Hanoi Metro kinh doanh tàu điện nhiều bất cập…vì sao?

Việc kinh doanh tàu điện trên cao của Hanoi Metro dù mang lại kỳ vọng lớn về giải pháp giao thông đô thị, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập khi vận hành.

Vươn mình vào kỷ nguyên mới, phương thức thanh toán “tối cổ”… không giống ai!

Khảo sát tại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội ngày 21/5, PV Tri thức và Cuộc sống đã ghi nhận một số bất cập, trong số đó có phương thức thanh toán tiền mặt của Hanoi Metro khiến hành khách gặp phiền toái.

 Khu vực bán vé của Hanoi Metro

Khu vực bán vé của Hanoi Metro

Thời điểm PV có mặt mua vé đã có tình trạng máy bán vé quẹt thẻ không hiệu lực, buộc hành khách phải mua vé trực tiếp bằng tiền mặt. Nhiều hành khách ngạc nhiên bởi trong khi phương thức quẹt QR code đã trở nên phổ thông từ buôn bán vỉa hè, chợ cóc, chợ truyền thống nhưng tại các quầy bán vé của Hanoi Metro lại bất lực.

Chia sẻ về phương thức thanh toán bằng tiền mặt tại các tuyến tàu điện trên cao, chị V.N.T.A. một hành khách cho biết: “Chủ nhật vừa qua, tôi chủ quan cứ nghĩ điện thoại thông minh giải quyết tất tật bài toán chi tiêu. Tuy nhiên, tại quầy mua vé tuyến Chùa Hà, cả tôi và nhân viên đều không xử lý được sự việc không có tiền. Ngay cả khi khách đề nghị chuyển khoản cho nhân viên của Hanoi Metro để đổi tiền mặt mua vé cũng thể không thực hiện vì theo nhân viên này, đây là hành vi bị cấm”.

Chị Đỗ Thị Huế, một hành khách khác tỏ ra ngạc nhiên khi Hanoi Metro vẫn ưu tiên phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi bán vé dù đã lỗi thời, trong khi các ví thanh toán và mã QR thuận tiện thì họ lại không áp dụng.

“Không cần so sánh với các nước trên thế giới, mà chỉ nhìn vào Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM). Công ty Đường sắt đô thị số 1 (HURC) đã tiếp cận hệ thống soát vé từ nhà thầu Hitachi (Nhật Bản). Đơn vị vận hành đã triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng hệ thống vé tự động, tích hợp được với thẻ Mastercard, Samsung Pay, Momo, Apple Pay... giúp hành khách thanh toán đi tàu thuận tiện hơn. Thậm chí, các loại vé đều có thể mua trên ứng dụng HCMC Metro, không nhất thiết phải đến quầy mua vé và xếp hàng. Việc này giúp khách tiết kiệm thời gian mà cũng có thể sử dụng QR Code từ ví Momo để đi tàu”, chị Huế so sánh.

Đồng thời nữ hành khách cho rằng, đến giờ, Hanoi Metro vẫn sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt, với những hành khách quen dùng phương thức thanh toán quẹt thẻ, ví điện tử sẽ rất bất tiện.

Trợ giá vận hành các tuyến metro khiến Hanoi Metro “ỉ lại”… không đổi mới sáng tạo chuyển đổi số?

Hanoi Metro, đơn vị vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội mới đây công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2024. Theo đó, trong cơ cấu doanh thu năm 2024, nguồn thu của Hanoi Metro tại các tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội chủ yếu đến từ “trợ giá” với gần 540 tỷ đồng, chiếm gần 86% và tiếp tục tăng so với năm trước. Trong khi đó, doanh thu cung cấp dịch vụ (tức bán vé) chỉ chiếm 89,6 tỷ đồng, tương ứng 14%. Như vậy, cứ 1 đồng bán vé, Hanoi Metro lại nhận được 6 đồng trợ giá. Cho thấy, dù Hanoi Metro công bố năm thứ ba liên tiếp có lãi và ghi nhận doanh thu kỷ lục trong năm 2024, nhưng cơ cấu nguồn thu vẫn có sự phụ thuộc lớn vào nguồn trợ giá từ ngân sách nhà nước.

Từ việc ưu tiên sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt, vốn đã “tối cổ”, nhiều hành khách cho rằng, nguồn trợ giá lớn của Hà Nội khiến Hanoi Metro “ỉ lại”…và không đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

 PGS.TS Bùi Thị An

PGS.TS Bùi Thị An

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, thời gian qua, việc đưa các tuyến đường sắt đô thị vào khai thác, phục vụ giao thông công cộng đã tạo ra những tiện ích và hỗ trợ người dân trong việc đi lại. Tuy nhiên, với tình trạng thanh toán khi mua vé chỉ bằng tiền mặt và thẻ ngân hàng cho thấy Hanoi Metro đang có nhiều bất cập trong quá trình chuyển đổi số. “Tôi không hiểu vì sao việc thực hiện thanh toán bằng mã code QR lại khó khăn đến thế. Đề nghị lãnh đạo thành phố, bộ ngành hữu quan cần xem xét vấn đề này", bà An đề nghị.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, việc chỉ sử dụng tiền mặt hay thẻ ngân hàng để thanh toán tiền vé khi sử dụng đường sắt metro là đang thể hiện sự thiếu đồng bộ trong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Có lẽ, đơn vị vận hành đang trong quá trình nghiên cứu triển khai ứng dụng nhiều loại hình thanh toán, nhưng cần phải nhanh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân, hành khách.

Ngoài ra, khi ứng dụng công nghệ trong việc thanh toán tiền vé, metro cũng cần phải có thời gian tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện, tránh để tình trạng lúng túng.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Hanoi Metro báo lãi sau thuế 15,4 tỷ đồng năm 2024, tăng 17,5% so với 2023

Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2024 của Hanoi Metro cho thấy, doanh thu thuần cả năm đạt 628,9 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Trong cơ cấu doanh thu năm 2024, nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ “trợ giá” với gần 540 tỷ đồng, chiếm gần 86% và tiếp tục tăng so với năm trước. Trong khi đó, doanh thu từ bán vé chỉ chiếm khoảng 14,3%.

Dù nguồn thu từ bán vé không bù được giá vốn, nhưng cũng đã tăng 21% so với năm trước, thể hiện lượt bán vé ngày càng tăng cao trong bối cảnh tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào vận hành từ tháng 8/2024. Thực tế, việc bán vé chỉ bù đắp được khoảng 15% cho giá vốn bỏ ra. Do đó, việc trợ giá của TP Hà Nội không chỉ cân đối lại khoản giá vốn cho Hanoi Metro, mà còn giúp đơn vị này có lãi gộp 18 tỷ đồng, thay vì thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên, nhưng bù lại Hanoi Metro có khoản doanh thu hoạt động tài chính đạt 24,8 tỷ đồng. Đây là lãi tiền gửi do công ty có hơn 890 tỷ đồng gửi ngân hàng tại thời điểm 31/12/2024, tăng 30% so với đầu năm. Do không vay nợ ngân hàng, Hanoi Metro cũng không phát sinh chi phí tài chính trong kỳ. Sau trừ chi phí và thuế, Hanoi Metro báo lãi ròng 15,4 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2023.

Giá vé hiện tại của hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội được duy trì ở mức khá tương đồng, với vé lượt từ 8.000 đồng đến 12.000-15.000 đồng cho toàn tuyến. Vé ngày không giới hạn lượt di chuyển có giá 24.000-30.000 đồng, và vé tháng là 200.000 đồng cho khách phổ thông (100.000 đồng cho đối tượng ưu tiên). Với cơ cấu giá vé này, việc tự bù đắp chi phí vận hành khổng lồ là một thách thức lớn nếu không có trợ giá.

 TS Nguyễn Xuân Thủy

TS Nguyễn Xuân Thủy

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, việc Hanoi Metro báo lãi sau thuế 15,4 tỷ đồng năm 2024, nhưng thực ra không có lãi khi Nhà nước vẫn phải trợ giá. Thực tế, một tuyến Cát Linh – Hà Đông đáng lẽ làm 5 năm thì lại kéo dài đến hơn chục năm mới vận hành, nên tính khấu hao sẽ không có lãi, thực tế vẫn lỗ và Nhà nước vẫn phải bù tiền.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hiện các tuyến này chưa khai thác được hết công suất. “Với các tuyến Hanoi Metro mỗi ngày cần phải khai thác từ 10 đến 15 vạn hành khách chứ không phải chỉ 3,4 vạn như hiện nay. Do đó công suất vận chuyển hiện chưa cao, chưa tận dụng hết năng lực của đoàn tàu. Bởi đoàn tàu một chuyến có thể chở được 1000 người, một giờ có thể vận chuyển được 60 nghìn người”.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, để có thể hoạt động hiệu quả hơn, các tuyến Hanoi Metro phải kết nối với các phương tiện khác như xe buýt, hoạt động đúng giờ và sử dụng các phương thức thanh toán linh hoạt hơn như triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt để người dân thanh toán thuận lợi, họ sẽ đi nhiều hơn. Đồng thời, nghiên cứu các tuyến xuyên tâm sẽ thu hút người dân sử dụng để đi lại nhiều hơn.

 Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, dự án tàu điện trên cao ở Việt Nam được ưu tiên để phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông và một số dự án chậm tiến độ kéo dài dẫn đến đội vốn, phát sinh nhiều chi phí cho nền kinh tế. Nhà nước phải gánh vác nhiều chi phí từ các dự án này, khi dự án đưa vào hoạt động mà có lợi nhuận cần phải có những điều chỉnh và chính sách để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp, đảm bảo nguồn thu trong ngân sách nhà nước.

Với chính sách khuyến khích đầu tư, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải, Nhà nước sẽ có những quy định đặc thù cho từng dự án. Đối với các dự án thu hút đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt sẽ thực hiện theo nội dung phê duyệt đó, quá trình tổ chức thực hiện mà có những phát sinh có thể điều chỉnh cho phù hợp với chính sách pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.

Đối với chính sách trợ giá, hỗ trợ tài chính chỉ thực hiện trong khoảng thời gian ngắn hạn, có điều kiện. Bởi đối với dự án này, trong trường hợp dự án đã có lợi nhuận cần phải kiểm tra lại các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án này trước đây xem điều kiện để được hưởng chính sách trợ giá, hỗ trợ như thế nào. Về nguyên tắc khi doanh nghiệp đã kinh doanh có lợi nhuận, đã bù lỗ, phải thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước trong đó có nghĩa vụ nộp thuế, chính sách miễn thuế sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông dột nước

Khoảng 17h20 ngày 19/5, khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông (chiều từ Cát Linh vào Hà Đông) bất ngờ thấy nước nhỏ liên tục từ trần xuống toa hành khách. Một số người phải dùng ô che, số khác di chuyển tới vị trí khác. Ngày 20/5, Hanoi Metro phát thông cáo cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước chảy ở khoang hành khách là lỗi hệ thống điều khiển điều hòa không khí của đoàn tàu 01. Việc thoát nước điều hòa không ổn định dẫn đến chảy nước xuống một toa hành khách. Đơn vị này cho biết, hiện tượng chảy nước từ điều hòa trên một toa tàu là sự cố hy hữu, không mong muốn và xin nhận lỗi với hành khách.

Các sự số tàu điện trên cao mang tên Hanoi Metro

Trong quá trình vận hành, đã xảy ra một số sự cố tàu điện trên cao của Hanoi Metro. Cụ thể, cuối tháng 2/2025, tàu Cát Linh - Hà Đông gặp sự cố dừng chạy do mất điện, hành khách được hoàn tiền mua vé để chuyển hướng sang dùng phương tiện khác.

Trước đó, tối ngày 17/9/2024, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông cũng xảy ra sự cố máy đếm trục tại ga Yên Nghĩa khiến tuyến tàu điện này chỉ chạy từ ga Cát Linh tới ga Phùng Khoang và ngược lại. Trong khi đó theo lộ trình, tàu còn phải qua 5 ga nữa. Việc chạy tàu cũng bị gián đoạn khoảng 30 phút. Khi đó, hành khách phải sử dụng xe buýt để thay thế.

Ngoài ra, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông còn xảy ra một số sự cố vào các ngày 11/2/2023; 23/5/2022 và ngày 7/12/2021 khiến nhiều khách hàng hoang mang, lo lắng.

Đối với tuyến tàu điện Nhổn - Cầu Giấy cũng xảy ra sự cố vào lúc 17h25 ngày 24/10/2024 sau hơn 2 tháng vận hành. Sự số khiến đoàn tàu dừng chạy trong 45 phút khiến nhiều hành khách bị ảnh hưởng. Hanoi Metro đã phải hoàn vé cho khách.

Hải Ninh-Thiên Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/hanoi-metro-kinh-doanh-tau-dien-nhieu-bat-capvi-sao-post1542959.html