Hào khí người anh hùng nông dân áo vải
Không ai sinh ra muốn sống trong binh loạn và cũng không được chọn cho mình cái chết nhưng vận nước đã làm cho những người 'dân ấp dân lân', dù 'chẳng quen cung ngựa...' cũng quyết 'một trận khói tan' để 'giữ gìn ngọn rau tấc đất' của cha ông... Hào khí ấy đã làm nên hình tượng đẹp đẽ, bi tráng của người nông dân Việt Nam anh hùng trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, mà người dân chài Nguyễn Trung Trực là một hình ảnh tiêu biểu đã trở thành huyền thoại.
Nguyễn Trung Trực tên là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Chơn, sinh năm 1838 trong một gia đình sống nhiều đời bằng nghề chài lưới ở Xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, tính tình cương trực, khẳng khái, giàu lòng nghĩa hiệp nên thầy đặt tên là “Trực”.
“Theo việc binh nhung thuở trẻ trai”...(*)
Bảng treo trước chợ Cai Tài,
Bên văn bên võ, ai có tài ra thi.
Vốn có truyền thống võ nghệ, năm 18 tuổi, ông thượng đài ở phủ lỵ Tân An (đóng ở chợ Cai Tài, nay thuộc xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) suốt 3 ngày liền không có đối thủ nên tiếng tăm vang dội.
Sau khi Pháp đánh thành Gia Định (17/02/1859), Nguyễn Trung Trực gia nhập vào đạo quân đồn điền của Phó Lãnh binh Gia Định - Trương Định, ứng nghĩa kéo về phòng tuyến Đại đồn Kỳ Hòa chống giặc đánh lan ra phía Tây. Đại đồn thất thủ (25/02/1861), quân triều đình rút về Biên Hòa, từ đây, nhiệm vụ đánh giặc, cứu nước đặt lên vai những người “dân ấp, dân lân”. Trương Định đưa quân về Gò Công để củng cố. Nguyễn Trung Trực về hoạt động ở Tân An. Tương truyền lúc ra đi tiếp tục chống giặc, ông đưa nghĩa quân về nhà khao binh nhân ngày cúng cầu ngư 10/3 âm lịch năm Tân Dậu (1861). Hôm ấy, trước mọi người, ông khẳng khái nói rằng khi nào thắng Pháp mới về, gia đình có nhớ đến ông thì đến ngày này rót rượu cúng. Từ đó, gia đình lấy ngày này làm ngày cúng Việc lề của dòng họ Nguyễn. Do tài năng, đức độ của một thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc nên ông được giữ chức Quyền sung Quản binh đạo, nên gọi là Quản Lịch hay Quản Chơn.
Pháp chiếm Sài Gòn rồi tiến đánh Định Tường (12/4/1861), Nguyễn Trung Trực chặn đánh ở Bảo Định, gây cho địch nhiều thiệt hại và sau đó đốt tàu L’Espérance (10/12/1861) trên Vàm Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ), tấn công một số tiểu hạm khác ở sông Bến Lức, sông Tra (12/1862). 3 tỉnh miền Đông bị mất, giữa năm 1867, Nguyễn Trung Trực về Hà Tiên nhận chức Thành thủ úy nhưng thành đã rơi vào tay giặc, bèn lui về Hòn Chông lập căn cứ chống Pháp và lập nên chiến công hiển hách đánh chiếm đồn Kiên Giang (16/6/1868).
“Lửa đỏ Vàm Nhựt Tảo vang động trời đất/Gươm vung lên ở Kiên Giang làm quỷ thần phải khóc”...(**)
Chiếm Định Tường, Pháp bố trí nhiều tàu tuần tiễu để kiểm soát tình hình, trong đó có tiểu hạm L’Espérance tại vàm sông Nhựt Tảo với 45 lính Pháp, Tagal và Việt, trang bị một khẩu đại bác cùng nhiều vũ khí đa năng; trên bờ còn lập một đồn ở chợ Nhựt Tảo với 20 lính tập người Việt sẵn sàng yểm trợ. Tiểu hạm L’Espérance, xét về trang bị, bố phòng và tương quan lực lượng, thực sự là một pháo đài nổi gần như bất khả xâm phạm, đầy thách thức đối với nghĩa quân.
Thế nhưng, chỉ bằng vũ khí thô sơ nhưng mưu trí, sáng ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực chỉ huy đốt tàu, diệt 17 lính Pháp, Tagal và 20 tên lính tập trên đồn Nhựt Tảo. Trận đốt tàu L’Espérance làm danh tiếng của Nguyễn Trung Trực vang lừng khắp nơi. Ông được đánh giá là vị chỉ huy chẳng những có võ nghệ cao cường mà trí lược hơn người, đã tiêu diệt chiến hạm của Pháp được trang bị vũ khí hiện đại. Chiến thắng Nhựt Tảo trở thành nỗi ám ảnh của thực dân Pháp và niềm cổ vũ lớn lao cho nghĩa quân, “là khúc nhạc mở đầu cho một cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn lũy của người Pháp” (Alfred Schreiner).
Đến trận lấy đồn Kiên Giang (16/6/1868), diệt Chủ tỉnh Chánh Phèn, 5 sĩ quan, 67 lính cả Pháp và quan chức người Việt làm việc cho Pháp, bắt sống 6 tên, thu trên 100 súng và một kho đạn, lần đầu tiên chiếm và làm chủ một tỉnh lỵ trong một tuần lễ, cho thấy trình độ tập kích của Nguyễn Trung Trực phát triển đến mức cao, từ huấn luyện nghĩa quân, tổ chức lực lượng, chiến thuật táo bạo, thời điểm tấn công khiến địch hoàn toàn bị động,... đã làm cho người Pháp dù biện bạch chống chế cho thất bại này cũng phải thừa nhận: “Thảm họa Rạch Giá là một trong những biến cố đau thương...” (Paulin Vial), “một sự kiện bi thảm” (George Diirrwell).
Vốn sinh ra không phải để làm anh hùng, Nguyễn Trung Trực theo tiếng gọi non sông đi đánh giặc như một lẽ tự nhiên của người trai lớn lên giữa thời loạn. Nhưng vận nước lâm nguy, hào khí Nam bộ, tinh thần yêu nước, truyền thống gia đình đã hun đúc cho người thanh niên ấy một tài năng quân sự tuyệt vời, mà từ “Hỏa hồng Nhựt Tảo” đến “Kiếm bạt Kiên Giang” đã thể hiện và minh chứng sinh động tinh hoa và tư tưởng quân sự Việt Nam “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”.
“… Nêu cao gương tiết nghĩa”(***)
Ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn), Nguyễn Trung Trực bước ra pháp trường, đón nhận cái chết đầy dũng khí, để lại cho hậu thế 2 chiến công oanh liệt “Hỏa hồng Nhựt Tảo” và “Kiếm bạt Kiên Giang” đi vào lịch sử cùng câu nói bất hủ thể hiện ý chí chống ngoại xâm đến cùng của dân tộc Việt Nam: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Người Pháp thể hiện sự nể nang, khâm phục Nguyễn Trung Trực qua những ghi nhận mà trước đó họ chưa dành cho vị thủ lĩnh nghĩa quân nào: “Là một người chỉ huy trẻ tuổi, rất can đảm, chống nhau với ta ngót tám năm trời” (Paulin Vial), thậm chí: “Trong suốt thời kỳ bị giam cầm, ông Trực không có lúc nào tỏ ra yếu đuối cả, một cách thẳng thắn và đàng hoàng, ông công nhận các chiến công của ông và cũng nhận là đã khinh thường sức mạnh của Pháp. Ngoài ra, ông chỉ yêu cầu ban cho ông một ân huệ, ấy là được xử tử ông ngay tức khắc” (Alfred Schreiner). Nhận thấy ở Nguyễn Trung Trực một người trung hiếu, nghĩa khí và có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ nên giặc đưa ra nhiều lời chiêu dụ, hứa hẹn chức tước, bổng lộc nhưng chúng chỉ nhận được sự dứt khoát của ông: “Nếu có chức vụ nào giết hết Tây Dương cướp nước thì ta nhận chức đó”.
Tương truyền, ngày ông bị xử chém ở Rạch Giá, dân chúng thương tiếc người anh hùng đã làm lễ tế tiễn ông dọc 2 bên đường. Trước khi hành quyết, Pháp hỏi ông có cần gì không, ông chỉ xin uống một trái dừa tươi và ngâm bài thơ tuyệt mệnh:
Theo việc binh nhung thuở trẻ trai
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
Anh hùng gặp phải hồi không đất
Thù hận chang chang chẳng đội trời.
(Thi sĩ Đông Hồ dịch)
Một hình ảnh thật bi tráng, đầy sức nặng của một thời “nước mắt anh hùng lau chẳng ráo”, thật sự là “anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang”. Khí tiết của ông làm cho trí giả đương thời phải cảm phục:
“Sợ thay người chài/ Hùng thay quốc sĩ/ Nhựt Tảo đốt thuyền/ Kiên Giang san lũy/ Căm thù giết giặc/ Thề chết cũng cam/ Khói hương nghi ngút/Trung nghĩa rõ ràng”.
(Trương Gia Mô)
“Một buổi sáng phi thường nêu cao gương tiết nghĩa/ Không sợ báo đền Vua và cha mẹ không vẹn toàn; Anh hùng cứng cổ tiếng thơm dài lâu/ Làm cho bọn chưa chết chịu sống cúi đầu thẹn chết được”.
(Huỳnh Mẫn Đạt, Điếu Nguyễn Trung Trực, Triệu Dương dịch)
Truyền thuyết rằng, lúc ra pháp trường đã xảy ra điều chưa từng có là tên đao phủ quỳ lạy xin lỗi ông, vì nghèo khó nên phải đi làm nghề chém mướn. Câu chuyện dù xuất phát từ lòng ngưỡng vọng, tôn kính ông như thần thánh của nhân dân nhưng toát lên thần thái, khí phách hiên ngang của Nguyễn Trung Trực nơi pháp trường. Trước khi đao phủ hành quyết, ông còn yêu cầu đừng bịt mắt...
Thay lời kết
“Sanh vi tướng, tử vi thần” vốn là quan niệm, lẽ sống của một dân tộc có truyền thống yêu nước chống xâm và có lẽ Nguyễn Trung Trực là trường hợp thể hiện đầy đủ tinh thần ấy bởi sự kính ngưỡng sâu sắc mà người dân dành cho ông ngoài việc thờ cúng khắp Nam bộ là những truyền thuyết dân gian giàu chất huyền thoại gắn liền với những chiến công và tấm gương yêu nước, hy sinh oanh liệt của người anh hùng dân chài. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được điều ấy trước một người có công vì dân, vì nước - một vị thần do chính nhân dân phong tặng, tôn vinh và thờ phụng và càng thêm tự hào bởi một Nguyễn Trung Trực mà cuộc đời, sự nghiệp và cái chết bất tử trở nên chói lòa trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, đau thương nhưng hết sức hào hùng của dân tộc, là biểu hiện cụ thể và sinh động nhất hình tượng người nông dân Việt Nam anh hùng mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu khắc họa hết sức đẹp đẽ và bi tráng trong áng văn bất hủ Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc... Đó là đại biểu ưu tú cho giai cấp nhận lấy sứ mạng lịch sử giải phóng dân tộc về sau này./.
(*) Lời dịch thơ Nguyễn Trung Trực của thi sĩ Đông Hồ.
(**) Lời dịch Điếu Nguyễn Trung Trực
(Huỳnh Mẫn Đạt) của Triệu Dương.
(***) Lời dịch Điếu Nguyễn Trung Trực
(Huỳnh Mẫn Đạt) của Triệu Dương.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/hao-khi-nguoi-anh-hung-nong-dan-ao-vai-a83456.html