Hậu đại dịch, mâu thuẫn gia tăng trong thị trường lao động châu Á

Các cuộc khảo sát đang cho thấy sự gia tăng bất đồng giữa người sử dụng lao động và nhân viên sau Covid-19, theo thông tin từ Nikkei Asia.

Tâm lý bất an đang len lỏi trong lực lượng lao động châu Á khi nhiều quốc gia trong khu vực tìm cách dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 và khôi phục hoạt động kinh doanh như bình thường.

Xu hướng làm việc toàn thời gian tại công sở

Các nghiên cứu gần đây cho thấy các công ty châu Á đang háo hức hơn các đối tác phương Tây trong việc mở lại văn phòng và đưa nhân viên trở lại làm việc toàn thời gian sau hơn hai năm phải cho nhân viên làm việc từ xa trên quy mô lớn. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng lao động đang gặp phải sự miễn cưỡng hoặc phản đối từ nhân viên của mình. Đang có một tỷ lệ lớn người lao động thiếu cảm giác "gắn kết" với tổ chức và có khả năng bỏ việc.

Một cuộc khảo sát của EY- công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, được công bố vào tháng 7 năm nay cho thấy 45% người được hỏi ở Đông Nam Á cho biết họ có khả năng sẽ nghỉ việc trong 12 tháng tới. EY cho biết, những người này chủ yếu mong muốn được trả lương cao hơn, cơ hội nghề nghiệp tốt hơn và công việc linh hoạt hơn. Họ đưa ra những yêu cầu này trong bối cảnh lạm phát gia tăng, sự thiếu hụt nhân lực trong nhiều ngành khiến cơ hội việc làm cao hơn và nhiều công việc hỗ trợ tính linh hoạt cao. Kết quả của cuộc khảo sát này là đáng chú ý khi đã tiến hành thăm dò ý kiến của hơn 1.500 lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 17.000 nhân viên từ 22 quốc gia.

Nhiều công ty châu Á đang muốn người lao động trở lại văn phòng làm việc hoàn toàn như trước đại dịch. Ảnh: Reuters.

Nhiều công ty châu Á đang muốn người lao động trở lại văn phòng làm việc hoàn toàn như trước đại dịch. Ảnh: Reuters.

Dù người lao động có ý kiến như vậy nhưng nhiều công ty châu Á dường như vẫn có ý định buộc người lao động phải trở lại văn phòng. Đầu năm nay, khi công ty dịch vụ bất động sản của Mỹ CBRE khảo sát 150 công ty châu Á - Thái Bình Dương, gần 40% số công ty được hỏi mong đợi nhân viên làm việc hoàn toàn tại văn phòng, tăng từ mức 26% vào năm 2021. Điều này trái ngược hẳn với kết quả từ Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, nơi chỉ có 5% hoặc ít hơn dự kiến yêu cầu người lao động phải quay trở lại công sở hoàn toàn.

Bà Michelle Leung, nhân viên về nhân sự tại công ty dịch vụ y tế Cigna International Markets, đã nhấn mạnh những thay đổi sâu rộng trên thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch.

Bà Leung nói: "Một trong những xu hướng lớn nhất mà chúng tôi thấy vào năm 2021 là từ chức. Tuy nhiên, cũng có một hiện tượng khác là cải tổ lại định hướng công việc. Những người đi theo định hướng này sẽ định hình lại sự nghiệp của họ và tập trung vào những công việc phù hợp nhất với nhu cầu cá nhân".

Bà Leung nói rằng "Hiện có một số yếu tố đang thúc đẩy sự bất mãn và muốn thay đổi của người lao động. Do đó, các công ty sẽ cần "bắt kịp với những kỳ vọng mới của nhân viên và áp dụng cách tiếp cận toàn diện hơn khi đưa ra những chính sách mới để thu hút người lao động".

Nhiều số liệu khác đáng lo

Trước đó, hàng loạt các số liệu đáng lo khác đối với các nhà tuyển dụng châu Á cũng đã được công ty tư vấn Accenture công bố vào tháng 5. Cuộc khảo sát với khoảng 5.000 người lao động và 1.000 giám đốc điều hành hàng đầu ở nhiều quốc gia cho thấy ở những nơi như Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, chưa tới 40% người được hỏi cảm thấy có mối liên hệ chặt chẽ với đồng nghiệp và công ty.

Người ta có thể cho rằng đây là kết quả của sự gián đoạn công việc vì đại dịch Covid-19 và hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm dài làm việc từ xa. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn dữ liệu thì kết quả là ngược lại. Chính những người làm việc tại chỗ cảm thấy ít kết nối nhất với công ty so với các đồng nghiệp làm việc từ xa hoặc có hình thức làm việc kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Anoop Sagoo, Giám đốc điều hành của Accenture phụ trách các thị trường tăng trưởng, nói với Nikkei Asia: "Trong khi nhiều công ty cho rằng văn phòng là một môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới vì sự tương tác trực diện", thì cuộc khảo sát lại chỉ ra rằng nhiều nhân viên không cảm thấy công sở đáp ứng được nhu cầu của họ".

Trước tình hình này, các chuyên gia gợi ý rằng cả nhân viên và người sử dụng lao động có thể đều cần suy nghĩ lại về các ưu tiên hành động sắp tới của mình.

Samir Bedi, một cố vấn hàng đầu về lực lượng lao động của công ty EY phụ trách khu vực các nước Đông Nam Á cho biết: "Trong bối cảnh tính linh hoạt trong công việc đang dần trở thành một tiêu chuẩn mới, điều quan trọng là các nhà tuyển dụng phải xem xét đề xuất từ các nhân viên nhằm giải quyết các mối quan tâm chính của lực lượng lao động ngày nay, đặc biệt là về lương thưởng cạnh tranh và cơ hội phát triển nghề nghiệp".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hau-dai-dich-mau-thuan-gia-tang-trong-thi-truong-lao-dong-chau-a-20220919144940924.htm