Những hạt muối nhọc nhằn ngày nắng gắt
12 giờ trưa, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 độ C, hàng trăm diêm dân của HTX Vạn Nam (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vẫn say sưa làm việc. Với quan niệm "làm một ngày, ăn cả năm", những diêm dân oằn mình dưới nắng và gió để tạo ra những tinh thể muối trắng muốt.
Ông Hoàng Ngọc Biên – Chủ nhiệm HTX Vạn Nam cho biết: “Cánh đồng muối của HTX có diện tích 51 ha, 135 hộ với 462 lao động. Thời điểm này, người dân cơ bản đã ổn định sản xuất. Năm 2019, HTX sản xuất được khoảng 2.000 tấn muối”.
Đôi bàn tay thoăn thoắt xúc đất, bà Đặng Thị Thao (55 tuổi, xóm Vạn Nam, xã Diễn Vạn) tâm sự: “Nghề này vất vả, thu nhập bấp bênh nên mấy năm trở lại đây nhiều người chuyển qua làm công việc khác như buôn bán, xây dựng,… Gia đình tôi 3 đời làm muối nên vẫn phải cố bám trụ với nghề”.
Theo bà Thao, để làm ra hạt muối phải trải qua khá nhiều công đoạn. Việc đầu tiên là làm đất nền, sau đó xúc đất vào dạt, tưới nước mặn từ bể vào sân phơi. Buổi chiều lúc 3-4h muối bắt đầu lên hạt thì đó là lúc thu hoạch muối.
Chỉ mới 30 phút làm việc nhưng nguyên vạt áo của bà Thao đã ướt sũng. Vị mặn của mồ hôi trên cánh đồng muối bao lâu nay được ví von là "mặn hơn muối".
Sau khi đổ đất, diêm dân sẽ múc nước từ kênh rải vào đất nền, mục đích làm cho đất nền đỡ khô, tăng độ thấm lọc cho nước muối.
Múc nước từ kênh dẫn đổ vào bể lọc và kiểm tra việc ngấm nước qua đất nền chảy vào bể chứa nhỏ.
Muối bắt đầu lên hạt.
Theo quan niệm của diêm dân, nắng càng nóng thì chất lượng muối càng tốt. Vì vậy, những ngày này, bà con diêm dân tranh thủ ra đồng làm việc.
Nụ cười hiếm hoi của hai mẹ con trên cánh đồng muối phút nghỉ giải lao.
Tầm 4h chiều, khi nắng đã bớt gay gắt, diêm dân sẽ thu hoạch muối.
Muối được các thương lái đến tận nơi lấy với giá dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg.
Gắn bó với hạt muối mặn, cuộc sống của những diêm dân nơi đây vẫn còn nguyên sự vất vả, nhọc nhằn. Sau một ngày nắng nóng, niềm vui theo cùng tiếng xe cút kít chênh vênh đi trên lối mòn đẩy xe muối trĩu nặng vào kho.
Thu Hiền