Hạt gạo mùa 'Covid-19'
Tổng cục Hải quan vừa phát công điện hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với mặt hàng gạo từ 0 giờ ngày 24/3/2020.
Cụ thể, trong công điện do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành ký nêu rõ thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của COVID-19, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức, kể từ 0 giờ ngày 24/3. Cơ quan Hải quan các địa phương chỉ giải quyết thủ tục thông quan cho những lô hàng xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24/3.
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ vài tuần trước, các báo hân hoan đưa tin rằng: “Dù ảnh hưởng COVID-19, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tăng trưởng ngoạn mục”. “Xuất khẩu gạo, điểm sáng giữa đại dịch COVID-19”, “Những con số cụ thể được dẫn ra với đánh giá gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động bởi dịch COVID-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 929.000 tấn, thu về hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với bản tin về tăng trưởng xuất khẩu gạo, số lượng gạo xuất sang thị trường Trung Quốc không thể không khiến chúng ta băn khoăn, bởi trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng rất mạnh, với mức tăng gần 600% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD. Nên biết, do ảnh hưởng dịch, dự báo lượng gạo ở Trung Quốc sẽ giảm, do đó việc họ đẩy mạnh nhập khẩu gạo là điều không có gì khó hiểu, thậm chí với việc mua giá cao, nhập khẩu mạnh, nếu không kiểm soát được chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.
Nếu lượng gạo dự trữ còn rất lớn nhưng chúng ta “bế quan tỏa cảng” gạo, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bà con nông dân và những doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nhưng nếu không có những biện pháp mạnh để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh COVID-19 vẫn chưa xác định sẽ diễn biến ra sao, khi nào chấm dứt... chắc chắn hậu quả về sau sẽ khôn lường. Bởi cùng với dịch bệnh, đồng bằng sông Mê Kông - vựa lúa lớn nhất nước ta đang lâm vào đợt thiên tai hạn mặn càng khiến sản lượng lúa gạo suy giảm trong thời gian tới.
Cho dù hiện nay trên đất nước ta có rất nhiều cửa hàng Piaza, Spaghetty, Mc Donal, Kentucky… nhưng với cộng đồng đa số người Việt, chắc chắn không một “thức ăn Tây” nào thay thế được bát cơm truyền thống từ ngàn đời nay được, cho dù chỉ là bát cơm ăn chan cùng nước tương hay nhai với muối hạt đi nữa.
Hơn bao giờ hết, vừa có thể đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh này, vừa không để bà con nông dân, những người sản xuất là lúa gạo phải lao đao vì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong thời điểm này, Chính phủ nên có những phương án hỗ trợ cho nông dân và quản lý tốt nguồn lương thực chiến lược này.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=76&modid=423&itemid=147326