HanoiPlas 2024: Bước đột phá của ngành Nhựa và Cao su Việt Nam
Ngày 5/6, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội, Triển lãm quốc tế lần thứ 12 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành Nhựa và Cao su (HanoiPlas) 2024 đã chính thức khai mạc. Sự kiện do Công ty Vinexad phối hợp với Công ty Yorkers Exhibition Service Việt Nam và Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đồng tổ chức.
HanoiPlas 2024 hướng tới sự tăng trưởng vượt bậc của ngành Nhựa Việt Nam với hơn 200 nhà triển lãm từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam giới thiệu công nghệ tiên tiến và các sản phẩm mới thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Với diện tích trưng bày 9.000 m2, HanoiPlas 2024, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực máy ép phun, các công ty nổi bật bao gồm Multitech, Shini, Honzen Union, Chuan Lih Fa, Fu Chun Shin và Yizumi.
Trong lĩnh vực sản xuất cao su, INEM và Pan Stone được chú ý. Shanghai CMIC chuyên về máy móc đóng gói nhựa mềm, bao gồm bao bì PP dệt, máy ép nhựa, máy đùn và máy đóng gói. Kung Hsing được ghi nhận với những đóng góp trong lĩnh vực máy thổi màng; RR Plast nổi bật trong thị trường dây chuyền đùn.
Cùng đó là các giải pháp tái chế được nâng cao bởi các công ty như Pan Era và Daisaku. Lĩnh vực hóa chất và nguyên liệu có các công ty chủ chốt như Dynea Pakistan, Planet Asia, Datacolor và Ascend. Cuối cùng, lĩnh vực sản xuất túi nhựa có sự góp mặt của các công ty nổi tiếng như Chao Wei, Cosmo và Dipo.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Triển lãm cũng diễn ra một loạt các Hội thảo như Giải pháp cải thiện độ trong và tối ưu hóa chi phí về tiêu hao năng lượng cho ngành sản xuất bao bì nhựa - Chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và những vấn đề cần giải đáp đến doanh nghiệp sử dụng bao bì đóng gói; Xu hướng của ngành Nhựa: Chuỗi cung ứng, hậu cần và thị trường xuất sắc; Tối ưu hóa công nghệ khuôn mẫu trong kỷ nguyên sản xuất thông minh.
Bà Judy Wang, Chủ tịch Công ty Yorkers Exhibition Service Việt Nam nhận định, ngành Nhựa và cao su Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp như điện tử, dệt may, hàng tiêu dùng và ô tô.
"HanoiPlas 2024 đánh dấu một thời điểm quan trọng cho ngành Nhựa và cao su Việt Nam. Triển lãm không chỉ trưng bày những tiến bộ và đổi mới đáng kể trong ngành mà còn thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và tăng trưởng kinh doanh. Chúng tôi rất vui mừng được tập hợp các chuyên gia hàng đầu và các nhà lãnh đạo tư duy để chia sẻ kiến thức và thúc đẩy tương lai của ngành công nghiệp năng động này", bà Wang nhấn mạnh.
Còn theo ông Đinh Đức Thắng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành công nghiệp nhựa giữ vị trí quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác trong nước. Ngành Nhựa Việt Nam hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90%.
Về cơ cấu ngành, doanh nghiệp sản xuất trong mảng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38%. Tiếp theo là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhựa gia dụng và nhựa xây dựng chiếm lần lượt 30% và 21%, 11% doanh nghiệp còn lại hoạt động trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật. Nếu chia theo khu vực địa lý, doanh nghiệp nhựa tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Khu vực miền Bắc và miền Trung lần lượt là 18% và 2%.
HanoiPlas vì vậy đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp nhựa Việt Nam tiếp cận thiết bị và công nghệ mới với doanh nghiệp quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, thúc đẩy sản xuất. Sự tăng trưởng vượt bậc của các doanh nghiệp nhựa phía Bắc trong những năm gần đây với quy mô ngày càng lớn và chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu các đơn hàng lớn cho thị trường quốc tế.