Làng Thị Cấm (nay thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) có hội thi nấu cơm vào mồng 8 tháng Giêng hàng năm. Hội thổi cơm thi nhằm tri ân tướng quân Phan Tây Nhạc, một vị tướng từ thời Hùng Vương có công giúp nước.
Đàn ông làng Thị Cấm tranh tài kéo lửa trong hội thổi cơm thi.
Lễ hội thổi cơm thi gồm thi chạy lấy nước, giã gạo, thổi cơm, đặc biệt là phần thi kéo lửa. Để tạo ra lửa, người dân nơi đây vẫn giữ nguyên cách tạo lửa theo cổ truyền như sử dụng 2 thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng 2 thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc 2 đầu rồi 2 người kéo cho cật giang cọ xát vào cật tre nhiều lần tạo ma sát.
Theo nghi lễ cổ xưa, sẽ có 4 đội thổi cơm thi, mỗi đội gồm 10 người cùng tranh tài. Tất cả những người dự thi đều chít khăn xanh, đỏ, vàng, tím và thắt lưng cùng màu. Ở phần thi kéo lửa, mỗi đội cử ra 4 nam thanh niên tham gia.
Khi nào thấy có khói lên thì dừng lại và thổi cho lửa bùng lên, dùng mồi lửa này để thổi cơm. Trong tiếng trống thùng thùng cổ vũ, khi các đội bắt đầu nhóm lửa thành công, cả sân đình Thị Cấm vang dội tiếng hò reo cổ vũ. Lúc ấy, việc nấu cơm sẽ bắt đầu.
Khi các đội thi kéo lửa thành công, họ sẽ dùng mồi lửa này để thi thổi cơm, cũng là lúc không gian đình làng Thị Cấm nghi ngút khói lửa.
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, sáng 5/2 (tức mồng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ) sân đình làng Thị Cấm đỏ rực lửa.
Trước đó, các thành viên trong đội cùng nhau chuẩn bị các công đoạn và cùng nhau giã gạo bằng chày gỗ và cối đá, sàng sảy, nhặt sạn, vo gạo để loại bỏ trấu trước khi đem đi thổi cơm từ lửa mới tạo ra từ đồng đội.
Cùng nhau khéo léo điều chỉnh ngọn lửa để cơm chín đều trong thời gian quy định.
Để kéo dài thời gian cho cơm được chín đều, các đội sẽ tạo nên những đống tro giống nhau và vùi nồi cơm vào bất kỳ một đống than nào. Đại diện ban giám khảo sẽ phải tìm nồi cơm trong các đống than đó.
Sau khoảng 30 phút, thành viên của ban giám khảo là các cụ cao niên trong làng sẽ đi chọc từng đống rơm để tìm các nồi cơm.
4 nồi cơm sau khi tìm thấy được các bô lão kiểm tra chất lượng trước khi dâng cúng Thành hoàng. Với những giá trị độc đáo của hội thi kéo lửa thổi cơm, ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL công bố Lễ hội truyền thống - Hội thổi cơm thi Thị Cấm vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tuấn Anh