Hành xử nơi công cộng
- Tư ơi! Sáng nay, ông lại đi bơi biển à?
- Ừ, tôi vừa về, tranh thủ dội qua cho hết nước mặn?
- Sao ông không dội luôn dưới biển, mang nước mặn trên người về không thấy khó chịu hả?
- Năm cứ xúi bậy nhen. Ở khu vực dọc bờ biển thành phố mình, cơ quan chức năng lắp cột nước ngọt này là dành để dùng rửa chân đó, không phải bố trí cho ông tắm dội đâu.
- Tôi vẫn thấy nhiều người dân sau khi tắm biển lại đến cột nước, rồi hứng nước tắm như của nhà mình đấy thôi.
- Thôi đi ông ơi, đó là do cách hành xử thiếu văn minh của một bộ phận người dân thôi. Không phải ai tắm biển cũng lên dội nước theo kiểu đó. Công dụng của các cột nước này là để phục vụ những người tắm biển trước khi bước lên lối đi bộ dọc biển hoặc bước lên đường thì dội qua chân cho sạch cát. Mỗi người thao tác chỉ vài giây là xong, đôi chân sạch, đi lại thoải mái. Chứ nói như Năm, bao nhiêu người tắm biển mà chờ tắm rửa ở đây chắc phải xếp hàng từ sáng tới chiều mới hết.
- Thì tôi cũng phải thử chút xem ông hành xử thế nào nơi bãi tắm công cộng của thành phố mình chứ. Mọi lần, tôi đi tắm biển đều gặp cảnh một số người sau khi tắm biển lên lại chạy đến cột nước hứng đầy can, rồi mang lên đường tắm rửa như chốn không người, thật là phản cảm. Trong khi phần lớn các lối lên - xuống biển đều đối diện với những con đường lớn, các khách sạn với nhiều du khách hướng ra biển, có cả khách trong nước và khách nước ngoài, vậy mà những người sau khi tắm biển cứ ngang nhiên đứng trên đường tắm dội. Hành động này vô tình làm hình ảnh văn minh của người dân bị giảm nhiều trong mắt du khách.
- Tôi biết, việc lấy nước đầy can để tắm cho đủ khắp cả người vô hình trung đã làm nhiều người tắm biển khác chỉ vì chờ dội qua đôi chân mà cũng mất rất nhiều thời gian. Nhiều người bị chờ đợi khi góp ý những người lấy nước để tắm cũng đã nảy sinh cự cãi chứ đâu phải chuyện bình thường.
- Việc này cần phải cắm bảng tuyên truyền thật to nơi cột nước hay làm cách nào đó để những người dân dùng những cột nước công cộng vô tội vạ này phải nhận ra được cách hành xử còn hạn chế của mình mà khắc phục, chứ chẳng lẽ cứ để mãi tình trạng này hả Tư?
- Tôi cũng chỉ là người đi tắm biển, Năm hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai? Việc này rất cần thành viên, hội viên các tổ chức đoàn thể góp ý, nhắc nhở người thân trong gia đình mình, nhắc ở khu dân cư, thôn, xóm; còn cơ quan chức năng thì phải nghĩ ra giải pháp để không còn những hình ảnh phản cảm, thiếu văn minh này nữa, có thể ban đầu là nhắc nhở, thời gian sau thì tăng dần “cường độ” xử lý nếu người dân tiếp tục vi phạm… Chỉ có cách như vậy mới giữ gìn được hình ảnh đẹp của thành phố văn minh - thân thiện trong mắt du khách trong và ngoài nước.
- Tư nói chí phải! Tất cả phải vào cuộc, phải làm để xây dựng và giữ vững “đô thị văn minh, công dân thân thiện”. Chứ cứ nhìn những hình ảnh phản cảm, cách hành xử thiếu văn minh ấy thì buồn lắm!
- Vấn đề này rất cần cộng đồng, người dân thành phố góp tiếng nói chung để cùng xây dựng cho thành phố mình ngày càng tươi đẹp, giàu bản sắc. Tôi nghĩ, nếu lâu lâu mà không nhắc nhở thì những hành động không đẹp sẽ ngày càng hiện diện, rồi đến lúc ai cũng nghĩ cách hành xử thiếu văn minh đó là bình thường thì gay go to!