Hấp dẫn chuyện Hà Nội xưa 'Triệu dấu chân qua những cửa ô'
Một trong những niềm say mê lớn của nhà báo, nhà văn Nguyễn Trương Quý là khảo cứu và viết về Hà Nội. Anh đã có nhiều đầu sách về Hà Nội với nhiều nhà xuất bản khác nhau, và cuốn nào cũng cuốn hút theo một cách riêng. 'Triệu dấu chân qua những cửa ô' là tập sách mới nhất của anh về Hà Nội, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 68 năm Giải phóng Thủ đô và là một trong những đầu sách được tìm mua nhiều nhất của Nhã Nam trong Hội sách Hà Nội.
“Triệu dấu chân qua những cửa ô” gồm 5 phần “Nhập thành”, “Lên xe xuống bến”, “Thưởng hoa ngoạn thủy”, “Lạc thú và ưu tư”, và “Tiếng rền của phố”. Nhà nghiên cứu, PGS, TS Phạm Xuân Thạch cho rằng, cách sắp xếp 5 phần như vậy gợi hình ảnh 5 cửa ô, như phần đầu tiên của cuốn sách.
"Triệu dấu chân qua những cửa ô" là cuốn sách đầu tiên vẽ chân dung Hà Nội qua những bước chân đi về. Cuốn sách là một cuộc lãng du chầm chậm theo cả hai chiều không gian - thời gian, hấp dẫn bởi vị sâu lắng ngậm ngùi pha lẫn nét hài hước ý nhị, bởi cho ta nhận thức về việc ta có kết nối gì với quá khứ và vì sao ta ở đây. Cuốn sách quan sát, trong khoảng một trăm năm qua, những đường đi lối lại của của người Hà Nội, những phương tiện họ sử dụng, những chốn ở và đi quen thuộc cả trong đời thường và trong vọng tưởng. Và trong cuộc đi lại mải miết ấy, theo vòng quay lịch sử, không gian và sự vật đổi thay, kéo theo sự đổi thay của tâm tình người Hà Nội.
Buổi ra mắt cuốn sách trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội, có rất đông bạn đọc tham dự, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và đông đảo độc giả trẻ. Đây là điều không dễ thấy đối với một cuốn sách mang tính khảo cứu nhiều như “Triệu dấu chân qua những cửa ô”, khi giới trẻ ngày nay thường ưa chuộng các thể loại khác như du ký, ngôn tình, huyền ảo hay truyện tranh kiểu anime, comic… Nói như nhà văn Đỗ Bích Thúy, người lặng lẽ ngồi dưới hàng ghế khán giả để dõi theo những câu chuyện của Nguyễn Trương Quý, thì Trương Quý cùng với Nguyễn Ngọc Tiến là hai nhà văn rất kiên định với đề tài Hà Nội. Ngoài say mê, yêu thích, còn có một điều chắc chắn là hai anh đã có được đối tượng bạn đọc cho riêng mình. “Khảo cứu của Nguyễn Trương Quý đọc rất dễ chịu, dễ đọc với bạn đọc phổ thông, chứ không chỉ là nhăm nhăm tìm tư liệu. Đọc một cuốn sách của Trương Quý có thể mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, như âm nhạc, hội họa…, những mảng mà Quý viết rất hay. Đọc sách về Hà Nội nhưng còn có thể biết được nhiều chuyện rất hay khác” – nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận xét.
PGS, TS Phạm Xuân Thạch nhận xét, Nguyễn Trương Quý và Nguyễn Vĩnh Nguyên là những người đã tìm được cách kể chuyện riêng. Nguyễn Trương Quý đã tìm từ rất nhiều tàng thư chỉ để lấy một chi tiết nào đó. Anh có cách khảo cứu chất lượng, hòa hợp được với cách kể chuyện. “Điều lý thú nhất của Trương Quý là sự gặp nhau giữa cách khảo cứu nghiêm ngặt và cách kể chuyện đầy chất thơ” – PGS, TS Phạm Xuân Thạch nhận xét.
Còn biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy của Nhã Nam cho rằng, sách của Nguyễn Trương Quý là sách giải nghĩa về huyền thoại. Ở đó, Trương Quý nhẩn nha kể chuyện người, chuyện phố, có những chuyện mọi người có thể đã biết nhưng chưa biết hết, có những chuyện chưa ai nghe bao giờ. Chính vì thế, sách của Trương Quý có tính khảo cứu cao nhưng lại rất hấp dẫn đối với bạn đọc.
Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ ngữ văn Hà Thanh Vân nhận xét, Trương Quý là một kiến trúc sư, một người vẽ đẹp và cũng là một nhà văn. Các nhà văn khác chỉ nhìn Hà Nội từ góc nhìn của nhà văn, thì Trương Quý có thể nhìn Hà Nội từ nhiều góc độ khác nhau, điều đó khiến những trang viết của anh trở nên thú vị. Và đó là điều mà Tiến sĩ Hà Thanh Vân đánh giá cao nhất đối với những cuốn sách của Nguyễn Trương Quý.
Chia sẻ về điều này, nhà văn Nguyễn Trương Quý cho biết, những năm tháng làm biên tập viên ở Nhà xuất bản, anh đã được tiếp xúc và học hỏi rất nhiều từ những tập bản thảo của các tác giả. Mỗi người viết cho anh một ý niệm riêng về lối viết, một bài học về việc viết, do họ chia sẻ với anh hoặc do học qua biên tập sách của họ. Anh tự nhận, trong văn của mình có lý tính vì do học nghề kiến trúc sư và những bài học từ những năm tháng học trong trường. Còn cảm tính là do anh yêu những vần thơ, những câu hát, yêu sự ẩn dụ. Và khi phải mô tả chính xác đối tượng bằng con mắt, sự quan sát của mình, anh đã tìm kiếm được sự vừa vặn trong cách viết. “Có người phát hiện được điều đó ngay từ đầu, nhưng tôi bắt tay vào viết không được sớm lắm”- anh nói.
Điều đặc biệt của cuốn sách là bức tranh bìa vẽ cảnh Ô Quan Chưởng cũng chính là do Nguyễn Trương Quý vẽ. Tác giả cho biết, đây là một bức tranh anh vẽ tình cờ vào mộ buổi trưa cuối năm, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán khoảng năm 2018. Khi đó trời mưa, phố rất vắng, chỉ có một phụ nữ gánh hàng rong đi qua. Tranh được trưng bày nhân dịp khai trương “Ơ kìa Hà Nội” và được bán ngay trong triển lãm đó. “Tôi rất vui vì bức tranh được tái sinh trong một đời sống khác” – anh chia sẻ.
Còn biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cho biết, ban đầu họa sĩ vẽ bìa của Nhã Nam chọn nền cho bìa sách là màu vàng của một bức tường cũ. Nhưng Trương Quý nói chọn màu xanh dương của một cuốn sổ kế toán. Sau đó, họa sĩ làm bìa màu xanh trên nền canvas, và khi nhìn thấy, Trương Quý gần như reo lên vì đó đúng là bìa sách anh mong muốn.
Với sự cần mẫn, chăm chỉ đầy say mê trong việc tìm kiếm, khảo cứu tư liệu về Hà Nội, với những “kho” chuyện hay về Hà Nội kể mãi không hết, Nguyễn Trương Quý hứa hẹn sẽ còn tiếp tục ra mắt nhiều tác phẩm hay về Hà Nội, từ tình yêu với thành phố này. Như Đỗ Bích Thúy nhận xét: “Quý chắc chắn sẽ viết nhiều nữa về Hà Nội”.