Hấp dẫn Lễ hội Bà Thu Bồn
Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong tốp 3 Đông Nam Á vào năm 2025
(HNMCT) - Lễ hội Bà Thu Bồn gồm nhiều nghi thức độc đáo, thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch hằng năm tại thôn Trung An (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quang Nam). Đây là lễ hội nổi tiếng linh thiêng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách.
Cho đến giờ, người dân nơi đây vẫn lưu truyền những truyền thuyết khác nhau về Bà Thu Bồn, hay còn gọi là bà Bô Bô - một nữ tướng người Chăm xinh đẹp, có tài điều binh khiển tướng chống giặc ngoại xâm. Một trong những truyền thuyết đó là, sau một lần giao tranh với giặc và thất bại, bà Bô Bô cùng binh lính rút về phía thượng nguồn sông Thu Bồn, chính là vùng Nông Sơn ngày nay. Tại đây, bà đã dạy người dân cách đào giếng, trồng cây thuốc để chữa bệnh, trồng các loại cây lương thực, chăn nuôi gia súc...
Trong không gian lễ hội gắn với di tích Dinh Bà Thu Bồn đã được tỉnh Quảng Nam xếp hạng, hiện vẫn còn nguyên các công trình như: Ao Bà, giếng Bà, vườn Bà, ruộng Bà, ghềnh Bà... gắn với các truyền thuyết về Bà Thu Bồn. Người dân tin rằng bà là người cứu nhân độ thế, phù hộ cho dân làng vượt qua thiên tai, bệnh tật, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong ba ngày diễn ra Lễ hội Bà Thu Bồn, không thể thiếu là các nghi thức quan trọng như: Lễ rước sắc, rước nước, lễ tế Bà, thả hoa đăng... Lễ rước sắc mô phỏng cảnh triều đình nhà Nguyễn về tuyên chỉ sắc phong cho bà là “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần”. Tiếp đó là lễ rước nước. Nước cúng phải được lấy từ giếng Bà, nơi có mạch nước ngầm từ rừng chảy ra và chưa bao giờ cạn suốt nhiều thế kỷ. Khi đoàn rước nước đi qua vườn Bà sẽ dừng lại cho “quân lính” hái lá thuốc để về nấu nước dâng cúng. Nghi thức này phản ánh việc bà truyền dạy cho dân làng cách dùng các loại lá cây để chữa bệnh. Khi lễ tế kết thúc, dân làng sẽ đặt vật phẩm, hương hoa lên thuyền, thả hoa đăng và bày tỏ ước nguyện của mình. Hoa đăng thả xong cũng là lúc trời hửng sáng.
Bên cạnh phần lễ là phần hội với các hoạt động và trò chơi dân gian như: Hô bài chòi, trình diễn nghệ thuật tuồng, đua thuyền... thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong vùng khiến không khí ngày hội càng vui tươi, náo nhiệt.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/956857/hap-dan-le-hoi-ba-thu-bon