Hát bội: Vinh quang và trái ngang
Nghệ thuật hát bội gắn bó với người dân Nam Bộ hơn 500 năm qua với một thời kì vàng son rực rỡ. Nhưng dường như giờ đây vinh quang ấy đã lu mờ dần. May mắn rằng, vẫn luôn còn những nghệ sĩ hát bội yêu nghề, nỗ lực thắp lửa và truyền lửa, để sân khấu hát bội vẫn còn được đôi chút rộn ràng.
Ngược dòng lịch sử
Nếu nói đến một loại hình nghệ thuật đặc sắc gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người dân Nam Bộ một cách sâu sắc và lâu đời, thì không thể không kể đến nghệ thuật hát bội.
Nghệ thuật hát bội là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, có nguồn gốc từ nền văn hóa và tín ngưỡng dân gian. Hát bội kết hợp giữa diễn xuất, hát, múa và đánh đàn, tạo nên một hình thức biểu diễn nghệ thuật đa sắc màu và độc đáo.
Lịch sử hát bội Việt Nam có xuất phát từ thời Lý - Trần (thế kỷ 11 - 14), sau đó phát triển mạnh mẽ và đạt đến đỉnh cao trong thời Lê - Trịnh (thế kỷ 15 - 18). Trong giai đoạn này, hát bội được xem là hình thức nghệ thuật chính thức của triều đình và được biểu diễn trong các dịp lễ hội và sự kiện quan trọng.
Trong thời kỳ nhà Lê (16 - 18), hát bội chia thành hai thể loại chính là bội ở cung và bội ngoại. Bội ở cung được biểu diễn tại triều đình, thể hiện cuộc sống cung đình và các sự kiện lịch sử. Trong khi đó, bội ngoại được biểu diễn ở các đình làng, chùa đền và các dịp vui chơi giải trí. Hát bội không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa và tư tưởng của dân tộc mà còn là phương tiện truyền bá tri thức và giáo dục.
Trên con đường mở rộng bờ cõi, ông cha di cư từ phương Bắc xuống phương Nam, mang theo phong tục tập quán, lễ nghi, đạo đức, nếp ăn ở... Trong quá trình “mở cõi” ấy, âm nhạc là người bạn tinh thần không thể thiếu. Thế nên, theo chân cha ông ta đi khai phá đất đai, hát bội vào phương Nam, trở thành một phần của bản sắc văn hóa phương Nam.
Nói đến hát bội, không thể không nhắc đến danh nhân Đào Duy Từ, một nhân sĩ tài danh có nhiệm vụ phò tá các đời Chúa Nguyễn lần đầu đi khai phá mảnh đất Đàng Trong. Dưới chế độ phong kiến của triều đình Lê, Trịnh ở Đàng Ngoài, nghề hát bị bạc đãi, khinh rẻ, bị liệt vào phường “xướng ca vô loài”. Là con của đào hát, Đào Duy Từ dẫu là một tài năng văn chương vẫn bị cấm không được tham gia khoa cử. Phẫn chí, ông trốn vào Đàng Trong, sau đó được Chúa Nguyễn trọng dụng, coi là bậc Đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Trong quá trình trợ giúp nhà Nguyễn, Đào Duy Từ đã mang vào xứ Đàng Trong một tài sản văn hóa quý giá là nghệ thuật hát tuồng, hát bội và lập ra đội nhã nhạc, đưa nghệ thuật sân khấu vào lễ nhạc cung đình. Ngày 12/8 âm lịch hằng năm là ngày giỗ Tổ âm nhạc, kịch nghệ Việt Nam. Theo tập tục, người cúng phải khấn “Quốc Công Đào Duy Từ” vào hàng tiền Tổ âm nhạc, kịch nghệ Việt Nam.
Đến năm 1813, Tả quân Lê Văn Duyệt, tổng trấn thành Gia Định rất thích hát bội. Trước đó, hát bội đã vốn là nghệ thuật được dân gian ưa chuộng, nhờ vào công của Tả quân Lê Văn Duyệt còn “phát dương quang đại” hơn. Chẳng những Tổng trấn có riêng một đội hát bội, mà các quan xa gần thuộc trấn Gia Định đều tranh nhau lập đoàn hát bội, nuôi con hát trong hàng ngũ của quân đội.
Nghệ thuật hát bội ở miền Nam có đặc trưng rất riêng so với vùng đất xuất phát điểm ra nó. Hát bội miền Nam thời xưa có sự ảnh hưởng của hí kịch Trung Quốc của người Minh Hương (người Trung Quốc đời nhà Minh di cư sang miền Nam) và với nghệ thuật hát của người Cao Miên (Campuchia). Rồi theo thời gian, hát bội miền Nam dần dần hoàn thiện, tạo thành một bản sắc riêng rất độc đáo, không đâu có được.
Những người giữ nghiệp
Thời thịnh vượng của hát bội, có rất nhiều đoàn hát bội nổi tiếng khắp miền Nam, được nhân dân mến mộ. Cần Thơ là một trong những vùng đất mà hát bội phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra nhiều gánh hát bội nổi danh khắp miền Nam. Có thể kể đến gánh hát bội Bầu Bòn do ông bầu Bòn, quê quán ở Phụng Hiệp thành lập, không chỉ nổi tiếng ở Cần Thơ mà còn khắp Nam kỳ lục tỉnh. Gánh hát bội Tân Lập Ban do ông bầu Lễ thành lập với 50 - 60 diễn viên đi lưu diễn các đình làng tại Cần Thơ và nhiều nơi như Cà Mau, Bạc Liêu, Châu Ðốc, Vĩnh Long... Ba người con trai của Bầu Lễ tách ra thành lập thêm 3 gánh hát bội nữa là Hữu Ân, Hữu Nghĩa và Phước Tấn. Cháu của ông bầu Phước Tấn là diễn viên Phương Ánh kế nghiệp của cậu, lập ra câu lạc bộ tuồng cổ, sau là đoàn tuồng cổ Phương Ánh, đoàn còn hoạt động cho đến ngày nay.
Còn có gánh hát bội Thành Phước có nguồn gốc từ một gánh hát bội ở miền Trung, từ cô đào Nguyễn Thị Năm từ miền Trung vào lưu diễn ở Cần Thơ, kết hôn phú nông Huỳnh Văn Lắm. Sau đó ông Lắm bán đất ruộng cùng vợ lập ra gánh Thành Phước đi lưu diễn nhiều nơi. Gánh Thành Phước vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Ở Gia Định, thập niên 1940 cho đến những năm đầu của thập niên 1950 có gánh hát bội danh tiếng Tấn Thành Ban, do ông huyện Trần Khiêm Cung làm bầu gánh.
Tuy nhiên, từ năm 1950 trở đi, nghệ thuật hát bội bắt đầu suy tàn. Các gánh hát bội tan rã dần, người dân cũng bắt đầu chuyển hướng quan tâm đến nhiều loại hình nghệ thuật mới lạ hơn, du nhập từ phương Tây vào.
Đến nay, cả miền Nam chỉ còn vài gánh hát bội nỗ lực vượt khó để duy trì. Có thể kể đến gánh Thành Phước và gánh Phương Ánh, hai gánh hát bội ít ỏi cuối cùng của Cần Thơ, đoàn tuồng cổ Ngọc Khanh - đoàn hát bội hiếm hoi ở Sài Gòn, đoàn tuồng Long Phụng ở Bình Thuận, đoàn tuồng cổ Thái Vinh ở Bình Dương, gánh tuồng cổ Minh Tơ - một gia tộc tuồng danh giá trăm năm theo tuổng cổ... Để duy trì những đoàn tuồng này đến 2, 3, 4 thế hệ không phải là điều không hề dễ dàng. Nghề hát tuồng không mang nhiều vinh quang, danh vọng hay tiền bạc về cho nghệ sĩ, chỉ có lòng yêu nghề, có tình yêu thủy chung của một bộ phận khán giả là liều thuốc tinh thần giúp họ vẫn tiếp tục trên cuộc hành trình gian khổ của mình. Có nhiều thành viên trong đoàn tuồng, sau giây phút tỏa sáng trên sân khấu, trút đi lớp son phấn xiêm y lộng lẫy, trở về “buôn thúng bán bưng”, chạy xe ôm kiếm sống. Vậy mà họ rất nhiệt huyết với nghề, vừa tổ chức lưu diễn khắp nơi, thường xuyên đổi mới vở diễn, đưa tuồng tích lịch sử Việt, đưa hơi thở thời đại vào vở diễn, rồi tiếp cận khán giả trẻ thông qua mạng xã hội... Nhiều người lo lắng rằng, với sự vất vả của nghề mà ít nhận được hậu đãi xứng đáng, không biết các gánh tuồng cổ còn duy trì được đến bao lâu.
Hát bội từng sản sinh ra những nghệ sĩ nổi tiếng như Đào Tấn, Trần Hữu Trang… Ở vùng Sài Gòn - Gia Định (xưa) và nay là TP HCM, có rất nhiều nghệ sĩ hát bội tài danh, nổi tiếng được nhiều khán giả mến mộ, được Nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng danh giá như: Thành Tôn, Ba Út, Năm Đồ, Đinh Bằng Phi… rồi đến các thế hệ sau: Ngọc Dung, Kim Thanh, Ngọc Khanh, Ngọc Nga, Xuân Quang, Linh Hiển…
Các nghệ sĩ thế hệ trước lẫn sau này đều có những cống hiến lớn cho nghệ thuật hát bội, nỗ lực hết mình góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, trao truyền cho thế hệ mai sau.
Đáng buồn là sau những thế hệ vàng son của hát tuồng kể trên nghệ thuật hát bội hiện nay hầu như không sản sinh thêm được nghệ sĩ nào đáng kể nữa. Để gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát bội tại miền Nam Việt Nam, có lẽ cần đến sự nỗ lực của không chỉ các nghệ sĩ giàu lòng yêu nghề, mà quan trọng là cơ quan quản lý về văn hóa cần tiến hành các biện pháp bảo tồn và khôi phục, đồng thời tăng cường hoạt động đào tạo và giáo dục thế hệ kế cận cho nghệ thuật hát bội.
Thời đại đã đổi thay, có những thứ quý giá đã mất đi vĩnh viễn. Khi còn có thể, hãy nỗ lực để gìn giữ lại những vẻ đẹp vàng son đã đi cùng một thời kì lịch sử, đi cùng những buồn vui, nỗi niềm của người Việt qua bao thế hệ.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hat-boi-vinh-quang-va-trai-ngang-post475993.html