Hạt gạo làng trường tồn qua cả ngàn năm
Có một Tam Sơn bình dị lặng thầm trong từng hạt lúa, củ khoai. Tam Sơn của những người nông dân bao đời tảo tần, gìn giữ cho những hương ''Nếp hoa vàng'', những ''Di'', ''Dự'', ''Tám thơm'' từ ngàn xưa còn mãi đến hôm nay, cho tôi một tình cảm đong đầy về quê hương - Về làng tôi. Tết này, tôi lại đưa các con, các cháu về quê 'ăn Tết'. Tôi muốn trong tâm hồn các con cháu có một chữ ''làng quê'' với đủ đầy ý nghĩa như hạt gạo làng trường tồn qua cả ngàn năm.
Loại nếp dùng để gói bánh chưng ngày Tết là gạo nếp cái hoa vàng để vỏ bánh được dẻo và mềm.
ẢNH: QUANG VINH
Cha tôi rời khỏi làng đi hoạt động Cách mạng từ những ngày đầu khởi nghĩa. Lũ chúng tôi lớn lên đã thấy mình ở Hà Nội nên vẫn tưởng mình là ''người phố''. Mấy năm đi sơ tán ở nhờ nhà dân, học ''trường làng'' nhưng vẫn ''ăn gạo sổ''. Vì vậy, từ chất ''gạo quê'' đến khái niệm ''quê cha'' trong tôi mơ hồ lắm. Cho đến nhiều năm sau, tôi vẫn không hiểu vì sao ngày ấy đi mua lương thực hàng tháng gạo chỉ có 10% mà vẫn được coi là chính, trong khi sắn, ngô, bột mì tới 90% lại chỉ coi là ''độn''. Phải! cái thứ 90% độn cho 10% lại chẳng bao giờ được ăn no dù chỉ là một bữa, bởi hàng ngày đã có định lượng, bữa này ăn no, bữa sau sẽ nhịn đói. Cái đói còn thấm suốt thời bao cấp, đến mức người ta chỉ thích gạo sổ, gạo mậu dịch ''nấu nở, ăn dôi'' chứ cái ngữ gạo quê ăn tốn lắm. Tôi còn nhớ hồi ở bộ đội, tiêu chuẩn mùa đông được tới gần 8 lạng gạo một ngày mà sao ăn vẫn thấy đói. Có lần đi "dã ngoại" được chia gạo theo tổ ''tam tam'' nấu nhờ nhà dân, mỗi chúng tôi "đánh" đến 5 bát sắt B52, ấy thế mà chưa hết phiên gác đêm, bụng còn đầy ấm ách mà sao vẫn thấy đói. Cái đói dai dẳng, triền miên còn theo chúng tôi suốt cả thời sinh viên, đến nỗi trong một đêm thơ của khoa Văn được sinh viên các khoa khác vỗ tay tán thưởng, đó là câu ''Ba mươi tuổi vẫn thèm cơm tẻ''. Mấy chục năm ăn gạo sổ mậu dịch khiến cái thằng ''người ở tỉnh'' trong tôi quên hẳn mình có quê ở đâu đó. Thế rồi, bỗng dưng đến một lúc các bà nội trợ lại chỉ thích mua những là ''tám thơm'' với "ải mai hương" về ăn, chứ quyết không chịu ăn ''gạo sổ''. Còn cái bụng cũng ít kêu đói như thủa nào.
Cha tôi về hưu, lần đầu tiên ông đưa tôi về thăm làng, nhận họ hàng nhân ngày giỗ họ. Trong vốn từ vựng của tôi từ ngày tập nói cho đến khi ấy chưa bao giờ có chữ ''làng tôi''. Ôi! Cái làng cổ có từ cả ngàn năm trước ở đồng bằng Bắc Bộ. Về làng Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tôi mới được các cụ đọc cho nghe: "Trai Tam Sơn đứng núi Tam Sơn, sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt'', và nhất là được nghe câu đồng dao về vùng quê luôn có ''Một giỏ sinh đồ, một bồ ông cống, một đống ông nghè, một bè tiến sĩ, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhỡn'' chính từ những người làm ra hạt lúa củ khoai. Tôi còn nhớ sách Đại Nam Nhất thống chí có ghi: "Núi Tam Sơn ở cách huyện Đông Ngàn 10 dặm về phía Tây Bắc. Giữa đồng bằng nổi vọt lên ba ngọn núi như chuỗi hạt châu. Xã Tam Sơn là nhân tên núi mà gọi. Chân núi có một đường gân đá khuất khúc như hình rồng, đỉnh núi có hai cái hang, cũng gọi là mũi rồng”. Sách Đăng khoa lục Kinh Bắc lại ghi: Mùa thu, tháng 7 năm Bính Ngọ (1246) vua mở khoa thi Thái Học Sinh, Nguyễn Quan Quang người làng Tam Sơn huyện Đông Ngàn đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (tức trạng nguyên). Trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam đây là khoa thi đầu tiên nhà vua lấy người đỗ cao nhất làm trạng nguyên, vì vậy, Nguyễn Quan Quang trở thành ông “Trạng nguyên khai khoa” của cả nước. Ba người đỗ cao nhất gọi là tam khôi được ghi tên ở một bảng riêng. Trong tiếng Hán chữ Nguyên là trán, nhỡn là mắt, thám là mũi. Người đỗ đầu được ghi trên vị trí cao nhất - trán bảng nên gọi là Trạng nguyên. Người đỗ thứ hai được ghi ở vị trí “mắt bảng” nên gọi là Bảng nhỡn. Người đỗ thứ ba được ghi ở vị trí “mũi bảng” nên gọi là Thám hoa. Trong số 16 người ở làng đỗ tiến sĩ thì có tới 4 ông được ghi trên cái bảng tam khôi ấy trong đó có hai ông ở vị trí khôi nguyên chiếm bảng rồng.
Họ Nguyễn làng tự hào có Nguyễn Quan Quang đỗ trạng nguyên đầu tiên của cả nước rồi sau đó nhiều người đỗ tiến sĩ: Nguyễn Úc (khoa Đinh Mùi 1487), Nguyễn Khiết Tú (khoa Bính Thìn 1496 ), Nguyễn Hi Tái (khoa Tân Mùi 1511), Nguyễn Tự Cường (khoa Giáp Tuất 1514), Nguyễn Hòa Chung và Nguyễn Tảo (khoa Mậu Dần 1518). Họ Ngô ở làng tôi lại tự hào vì có đủ tam khôi đó là: Trạng nguyên Ngô Miên Thiệu (khoa Mậu Dần 1518), Bảng nhỡn Ngô Thầm (khoa Quý Sửu 1493), Thám hoa Ngô Sách Tố (khoa Tân Sửu 1721) và một danh sách dài những tiến sĩ Ngô Luân (khoa Ất Mùi 1475), Ngô Diễn (khoa Canh Tuất 1550), Ngô Trạch (khoa Bính Thìn 1555), Ngô Sách Thúy (khoa Kỷ Hợi 1659), Ngô Sách Dụ (khoa Giáp Thìn 1664), Ngô Sách Tuân (khoa Bính Thìn 1676). Tiến sĩ Ngô Luân có chân trong “Tao đàn nhị thập bát tú” được tuyển vào Đông các, cùng với Thân Nhân Chung và Đỗ Nhuận phụng mệnh phê bình tập thơ Quỳnh Uyển Cửu Ca của vua Lê Thánh Tông.
Qua đoạn nói về truyền thống khoa bảng quê hương ông trưởng họ không quên nhắc nhở con cháu xa gần rằng, Tam Sơn không chỉ sản sinh ra những danh nhân khoa bảng mà còn là quê hương của Ngô Gia Tự lãnh tụ tiền bối của Đảng, Ngô Gia Khảm anh hùng lao động. Và còn biết bao gia đình nữa trong suốt thời gian Đảng ta hoạt động đã một lòng, một dạ bảo vệ Đảng.
Xin chữ đầu Xuân là một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam.
ẢNH: QUANG VINH
Sau phần tế lễ tổ tiên, ôn lại truyền thống của dòng họ và quê hương, họ hàng con cháu ở các nơi về đều dự chung một bữa cơm thân mật. Tôi đã từng được ''chiêu đãi,'' được ăn “cơm khách,'' được “dự tiệc'' khắp trong Nam ngoài Bắc, được nếm nhiều “sơn hào hải vị'', nhiều đặc sản ở các vùng quê, nhưng chưa bao giờ được dự một bữa cơm cộng đồng chan hòa, cởi mở và ngon đến thế. Không có mở bia "lốp đốp'' cụng li ''chan chát'' như vẫn thường thấy ở các cuộc giao đãi thời mở cửa. Mỗi mâm một chai, nhưng là thứ rượu quê được cất từ gạo nếp cái hoa vàng ngon nhất. ''Cơm quê'' được nấu từ thứ gạo Tám thơm đã có trên đất này từ cả ngàn năm. Trong đời, tôi chưa bao giờ được nhẩn nha, thưởng thức cái vị dẻo thơm được kết tinh từ đất, từ nước, từ bàn tay ''một nắng hai sương'' một cách ngon lành đến thế. Bao nhiêu năm không có làng phải đến ngoài tuổi 40 tôi mới được ăn bát cơm đầy đủ hương vị ở cái "làng quê mình''. Ông bác trưởng họ tôi, người đã chứng kiến gần trọn thế kỷ - anh khóa sinh duy nhất còn sống của một dòng họ có đến 10 ông tiến sĩ nói với tôi rằng: ''Dân làng ta xưa trồng cả tám xoan, tám tròn, tám sơn, tám nghệ, tám dài, tám trắng. Riêng cái anh lúa nếp cũng có hàng chục loại khác nhau như nếp cái hoa vàng, nếp cái vàng mép, nếp cái mỡ hồng, nếp cái sớm, nếp con hươu... Lại còn cái anh di hương, dự lùn, dự thơm nữa chứ, toàn các thứ gạo ngon cả. Tiếc rằng các anh chưa được ăn''. Nhấp một hớp rượu nếp cái hoa vàng như để nhớ lại một thời huy hoàng, ông nhỏ nhẹ: ''Những giống lúa của các cụ ngày xưa để lại cũng là những giống lúa được tuyển trọn đời này qua đời khác đã quen với thủy thổ chịu được úng hạn, sâu bệnh, gạo đã ngon lại có nhiều rơm rạ đun nấu và cho trâu bò ăn. Còn bây giờ...'' Tôi ngắt lời cụ - Bây giờ thì sao hở bác? - Bây giờ nhiều giống lúa mới cho hơn thóc đấy nhưng hay bệnh lắm, thân thì ngắn động mưa là ngập ủng ngọn, mới hạn đã chết, mà gạo thì ăn nhạt".
Có nhiều giọng nói khác nhau sau câu nói của bác tôi:
- Bây giờ đất chật người đông phải trồng giống lúa mới, mới đủ ăn ông ạ!
- Nói thế, bây giờ người ta cần ăn ngon chứ cần gì ăn nhiều!
- Thì phải năng suất cao nhiều thóc thì mới chóng làm giàu được chứ.
- Chắc gì, vụ vừa rồi đấy, mấy sào lúa giống mới nhà tôi năng suất gấp rưỡi nhà ông thông gia nhưng 1 cân gạo tám nhà ông ấy lại đắt gấp mấy lần gạo giống mới. Đấy là giá bán ngoài chợ chứ xuất khẩu sang Nhật nghe đâu còn đắt gấp dăm bảy lần kia...!
Tiếng tranh luận về cái hay, cái dở của giống cũ, giống mới còn râm ran mãi... Tôi không phản đối những tập đoàn lúa giống mới đã đưa năng suất lúa của cả xã, cả huyện, cả tỉnh, cả nước lên gấp đôi, gấp ba ngày xưa thiết thực xóa đói, giảm nghèo ở nhiều vùng quê. Vả lại, so với thứ gạo kho thời bao cấp người thành phố quen dùng thì gạo giống mới đã là quá ngon rồi. Thế nhưng lấy hiệu quả kinh tế làm chuẩn, không nhất thiết trồng lúa giống mới là phải bỏ hết các giống lúa cũ, nhất là các giống lúa ngon đã được thử thách, lựa chọn qua cả ngàn năm, đã quen thổ nghi, chống được sâu bệnh, chịu được hạn úng và cả những thay đổi khắc nghiệt của thời tiết. Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều giống lúa mới không ổn định, chỉ được dăm ba vụ đầu, sau đó giảm dần năng suất. Còn chất lượng gạo thì các loại giống mới thua xa các giống cổ truyền. Vì thế, cùng với việc phát triển các giống lúa mới, vẫn cần giữ gìn, lai tạo, phục hồi các giống lúa truyền thống đang có nhu cầu tiêu thụ không chỉ ở Hà Nội và các thành phố lớn. Sau mấy năm đổi mới, người dân quê tôi đã dùng lại cả rượu nếp cái, cơm gạo dự, gạo tám dù chỉ là trong những ngày lễ tết. Cha tôi bảo, những sản vật ấy của quê tôi trước đây đều được lựa chọn để tiến Vua. Chắc rằng, các ông trạng nguyên, tiến sĩ người Tam Sơn ngày xưa không được ăn gạo kho nhưng các loại gạo Di, gạo Dự, gạo Tám, các ngài đều được hưởng từ bé. Vì vậy, khi vinh quy bái tổ về làng trong các lễ cúng tạ ân trời đất, tổ tiên, không thể thiếu được những sản vật ấy của quê hương.
Làng tôi xưa mang tên cho cả xã, cả tổng. Từ lâu, cả nước biết đến :''Tam Sơn địa linh nhân kiệt'', ''Tam Sơn làng tiến sĩ'', ''Tam Sơn có đủ tam khôi'', ''Tam Sơn trạng nguyên khai khoa'', ''Tam Sơn có chùa trăm gian'', ''Tam Sơn quê hương Ngô Gia Tự'',''Tam Sơn quê hương nghìn việc tốt'',''Tam Sơn nơi Bác Hồ đã về thăm...''. Nhưng, có một Tam Sơn bình dị lặng thầm trong từng hạt lúa, củ khoai. Tam Sơn của những người nông dân bao đời tảo tần, gìn giữ cho những hương ''Nếp hoa vàng'', những ''Di',' ''Dự'', ''Tám thơm'' từ ngàn xưa còn mãi đến hôm nay.