Hấp dẫn nghề pha chế

Với ưu điểm thời gian học nghề ngắn từ 3 - 6 tháng, chú trọng thực hành hơn lý thuyết, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động nên nghề pha chế đang được ưa chuộng, thu hút nhiều học viên.

Sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại trình diễn kỹ năng pha chế đồ uống tại Ngày hội hướng nghiệp - việc làm năm 2025 do UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: PV

Sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại trình diễn kỹ năng pha chế đồ uống tại Ngày hội hướng nghiệp - việc làm năm 2025 do UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: PV

Điều chỉnh “điểm rơi” thực tập nghề nghiệp

Trường Cao đẳng Thương mại (Đà Nẵng) đang điều chỉnh tiến độ đào tạo để thời điểm thực tập của sinh viên dịch vụ - du lịch, trong đó có ngành kỹ thuật pha chế đồ uống rơi đúng cao điểm mùa du lịch. Theo ông Võ Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, việc điều chỉnh này nhằm khớp với nhu cầu nhân lực mùa cao điểm của các doanh nghiệp đã ký kết hợp tác.

“Mùa cao điểm như dịp Tết, lễ, hè…, khối lượng công việc của doanh nghiệp ngành du lịch lớn. Những dịp này, sinh viên thực hành, thực tập mới có cơ hội làm việc thực tế và doanh nghiệp rất cần người. Đây chính là mùa học kỳ doanh nghiệp. Chứ mùa thấp điểm, khách vắng cũng không có nhiều việc cho sinh viên trải nghiệm để tích lũy kỹ năng, tay nghề”, ông Sơn khẳng định.

Ngoài tuyển sinh trình độ sơ cấp và trung cấp về pha chế, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng còn mở thêm các khóa đào tạo ngắn hạn dưới 6 tháng. Chia sẻ của ông Võ Hồng Sơn: “Mỗi khóa đào tạo ngắn hạn chỉ cần từ 18 - 20 học viên là đủ mở lớp. Có học viên trước đó đã học nghề ở bên ngoài, theo hướng cầm tay chỉ việc tại quán cà phê, bar… nhưng cần chứng chỉ để có thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng nên vẫn đăng ký học tại trường để thi”.

Dù tần suất tuyển sinh các khóa đào tạo ngắn hạn nghề pha chế của Trường Cao đẳng Thương mại không “dày” như các trung tâm đào tạo nghề nhà trường vẫn duy trì để đáp ứng nhu cầu học viên. Khác với một số ngành nghề khác, nhiều người học nghề pha chế theo kiểu cầm tay chỉ việc, học kinh nghiệm từ môi trường làm việc thực tế, như vậy vừa có khoản lương nhất định, mà không mất học phí.

“Có thể sau thời gian kinh doanh hoặc làm việc thực tế, học viên sẽ tìm đến các khóa đào tạo theo nhu cầu để có thể học một cách bài bản về nguyên lý, phương pháp pha chế…”, ông Sơn nhận xét.

Vừa tốt nghiệp khóa học ngắn hạn về pha chế tại một cơ sở dạy nghề ở quận Hải Châu (Đà Nẵng), Hoàng Minh Châu cho biết, tuy có thời gian dài làm việc tại quán cà phê nhưng chỉ có thể pha chế một số thức uống đơn giản, thực đơn không phong phú và chưa có đồ uống phù hợp giới trẻ.

“Với khóa học này, tôi biết cách nhận diện và phân loại đồ uống, nắm được phương pháp, kỹ thuật và nguyên lý cơ bản trong pha chế để có nền tảng tốt cho sự sáng tạo. Cùng một loại nguyên liệu nhưng chỉ cần gia giảm số lượng đã cho ra một vị thức uống khác nhau”, Châu chia sẻ.

 Sinh viên kỹ thuật pha chế đồ uống Trường Cao đẳng Thương mại (Đà Nẵng) tham gia Hội thảo Xu hướng thức uống mang hương vị quốc tế và Việt Nam 2024-2025 do nhà trường và doanh nghiệp phối hợp tổ chức. Ảnh: NTCC

Sinh viên kỹ thuật pha chế đồ uống Trường Cao đẳng Thương mại (Đà Nẵng) tham gia Hội thảo Xu hướng thức uống mang hương vị quốc tế và Việt Nam 2024-2025 do nhà trường và doanh nghiệp phối hợp tổ chức. Ảnh: NTCC

Khởi nghiệp tinh gọn

Sau mùa dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Cúc (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) không tìm được việc làm đúng ngành kế toán. Loay hoay một thời gian ngắn, chị Cúc quyết định đăng ký khóa học pha chế dạng cơ bản gồm cà phê, một số loại nước giải khát thông thường như nước chanh, nước cam, các loại trà trái cây, trà gừng, soda…

“Học phí cho cả khóa học ở mức vừa phải, thời gian học ngắn. Ngoài học về phương pháp, kỹ thuật pha chế từ cơ bản đến chuyên sâu, hiểu được nền tảng để tự sáng tạo đồ uống, tôi còn được cung cấp kiến thức, một số kỹ năng để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc mở quán kinh doanh. Từ phân tích mô hình cà phê kinh doanh đang hiệu quả, nguyên nhân thất bại của một số mô hình để học viên chọn lọc, định hướng kinh doanh… đã giúp tôi có đủ tự tin để mở một quán giải khát nhỏ”, chị Cúc cho biết.

Trong khi đó, chị Thái Thị Thắm (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng) theo học lớp chuyên sâu về sữa hạt dinh dưỡng rồi tự kinh doanh chỉ vài tháng sau đó. Ngoài kiến thức, kỹ thuật về pha chế, chị còn được dạy cách trang trí, chụp hình sản phẩm, sử dụng các mạng xã hội để quảng bá, cách tối ưu hóa các khâu trong vận hành kinh doanh như cân đối nguyên liệu đầu vào và thành phẩm…

Thời gian gần đây, Đà Nẵng xuất hiện nhiều mô hình xe đẩy cà phê. Hình thức kinh doanh cà phê take away (cà phê mang đi) ra đời từ thói quen thưởng thức cà phê của mọi người có sự thay đổi. Anh Võ Văn Tiệp (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, chi phí để đầu tư cho quán cà phê di động chỉ khoảng 5 triệu đồng cho cả mua sắm nguyên liệu ban đầu, đóng tủ, mua thêm vài chiếc ghế xếp.

Ngoài một số loại cà phê được giới trẻ và dân văn phòng ưa chuộng như cà phê muối, cà phê trứng, anh Tiệp còn bán kèm thêm cả trà trái cây giải nhiệt vào mùa Hè. Thu nhập trung bình mỗi ngày của anh Tiệp dao động từ 300 - 400 nghìn đồng.

Kinh doanh cà phê take away vừa ít tốn phí, vừa hợp thị hiếu người dùng. Do tính thuận tiện, giá rẻ và quen thuộc với nhiều khách hàng nên mô hình kinh doanh cà phê mang đi có mặt ở nhiều tuyến phố du lịch, mua sắm… ở Đà Nẵng. Nhiều sinh viên đã mạnh dạn thử nghiệm kinh doanh với mô hình cà phê mang đi này.

Bartender Thái Thanh Bình - giảng viên bộ môn Nghiệp vụ bar, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Điều kiện kinh tế của sinh viên trường nghề không mấy khá giả, do đó, chi phí thực hành phải ở mức cực thấp để các em có thể thỏa sức sáng tạo lâu dài.

Thế nên, ngoài những công thức chế biến phổ biến, giảng viên phải mày mò cho ra đời các loại cocktail mới để các em có nhiều cơ hội thực hành với những nguyên liệu không quá đắt đỏ. Sáng tạo cocktail dành cho sinh viên tốn nhiều thời gian, bởi khi đã giới thiệu với sinh viên thì loại thức uống đó phải chuẩn, không được có sơ suất”.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hap-dan-nghe-pha-che-post731881.html