sinh tại cơ quan hải quan và dữ liệu người nộp thuế kê khai trên tờ khai thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp quản lý thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản nhập khẩu có rủi ro cao về thuế; tiếp tục theo dõi tình trạng hoạt động, phân tích tình hình kê khai của các doanh nghiệp trong danh sách người đại diện có từ 2 doanh nghiệp trở lên mà tất cả doanh nghiệp đều đang hoạt động bình thường để có giải pháp quản lý thuế đối với nhóm doanh nghiệp này.