Hát về những người đã nằm xuống
Nhạc sĩ Trương Quý Hải không chỉ được yêu mến qua những ca khúc trữ tình như 'Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa', 'Khoảnh khắc', 'Tự khúc ngày sinh'..., những năm gần đây tên tuổi anh gắn với những ca khúc da diết, sâu nặng hát về đồng đội như 'Thư về với mẹ', 'Hát cho người còn sống', 'Về đây đồng đội ơi', 'Lũy đá bất tử'.
Mới đây nhất, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã hoàn thành và công bố tác phẩm “Vòng tròn bất tử” như một sự tri ân trước anh linh 64 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển khơi...
Nhạc sĩ Trương Quý Hải không chỉ được yêu mến qua những ca khúc trữ tình như “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa”, “Khoảnh khắc”, “Tự khúc ngày sinh”..., những năm gần đây tên tuổi anh gắn với những ca khúc da diết, sâu nặng hát về đồng đội như “Thư về với mẹ”, “Hát cho người còn sống”, “Về đây đồng đội ơi”, “Lũy đá bất tử”. Mới đây nhất, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã hoàn thành và công bố tác phẩm “Vòng tròn bất tử” như một sự tri ân trước anh linh 64 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển khơi...
Khi ca khúc “Vòng tròn bất tử” được nhạc sĩ Trương Quý Hải công bố trước ngày kỷ niệm trận chiến Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2021) chỉ vài ngày, đã khiến nhiều người xúc động. Trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt, câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của 64 chiến sĩ trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma sẽ đi vào huyền thoại, trở thành “sự mất mát bất tử”.
Đối với nhạc sĩ Trương Quý Hải cũng vậy, nhưng có khác một chút vì là anh là một nhạc sĩ - cựu binh trở về từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Vốn đã chứng kiến quá nhiều nỗi đau thương, mất mát khi phải tiễn biệt đồng đội của mình hi sinh ở độ tuổi đôi mươi, nên câu chuyện về cuộc chiến Gạc Ma một lần nữa lại ám ảnh người cựu binh Trương Quý Hải. Anh luôn cảm thấy bản thân mình “mắc nợ” những người đồng đội đã nằm xuống trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang) và mắc nợ cả anh linh 64 người chiến sĩ mà thân xác đã hòa vào sóng nước biển khơi để bảo vệ hải đồn của Tổ quốc.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể rằng, khi anh trở về từ mặt trận Vị Xuyên và theo học Đại học Mỏ - Địa chất năm thứ 2, thì được nghe thông tin về cuộc chiến Gạc Ma với sự hi sinh to lớn của các chiến sĩ Hải quân ta. Nhưng ngày đó, các kênh thông tin còn ít nên những điều mà anh và bạn bè được biết cũng không nhiều. Nhưng tấm gương hi sinh của Trung úy Trần Văn Phương khi ôm chặt lá cờ Tổ quốc và các chiến sĩ Hải quân trên đảo Gạc Ma đã đứng thành vòng tròn, trở thành những “lá chắn sống” để bảo vệ lá cờ chủ quyền Tổ quốc trước sự tấn công của địch khiến anh vô cùng xúc động. Ngay ở thời điểm đó, Trương Quý Hải đã muốn viết một điều gì đó dành cho những người đồng đội của mình, nhưng vẫn chưa đủ “dữ liệu” để một ca khúc được cất lên.
Năm 1993, nhạc sĩ Trương Quý Hải mới có dịp đến với Trường Sa cùng đoàn đại biểu thanh niên cả nước. Lúc ấy, từ đảo Cô Lin, anh em Hải quân đã chỉ cho đoàn đại biểu về đảo Gạc Ma, nơi xảy ra trận thủy chiến ác liệt và 64 anh em hi sinh ở đó.
Rất nhiều người đã rơi nước mắt, còn nỗi xúc động trong lòng nhạc sĩ Trương Quý Hải ở khoảnh khắc đó khiến anh còn nhớ và đa mang mãi về sau này, cho đến khi những giai điệu bi tráng mà mạnh mẽ chứa đựng tinh thần kiên cường, bất khuất trong ca khúc “Vòng tròn bất tử” vang lên: “Một vòng hoa rưng rưng sóng đưa/ Một vòng tay rưng rưng tiếng ru/ Vòng tay đất nước/ Lời ru yêu thương khúc tưởng nhớ/ Một trận chiến tay không trước thù/ Một dũng khí vòng tay quyết tử/ Để truyền đời Gạc Ma bờ cõi Việt Nam/ Máu loang màu cờ vòng tròn bất tử/ Ngàn trùng sóng bể lời nguyền Gạc Ma/ Chủ quyền linh thiêng nước Nam/ Biển trời không dung ngoại bang/ Thẳm sâu vọng vang...”...
Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể lại rằng, trong những năm tháng mặt trận Vị Xuyên nóng bỏng, ác liệt nhất, anh đã gác lại giấy báo nhập học trường Đại học Mỏ - Địa chất để lên đường chiến đấu. Tại Sư đoàn 356, anh được cấp trên giao cho làm công tác “tuyên văn”, nôm na là làm công tác tuyên truyền văn hóa, văn nghệ của đơn vị. Nhưng đến khi cuộc chiến trở nên ác liệt thì anh lại được phân công làm nhiệm vụ chôn cất tử sĩ tại mặt trận Hà Giang. Anh không còn nhớ đã bế trên tay bao nhiêu xác đồng đội, trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc.
Có một lần, khi tìm trên người đồng đội đã hy sinh để có thêm thông tin, anh đã tìm thấy trong túi áo của liệt sĩ có 3 chữ “Mẹ kính yêu!” ghi trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa với màu mực xanh thấm máu. Tự dưng anh cảm thấy như có một luồng điện chạy qua mình. Chàng trai tuổi 20 Trương Quý Hải nghĩ về mẹ mình, nghĩ về người mẹ của đồng đội mà anh không biết mặt sẽ vĩnh viễn không gặp lại con.
Vậy là đêm ấy, Trương Quý Hải đã ngồi viết tiếp bức thư ấy bằng những câu hát đầy xúc động: "Thư về với mẹ còn đượm nồng khói đất chiến hào/ Thư về với mẹ thấm máu đào bạn con vừa hy sinh/ Thư về với mẹ, lời nguyện thề vì đất nước trong lòng/ Thư về với mẹ, non sông sạch bóng thù, con sẽ về mẹ ơi!...”. Khi bài hát ấy được cất lên, anh em thương binh đã đặt tên cho nó là “Thư về với mẹ” và đây chính là dấu ấn rõ nét nhất, mở đầu cho dòng ca khúc “Hát về đồng đội” của Trương Quý Hải kéo dài cho đến tận hôm nay...
Nhạc sĩ, cựu binh Trương Quý Hải nhớ lại: “Ngày đó, câu chuyện về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh vẫn kiên cường chiến đấu ngay cả khi bị thương đã khiến bao người cảm phục. Hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã bất khuất hi sinh khi trong tay vẫn ôm khẩu súng có khắc dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử” đã lan tỏa khắp mặt trận. Dòng chữ “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử” được truyền tai nhau và dường như đã trở thành một thứ vũ khí tinh thần, một khẩu hiệu sắt đá của những người lính đang ngày đêm chiến đấu. Và nó cứ ám ảnh tôi mãi. Nhưng phải đến 30 năm sau, tôi mới hoàn thành xong bài hát này và khi đó tôi mới thấy lòng mình thực sự thanh thản, nhẹ nhõm vì đã làm được một việc có ý nghĩa đối với anh linh những người đồng đội đã nằm xuống!” .
Quả thực, lời bài hát “Lũy đá bất tử” mang màu sắc bi tráng, hào hùng làm lay động trái tim người nghe, đặc biệt là cựu chiến binh từng sống, chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử/ Lời thề tuổi xuân, nước Nam hào khí vọng vang/ Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử/ Thành lũy đôi mươi, bờ cõi non sông đời đời...”. Nhạc sĩ Trương Quý Hải đã trân trọng đã ghi vào phần tác giả phần lời là “Nguyễn Viết Ninh và đồng đội” như để tỏ lòng biết ơn sâu nặng trước tấm gương chiến đấu, hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh và những đồng đội tuổi 20 đã ngã xuống cho cuộc sống bình yên hôm nay.
Đến Vị Xuyên, lên cao điểm 468 hôm nay, trong mùi khói hương trầm mặc lẫn giữa mây núi yên bình, thật khó hình dung về một mặt trận khốc liệt, bất khuất và đau thương năm nào nếu không được nghe câu chuyện của những người lính - những chứng nhân lịch sử một thời kể lại. Càng xúc động hơn khi lắng nghe những ca khúc do nhạc sĩ Trương Quý Hải hát về đồng đội mình. Anh không chỉ hát cho những người đã nằm xuống, mà còn “Hát cho những người còn sống” hôm nay: “Biên cương đã sạch bóng thù/ Đồng đội ơi còn sống về đi/ Trở về mái ấm quê hương/ Tiện đường ghé thăm nhà tôi/ Nhà tôi góc phố, nhà tôi cuối làng/ Tôi biển cát trắng, tôi xóm bên sông/ Mẹ hay nước mắt cha thường lặng lẽ/ Em tôi ngoan lắm trăng non tóc thề/ Thay tôi tạ lỗi cha mẹ, đạo làm con chữ hiếu dở dang/ Nặng tình non nước lên đường, ngày về khói hương đoàn viên…”.
Vậy là từ “Lũy đá bất tử” đến “Vòng tròn bất tử”, người nhạc sĩ cựu chiến binh Trương Quý Hải đã làm nên diện mạo mới trong gia tài ca khúc của mình: Đó là những bài hát về đồng đội được cất lên từ ký ức, từ những trải nghiệm đau thương, sự sẻ chia và lòng biết ơn vô hạn đối với những người chiến sĩ cùng trang lứa đã nằm lại nơi biên cương hay hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Với riêng nhạc sĩ Trương Quý Hải, dường như anh cảm thấy đã vơi đi món nợ với những đồng đội đã nằm xuống, nhưng anh tâm nguyện sẽ vẫn tiếp tục sáng tác dòng ca khúc hát về đồng đội, về người lính khi đủ “cơ duyên”...
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/30-4-17-hat-ve-nhung-nguoi-da-nam-xuong-638760/