Hát ru của đồng bào Mường và tri thức đầu đời dành cho con trẻ

Hát ru Mường là loại hình văn học dân gian được sáng tác bằng ghi nhớ và truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hát ru là sáng tạo tập thể của Nhân dân lao động, phản ánh sự nhận thức về thế giới tự nhiên và xã hội.

Trẻ thơ dân tộc Mường trong khúc ru nôi.

Trẻ thơ dân tộc Mường trong khúc ru nôi.

Thông qua hát ru, người Mường truyền dạy cho con trẻ những tri thức bản địa về thế giới tự nhiên và các hiện tượng của thiên nhiên để trẻ thơ nhận biết và mai ngày lớn khôn chung sống với tự nhiên, cùng tồn tại và phát triển bền vững. Lời ru thủ thỉ, tâm tình giúp trẻ thơ nhận biết về mặt trời và sắc màu của nắng: “...Đi chơi với ông mặt nắng/ Nắng hôm nay nắng đỏ/ Nắng hôm nay nắng vàng”. Nhận biết về thời tiết, sự chuyển giao mùa vụ thông qua biểu hiện của thực vật cỏ, cây, hoa, lá: “...Hoa bông danh nở thì trời nắng/ Hoa bông trắng nở thì trời râm/ Ăn trái bùi về mùa tháng tám/ Ăn trái trám về mùa tháng bảy”. Tri thức về sự thích ứng của loài vật với thời tiết: “Cầy cum đi ăn quả vải/ Có ngày ấm ngày lạnh/ Mùa nóng nó làm nhà trên bọng cây/ Mùa rét nó làm nhà trong hang”...

Gắn bó với môi trường đa dạng của tự nhiên và phương thức sản xuất nông nghiệp, canh tác và trồng lúa, sản xuất lương thực, bởi vậy người Mường rất cần nguồn nước, quý trọng nước để có nguồn nước tưới tốt cho cây trồng, vật nuôi, tri thức ấy được phản ánh trong hát ru: “Có nước mới có ruộng/ Có nước thứ gì cũng có/ Thiếu nước chết khát, chết khô”...

Khi tiếng sấm báo hiệu cơn mưa vàng, mưa bạc, đem đến nguồn nước mát lành, người Mường không ai bảo ai tất cả ra đồng cấy lúa, trồng bông: “Sấm động bên kia Mường Yên, Rặc/ Sắm sửa cày bừa làm ruộng dưới, nương trên”. Nước không chỉ giúp người Mường làm ra lương thực, có nước mới có dòng sông để “Chèo thuyền sông Cái/ Chèo thuyền sông con”. Nước, dòng sông cho con người cuộc sống: “Người Mường đi xuống sông tắm/ Mẹ đi xúc con cá bống về nuôi/ Bắt lấy con cua về mớm/ Bắt lấy con cá đem về nướng ăn”. Nguồn nước, dòng sông, ngọn suối xuất hiện nhiều trong những bài hát ru, phản ánh về nước - nhu cầu của sự sống và được người Mường xứ Thanh coi trọng như là báu vật: “Muốn quăng chài vượt sang Cửa Tró/ Muốn uống nước mó lên núi Đồi Sơn/ Làng Mai có suối Hón trơn/ Lam điền cò lả dập dờn bay cao” và “Làng Sịa uống nước suối Đá mài/ Mường Khô, Ai uống nước máng, nước ruộng”.

Gắn bó mật thiết với núi rừng, làm bạn với cỏ cây, chim chóc, bởi vậy hát ru Mường cũng chính là tri thức nhận biết về các loài vật: “Nói một chuyện đàn chim đỏ mỏ/ Mình nó vừa đen vừa xanh là con quạ/ Có lông đen lông bạc, là con chim mồ cổ/ Xấu hổ chim công/ Bay xuống đồng chim hạc/ Nhao nhác là đàn chim sẻ/... Chim quốc nó kêu về mùa tháng ba/ U oa nó kêu về mùa tháng tư/ Đánh trống bìm bịp/ Bay không kịp đàn cò/ Thò chân chim cu/ Cưỡi trâu chim sáo/ Không mặc áo chim cu lo/ Ăn no chim chiếng/ Bìm bịp ăn đầy bờ khe/ Dế dủi ở đầy miệng hốc”... Tri thức về các loài chim và hoa quả mà trẻ em ưa thích: “Con chim Mị nó ăn trái đào /Con chim Ki Ngao nó ăn trái mận/ Con chim sáo sậu nó đậu lưng trâu/ Con chim cu cu ăn quả nhỏ Nạo/ Con sáo nó ăn quả Nhả Ne”...

Tri thức về các loài thực vật trên rừng, ngoài ruộng, các khoáng chất và thuốc cỏ được người Mường đúc rút dùng để chữa trị bệnh tật: “Lấy thuốc, thì lấy cây vo/ Lấy cỏ thì lấy cây sa nhân”.

Gắn bó với ruộng đồng, tri thức về canh tác và sản xuất nông nghiệp được thể hiện trong khúc đưa nôi, vỗ về con trẻ: “Con ngủ ngoan để mẹ dắc trâu đen đi ra cày dọc/ Con ngủ đi để mẹ dắc trâu bạc đi ra bừa ngang/ Cho mẹ trồng vườn khoai lang trước cửa/ Con ngủ đi cho mẹ đúc gà gáy sáng/ Ăn trái bùi về mùa tháng tám... Con ngủ đi cho bố với mẹ đi đào ao/ Để về ngày mai cho con thả cá/ Con thả lấy cá râm bằng ván rộng/ Cá gốc to bằng ván chèo”.

Với công cụ sản xuất, ngay từ lúc đầu đời, qua lời hát ru, mẹ cha, ông bà đã truyền dạy cho bé thơ làm quen với dao, thúng, thuyền, lưới, đò, cối-chày,... những công cụ gắn bó với nghề nghiệp và cuộc sống thường ngày: “Nhà có võng để em ngủ mát/ Nhà có vát cho mẹ đồ xôi/ Nhà có nơm cho mẹ nấu gạo/ Nhà có dao cho em chặt củi/ Nhà có túi cho em để vòng/ Nhà có thuyền để ún qua sông”.

Tri thức về các con vật gần gũi, thân quen: “Con gà trống ăn gốc cây bưởi/ Nó nói sợ anh chàng cáo/ Nó xin về nhà ăn bên cối gạo/ Chập tối nó đi ngủ/ Đầu canh năm nó dậy/ Nó dậy vỗ cánh gáy ke re”. Tri thức về các loài chim và sự chuyển mùa: “Chim quốc nó kêu về mùa tháng ba/ U oa nó kêu về mùa tháng tư/ Đánh trống bìm bịp/ Bay không kịp đàn cò/ Thò chân chim cu/ Cưỡi trâu chim sáo/ Không mặc áo chim cu lo/ Ăn đã no chim chiếng/ Ăn đã cạn mường nông/ Bay xuống đồng chim hạc/ Bạc đầy là chim va làng/ Bay từng đàn là đàn chim vẹt”.

Kinh nghiệm chọn những vùng đất, đồi rừng đi bẫy chim, săn thú: “Bắn lên cây gắm/ Được con chuột vàng/ Bắn xuống thung nang/ Được con chuột bay/ Bắn lên đồi Hàn/ Được con chuột nắp/ Bắn lên đồi Náp/ Được con càng cỏi”.

Hát ru đề cập tới chu trình và thao tác để có được cơm dẻo, xôi thơm: “Nắng hôm nay nắng vàng/ Lấy lúa khú, lúc vàng trong sang đi ra mà vò/ Cái nào lép, để cho vịt cho gà/ Hạt nào chắc, mang phơi trên gác cho khô/ Đổ vào cối để xay/ Xay xong đổ vào cối lấy chày giã cho gạo trắng/ Lấy nong, sảy đi cho sạch/ Mang lên nhà ngâm gạo vào ang bạc/ Đổ nước vào chậu ang đồng/ Gạo ngấm nước thì bắng niếng đồ xôi/ Hông thì ở trên, niếng thì ở dưới/ Khi cơm đã chín thì bắc xuống/ Đổ vào mủng lấy quạt mo, quạt cho ráo/ Cắt lá dong, gói cơm cho bố mẹ đi ăn đường/ Đùm cá cho bố mẹ đi ăn xá/ Têm trầu, cau cho bố và mẹ đi xuống chợ”...

Hát ru của đồng bào Mường Thanh Hóa còn phản ánh các giai tầng trong xã hội và sự phân chia các thứ bậc trong làng, ngoài mường: “Con nhà lề, mặc áo lề lề/ Con nhà lề, mặc áo lề vua/ Con nhà vua mặc áo vua vàng/ Con nhà khang mặc áo vàng, áo đậu/ Con nhà chầu, mặc áo chầu chơi”.

Tri thức về các mối quan hệ, ứng xử trong gia đình, cộng đồng phải biết quý trọng, thương yêu nhau: “Con thương ngủ đi để mẹ hát câu xường/ Thương thiết thương nồng/ Thương từ ngoại đến nội/ Thương từ rể đến dâu/ Thương con trâu, con chó/ Thương con gà, con bò/ Mà làm sao quên được tiếng xường mường ta”.

Hát ru còn là tri thức răn dạy về những điều không được làm và nên tránh: “Đi vào rừng đừng có huýt sáo/ Huýt sáo bắn nó không may/ Về nhà ăn cơm muối trắng”.

Hát ru Mường đề cao những nét đẹp truyền thống trong sản xuất, thuần phong, mỹ tục của các làng mường và cư dân nơi đây: “Một hốc nhà hai ba nén bạc/ Một ngõ cổng hai ba quan tiền/... Làng Đàn nhiều ông đi học/ Làng Ngọc lắm tài/ Mường Khô - Ai khéo miệng”.

Hát ru của đồng bào Mường tỉnh Thanh là điệu tâm hồn yêu thương dành cho con trẻ, thông qua lời ru gửi tới trẻ thơ về bài học đầu đời nhận biết về thế giới thiên nhiên, kính trọng cha mẹ, quý yêu bản làng do ông cha khai phá, dựng xây... Từ những lời ru của bà, của mẹ “sữa ru phần xác, hát ru phần hồn” thấm vào lòng con trẻ, trở thành hành trang để mai ngày trẻ lớn khôn biết quý trọng và bảo vệ thiên nhiên, có trách nhiệm và nghĩa vụ với người thân, bản làng, quê hương, đất nước.

Gắn bó với thiên nhiên, cố kết với cộng đồng, những chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn qua hàng nghìn năm đã sáng tạo và thông qua hát ru dành cho con trẻ, đã tích lũy nhiều tri thức có giá trị. Những tri thức bản địa ấy là viên ngọc quý cần được phát huy trong cuộc sống hôm qua, hôm nay và trao truyền cho muôn đời sau.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/hat-ru-cua-dong-bao-muong-va-tri-thuc-dau-doi-danh-cho-con-tre/27999.htm